Cầm trên tay tấm bằng đại học, tôi vẫn không tin bởi có những lúc tưởng chừng giấc mơ được đi học của tôi đã chấm hết.
Sinh ra và lớn lên ở chợ nổi Long Xuyên, đối với tôi ghe là nhà, mặt nước là sân chơi. Khoảng thời gian tôi và những đứa trẻ nơi đây mong muốn nhất chính là những buổi lên bờ học chữ, được gặp các bạn và cô giáo. Trong một buổi chiều tan học, tôi hí hửng trở về nhà để khoe điểm 10 môn toán. Bỗng nhiên “Đùng…rầm…” một chiếc xe máy đi ngược chiều lao vọt lên vỉa hè và tông thẳng vào tôi, tôi chỉ kịp gọi một tiếng: “Má ơi” rồi ngất lịm. Khi tỉnh dậy, tôi không thấy gì cả, không thấy ba má, xung quanh chỉ là một màu đen kịt. Sau khi khám mắt tôi, bác sĩ nói với ba má tôi:
“Có thể cháu bị chấn thương làm ảnh hưởng đến thị lực, chúng tôi sẽ làm thêm các xét nghiệm để chuẩn đoán cho cháu”
Trong cơn hoảng loạn, tôi nghe bập bõm tiếng xì xào của vài cô bác giường bên về một gã trai say rượu phóng xe lao lên vỉa hè đâm vào tôi rồi bỏ chạy nhưng đã bị người dân giữ lại. Tôi được đưa đi cấp cứu với đa chấn thương. Nước mắt tôi bắt đầu tràn ra. Một đứa trẻ 15 tuổi lúc này như hiểu ra, một nỗi sợ vô hình dâng trào, cánh tay tôi khua loạn khắp nơi. Tôi chờ đợi ngày một, ngày hai, rồi một tuần, đã bao lần các bác sĩ khám, điều trị... nhưng rốt cuộc xung quanh tôi vẫn là một màu đen. Tôi rụt rè hỏi ba: “Bao giờ mắt con khỏi hả ba?”. Đáp lại chỉ là tiếng thở dài và sự im lặng của ba, tiếng má khóc nghèn nghẹn. Tôi nói với má:
- Má xin phép cô giáo cho con nha!
- Mù rồi thì học hành gì nữa. Tiếng ai đó vọng lại.
Chuỗi ngày tiếp theo là những ngày đẫm nước mắt, tôi thu mình trên giường bệnh và cố quen với việc mình bị mù. Tôi phải tập đi, tập sinh hoạt nhưng tôi đi đến đâu là đụng ngã đến đó, làm rơi cái này, làm bể cái kia. Có những ngày tôi nản chí, một mực không chịu ra khỏi giường. Trong đau khổ, tuyệt vọng, tôi hận người đàn ông đã tông vào tôi, người đã uống say nhưng vẫn điều khiển xe máy và cướp đi của tôi đôi mắt, giấc mơ đi học, tương lai tươi sáng của tôi. Ba đã trao cho tôi chiếc gậy, kể về ông lão mù mà trước đây hai ba con thường gặp ở chợ và bảo “Người mù lắng nghe và cảm nhận âm thanh để định vị như cách người dân chài vẫn cảm nhận trời đất để phán đoán vậy”.
Tôi tập quen với bóng tối, cùng với chiếc gậy dò đường, tôi tập lắng nghe và cảm nhận, tập hình dung vị trí trong đầu. Gia đình tôi cũng được Hội người mù ở địa phương giúp đỡ và tôi được đi học tại một Trung tâm giáo dục thường xuyên. Ở Trung tâm có khối dạy dành riêng cho học sinh khiếm thị, tôi được gặp bạn mới và gặp cô giáo ở lớp chữ Braille (chữ nổi). Cuộc sống của tôi như bước sang một trang khác, không còn mặc cảm, tự ti mà thay vào đó là sự vui vẻ, tự tin.
Người say rượu đâm xe vào tôi cũng đã bị pháp luật trừng trị. Mặc dù sau khi tỉnh, anh ta đã ăn năn hối lỗi nhưng những gì anh ta gây ra cho tôi thì mãi không bao giờ bù đắp được. Cái giá phải trả quá đắt cho việc say xỉn lái xe. Đánh đổi tương lai, tính mạng của bản thân và của người khác chỉ vì rượu bia, liệu có đáng?
1. Nghị định 46/2016/NĐ-CP ban hành ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đối với người sử dụng rượu, bia khi điều khiển xe moto, xe gắn máy tại Điều 6 như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên
đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam / 100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. ( Khoản 6)
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng - 4.000.000 đồng đối với hành vi “Điều khiển xe trên
đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam / 100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.” (điểm c khoản 8)
2. Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định:
Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
Nội dung chi tiết xem tại link: