Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính Phủ

  • Thực hiện: Ths.LS. Lê Hải Yến
  • 20/09/2021

 Ngày 27-8-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Nghị định này áp dụng đối với trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh (sau đây gọi chung là người học) đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp; các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

 Nghị định gồm 05 chương, 33 điều và 10 phụ lục kèm theo (Mẫu hố sơ). Sau đây là một số nội dung chủ yếu của Nghị định này.

  1. Về khung học phí:

Nghị định quy định khung học phí đối với từng cấp học. Đối với mỗi cấp học khung học phí được chia theo các tiêu chí: thời gian khóa học; chia theo vùng (đối với giáo dục mầm non, phổ thông); và chia theo hai loại cơ sở giáo dục (CSGD), gồm loại chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và loại tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Gồm một số nội dung đáng chú ý như sau:

i) Học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông (Điều 9)

+/Khung học phí năm học 2021 – 2022, do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, nhưng không vượt mức trần khung học phí hoặc mức học phí năm học 2020 - 2021.

+/ Khung học phí năm học 2022 - 2023

Khung học phí (mức sàn - mức trần) đối với cơ sở giáo dục công lập (CSGDCL) chưa tự bảo đảm chi thường xuyên được chia theo vùng (khu vưc) thành thị, nông thôn,vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Gồm một số mức:

 + Khu vực thành thi: Mầm non và tiểu học, từ 300-540 nghìn/ tháng. Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT):300 đến 650 nghìn/ tháng.

 + Khu vực nông thôn: Mầm non và tiểu học, từ 100- 220 nghìn/ tháng; THCS 100-270 nghìn tháng; 200-330 nghìn/tháng.

 + Vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Mầm non và tiểu học: Từ 50 đến 110 nghìn / tháng. THCS: Từ 50 đến 170 nghìn/tháng; THPT: từ 100 đến 220 nghìn / tháng.

Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Tối đa bằng 2 lần mức trần học phí nói trên…..

+  Khung học phí từ năm học 2023 - 2024 trở đi:

Khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm;

Trường hợp học trực tuyến (học online), học phí  tối đa bằng mức học phí của cơ sở giáo dục đã được ban hành.

ii) Học phí đối với giáo dục nghề nghiệp (Điều 10)

+  Mức trần học phí năm học 2021 - 2022: được áp dụng bằng mức trần học phí của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (CSGDNNCL) do Nhà nước quy định áp dụng cho năm học 2020 - 2021, cụ thể như sau:

+/ Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp tại các CSGDNNCL chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được quy định theo nhóm ngành nghề đào tạo khác nhau (đơn vị tính theo nghìn đồng/ sinh viên/ tháng). Khung thấp nhất là nhóm ngành nghề khoa học xã hội (KHXH) nhân văn, giáo dục… (780 nghìn); khung cao nhất áp dụng cho nhóm ngành nghề về sức khỏe (1.140 nghìn….

b) Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp tại các CSGDNNCL  tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư : Thấp nhất là nhóm các ngành KHXH nhân văn, giáo dục, báo chí (1.640 nghìn); cao nhất là nhóm ngành nghề đào tạo về sức khỏe (4.040 nghìn)….

 iii) Học phí đối với giáo dục đại học (Điều 11)

* Mức trần học phí năm học 2021 - 2022:

 + Đối với các khối ngành đào tạo trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục đại học công lập (GDĐHCL) chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, mức học phí quy định theo khối ngành đào tạo. Trong đó khối ngành đào tạo giáo viên, báo chí, kinh doanh quản lý, pháp luật... mức trần là 980 đồng/ tháng; khối ngành y dược là 1430 nghìn/ tháng….

 Mức trần học phí đối với các cơ sở GDĐH CL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì các khối ngành đào tạo giáo dục, luật, báo chí là 2 050 nghìn / tháng; khối ngành y dược là 5050 nghìn đồng / tháng….

  1. Chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí, đồ dùng học tập:
  1. Nghị định quy định đối tượng không phải đóng học phí (Điều 14), gồm:

-Học sinh tiểu học trường công lập.

- Người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Các ngành chuyên môn đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định.

   ii)    Chính sách miễn học phí tại Nghị định này (Điều 15) áp dụng đối với 17 đối tượng khác nhau, gồm:

-Các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên khuyết tật.

- Trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng và người từ 16 tuổi đến 22 tuổi đang học phổ thông, giáo dục đại học văn bằng thứ nhất thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP . Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

- Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;...

iii) Nghị định quy định chính sách giảm học phí và hỗ trợ tiền đóng học phí (Điều 16), áp dụng với một số đối tượng sau:

* Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm:

- Học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật ;

- Học sinh, sinh viên học các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp thuộc danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại theo quy định pháp luật;

- Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của pháp luật.

* Các đối tượng được giảm 50% học phí gồm:

- Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên;

- Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

*  Đối tượng được hỗ trợ tiền đóng học phí: Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí.

iv)  Đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định này (Điều 18, Điều 20), với mức 150 nghìn đồng/ học sinh/ tháng gồm:

-Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên khuyết tật học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông .

- Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ...

Bên cạnh đó, Nghị định cũng trao quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng (Điều 17).

3) Quy trình thủ tục thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và phương thức chi trả (Điều 20)

*  Hồ sơ (Điều 19), gồm có các Giấy tờ chủ yếu sau đây:

Đơn đề nghị miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí (theo Mẫu)

- Bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao từ sổ gốc giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định (Giấy xác nhận của CQ quản lý người có công; Giấy xác nhận khuyết tật do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp hoặc Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; Giấy xác nhận hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp...).

Đối với  đối tượng vừa thuộc diện được miễn, giảm học phí vừa thuộc diện được hỗ trợ chi phí học tập, chỉ phải làm 01 bộ hồ sơ các giấy tờ liên quan nói trên kèm đơn theo mẫu quy định của Nghị định này, nộp lần đầu cho cả thời gian học tập.

Riêng đối với người học thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì vào mỗi đầu học kỳ phải nộp bổ sung giấy xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo để làm căn cứ xem xét miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho kỳ học tiếp theo.

Trình tự thực hiện, cơ chế chi trả (Điều 20)

-  Đối tượng (hoặc cha mẹ) Nộp hồ sơ trong vòng 45 ngày làm việc kể từ ngày khai giảng năm học gửi cơ sở giáo dục theo hình thức nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc hệ thống giao dịch điện tử.

- Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm xét duyệt hồ sơ và lập danh sách học sinh được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí theo quy định, gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận được Đơn và hồ sơ hợp lệ.

  Kinh phí cấp bù miễn, giảm học phí; hỗ trợ đóng học phí ; hỗ trợ chi phí học tập được cấp theo thời gian học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm học đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên tại cơ sở giáo dục thường xuyên và 10 tháng/năm học đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và thực hiện chi trả cho người học 2 lần trong năm vào đầu các học kỳ của năm học…..

 Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm 2021 và thay thế các Nghị định số 86/2015/NĐ-CP  và Nghị định số 145/2018/NĐ-CP  .

Nội dung chi tiết vui lòng xem tại:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thue-phi-le-phi/Nghi-dinh-81-2021-ND-CP-quan-ly-hoc-phi-doi-voi-co-so-giao-duc-thuoc-he-thong-giao-duc-quoc-dan-457392.aspx