Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Một mái ấm mới

  • Thực hiện: Mỹ Hạnh
  • 28/10/2021

Đầu tháng 9 năm nay, tôi có chuyến công tác đến một cơ sở bảo trợ xã hội tỉnh. Có lẽ hình ảnh gây ấn tượng mạnh với tôi trong suốt quá trình ấy là một cô bé khoảng chừng 11 tuổi đang ngồi trên cầu thang với đôi mắt đượm buồn. Lân la bắt chuyện, phải một lúc sau, cô bé mới bắt đầu mếu máo nói:“Khi con ngủ, con mơ thấy mẹ đang nằm nhìn con… Lúc đó mẹ con không bị bệnh. Con nhớ ba mẹ nhiều. Con ghét con COVID này lắm vì nó cướp đi mẹ của con”.

Tôi nhớ đến lời của cô Hương- Giám đốc trao đổi lúc sáng:“Gần đây, theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận tạm thời gần hai chục trẻ em bị mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại đang điều trị tại bệnh viện và hiện không có người thân chăm sóc tại tỉnh trong thời hạn tối đa là ba tháng”. Chắc con cũng là một trong số những đứa trẻ mới được đưa vào đây dịp này. Cuối buổi chiều trước khi ra về, tôi gặp lại con. Khi tôi hỏi tên, con nói con tên là Nga, năm nay 10 tuổi. Con nói con ở đây đã được một tuần.

Sau này, thông qua lời cậu ruột của con tôi được biết: Ngày bé, Nga ở với ông, bà nội còn bố, mẹ lên thành phố làm công nhân. Sau một trận ốm nặng, một bên tay của Nga không cử động được và đau nhức mỗi khi “trái gió trở trời”. Năm lên 8 tuổi, sau khi ông, bà mất, con được bố mẹ đón lên thành phố để nuôi dưỡng, chăm sóc. Tùy từng thời điểm của công việc mà bố, mẹ Nga sẽ làm tăng ca hoặc làm việc vào ban đêm. Những lúc như vậy mẹ con hay gửi nhờ dì Tư - người hàng xóm lâu năm chăm con hộ. Đầu tháng 8 năm nay, doanh nghiệp nơi bố, mẹ con làm việc thực hiện “3 tại chỗ”. Bố con là tổ trưởng, mẹ con là tổ phó tổ sản xuất nên phải ở lại chỗ làm. Bố mẹ Nga gọi điện nhờ người thân ở quê lên chăm sóc nhưng đều được tin gia đình cậu ruột và cô ruột đang tự cách ly tại nhà do tiếp xúc với F1 nên không thể lên được. Mẹ Nga chỉ còn cách gọi điện cho dì Tư và nhờ dì chăm bé Nga những ngày này. Mười lăm ngày sau, bố mẹ con bị nhiễm Covid-19 và sau hai hôm mẹ con qua đời. Bố con vẫn đang được điều trị tích cực trong bệnh viện. Gia đình dì Tư khi ấy có chuyện nên dì phải về quê gấp và không thể tiếp tục chăm sóc Nga. Do vậy, dì Tư có báo với chính quyền địa phương về trường hợp của Nga. Sau đó, Nga được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Cuối tháng 9, tôi liên hệ lại với cô Hương để hỏi thăm tình hình của Nga thì được biết, do Nga nhớ gia đình và điều kiện đi lại đã thuận lợi hơn nên người cậu của Nga đã đón con về quê chăm sóc. Được mấy hôm sau khi cậu đón về, cô Hương đã liên hệ với cậu ruột của Nga thì được biết bố Nga cũng đã qua đời cách đây vài ngày. Nỗi đau chồng lên nỗi đau. Chỉ vẻn vẹn trong ba tháng con mất cả bố cả mẹ. Người thân của con thương con lắm nhưng hoàn cảnh của họ lại không thể chăm sóc con lâu dài. Gia đình cậu thuộc hộ nghèo nhất xã. Gia đình người cô đông con, vừa rồi do dịch bệnh nên hai vợ chồng đều bị mất việc, kinh tế sa sút nhiều. Nghe đến đây, tôi thấy ngậm ngùi, nước mắt chảy theo lời cô Hương vì không biết tương lai sau này của Nga sẽ như thế nào? Cô Hương nói theo cô được biết, cậu của Nga sau khi liên hệ đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa phương và được tư vấn thì đã liên hệ với Ủy ban nhân dân xã nơi em Nga thường trú để tìm gia đình thay thế cho Nga gần một tuần trước. Tại Ủy ban nhân dân xã, cậu của Nga được phổ biến rõ: Sau 60 ngày thông báo, niêm yết để tìm người nhận Nga làm con nuôi, nếu không có người trong nước nhận thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ đưa Nga vào cơ sở trợ giúp xã hội nuôi dưỡng theo diện trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, thuộc diện khó khăn không tự lo được cuộc sống và không có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhấn mạnh trường hợp của Nga là trẻ khuyết tật nặng thuộc diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và Nhà nước hiện khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác như Nga làm con nuôi. Theo lời cô Hương, tôi được biết đa số các cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có cơ sở nơi cô làm việc đang quá tải, nhu cầu vào thì lớn nhưng khả năng đáp ứng rất hạn chế. Dù được Nhà nước cấp kinh phí cũng như các nguồn thu, hỗ trợ khác nhưng nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn nên cô quan ngại vấn đề này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến điều kiện chăm sóc trẻ một cách tốt nhất. Sau khi mất cả cha và mẹ, Nga trở nên trầm lặng hơn, con chỉ thích ngồi một mình và sợ đông người và vì thế đưa Nga vào cơ sở trợ giúp xã hội cũng không phải là giải pháp tối ưu. Sau khi cân nhắc, người thân của Nga ưu tiên và có nguyện vọng tìm cho Nga một gia đình nhận nuôi bảo đảm cho con được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.

Ảnh mang tính chất minh họa

Biết được hoàn cảnh hiện tại của con, tôi thấy thương Nga vô cùng. Bản thân tôi cũng là một đứa trẻ mồ côi nên tôi thấu hiểu cảm giác khi mất đi bố mẹ là như thế nào. Nhiều đêm, tôi trằn trọc không ngủ được khi nghĩ đến hình ảnh của Nga buồn rầu ngồi bên bậc thang của Trung tâm bảo trợ xã hội. Trong lòng tôi trào lên cảm xúc thương xót, muốn bao bọc, che chở cho con! Trong đầu tôi lóe lên ý muốn nhận Nga làm con nuôi và xin cô Hương số điện thoại của người cậu. Ngay tối ấy, tôi hỏi ý kiến chồng về ý muốn nhận Nga làm con nuôi. Ban đầu tôi nghĩ chồng sẽ phản đối vì chúng tôi đã có hai đứa con và đang thời điểm khó khăn nhưng tôi vẫn quyết định nói với chồng. Sau khi nghe tôi kể về trường hợp của bé Nga, anh đồng ý ngay lập tức. Tôi liên hệ với cậu của Nga và ngỏ ý muốn nhận Nga làm con nuôi và xin địa chỉ nhà của người cậu để xuống trao đổi trực tiếp.

Bước đầu, vợ chồng tôi thống nhất và trao đổi lại với người cậu rằng cần có thời gian cho Nga làm quen với chúng tôi. Nếu hai bên có duyên và bé Nga đồng ý thì vợ chồng tôi sẽ nhận Nga làm con nuôi. Sau gần hai tuần nỗ lực, bằng tình yêu thương của hai vợ chồng tôi và người thân của con, tôi thấy con dần cởi mở hơn với mọi người và quý mến vợ chồng tôi nhưng tôi nghĩ chúng tôi vẫn cần thêm thời gian đặc biệt là cho con. Chúng tôi dự định một vài tháng nữa sẽ ngỏ lời với Nga về mong muốn nhận con làm con nuôi và hy vọng con sẽ đồng ý. Vài hôm trước, khi liên hệ với Ủy ban nhân dân xã nơi Nga thường trú, vợ chồng tôi được biết mình đủ điều kiện nhận Nga. Vợ chồng tôi vô cùng vui mừng khi nghe tin đó. Mong rằng con sẽ chấp nhận và sống vui với mái ấm mới này!

Khoản 3 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 quy định: “3. Chăm sóc thay thế là việc tổ chức, gia đình, cá nhân nhận trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng khi trẻ em không còn cha mẹ;... trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang nhằm bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.”.

Điểm d khoản 1 Điều 10 Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em khuyết tật là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Khoản 4 Điều 47 Luật Trẻ em 2016 quy định về các yêu cầu bảo vệ trẻ em như sau:“4...Việc đưa trẻ em vào cơ sở trợ giúp xã hội là biện pháp tạm thời khi các hình thức chăm sóc tại gia đình, gia đình nhận chăm sóc thay thế không thực hiện được hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.”

Khoản 3 Điều 60 Luật Trẻ em 2016 quy định về các yêu cầu đối với việc thực hiện chăm sóc thay thế, trong đó có:3. Phải xem xét ý kiến, nguyện vọng, tình cảm, thái độ của trẻ em tùy theo độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ em; trường hợp trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên phải lấy ý kiến của trẻ em.”

Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về người được nhận làm con nuôi

1. Trẻ em dưới 16 tuổi

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

4. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.

Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về điều kiện đối với người nhận con nuôi

1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.