Tóm tắt: Bài viết phân tích quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em trong pháp luật hình sự các nước, từ đó so sánh dưới góc độ lập pháp với các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành.
1. Định nghĩa trẻ em, tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em
Cho đến nay, khi đề cập đến khái niệm trẻ em vẫn có nhiều ý kiến và cách gọi khác nhau, như người chưa thành niên, trẻ vị thành niên, trẻ em. Trong các văn bản pháp lý quốc tế và các chương trình của Liên hiệp quốc (LHQ), tổ chức này sử dụng đồng thời cả hai định nghĩa trẻ em và người chưa thành niên. Điều 1 Công ước quốc tế về Quyền trẻ em quy định: “Trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Quy tắc Bắc Kinh được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 29/11/1985 lại nêu: “Người chưa thành niên là trẻ em hay người ít tuổi tùy theo từng hệ thống pháp luật có thể bị xét xử vì phạm pháp theo một hình thức khác với việc xét xử người lớn”. Quy tắc tối thiểu của LHQ về Bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do thông qua ngày 14/12/1990 cũng quy định: “Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Giới hạn tuổi dưới mức này cần phải được pháp luật xác định và không được tước quyền tự do của người chưa thành niên”. Như vậy, có thể thấy rằng, khi đưa ra định nghĩa về trẻ em hay người chưa thành niên, pháp luật quốc tế không dựa vào đặc điểm tâm - sinh lý hay sự phát triển thể chất, tinh thần... mà trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc xác định độ tuổi. Theo đó, trẻ em và người chưa thành niên đều giới hạn là dưới 18 tuổi, đồng thời pháp luật quốc tế mở cho các quốc gia khả năng, tuỳ điều kiện kinh tế - xã hội, văn hoá, truyền thống của mình, có thể quy định độ tuổi đó sớm hơn.
Ở Việt Nam, quy định về độ tuổi của trẻ em thấp hơn so với Công ước. Điều 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định: “Trẻ em quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi”. Luật Trẻ em năm 2016 thay thế cho Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 cũng quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi” (Điều 1). So sánh quy định của hai văn bản luật này cho thấy, độ tuổi của trẻ em là không thay đổi. Mặc dù, trong quá trình soạn thảo Luật Trẻ em năm 2016, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên quy định nâng cao độ tuổi của trẻ em lên cho phù hợp với quy định của Công ước LHQ về Quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.
Pháp luật hình sự của mỗi nước quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) của trẻ em theo những tiêu chí riêng. Tuy nhiên một điều rõ ràng là tuổi chịu TNHS của trẻ em không nằm ngoài phạm vi tuổi chịu TNHS. Tuổi chịu TNHS là độ tuổi được luật hình sự quy định nhằm xác định khi một người phát triển đến độ tuổi đó mới có thể phải chịu TNHS hoặc loại trách nhiệm, mức hình phạt về hành vi phạm tội do mình gây ra. Khi bàn về khái niệm tuổi chịu TNHS, trong các văn bản pháp luật, những thuật ngữ liên quan đến tuổi chịu TNHS được sử dụng khá phổ biến nhưng không được định nghĩa hoặc không có sự thống nhất trong cách gọi và cách hiểu. Trong nhiều tài liệu, tuổi chịu TNHS có thể được hiểu như tuổi tối thiểu của TNHS. Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ tuổi tối thiểu của TNHS đôi khi dẫn đến việc cần phải phân biệt được các giới hạn tuổi khác nhau. Chẳng hạn, ở những quốc gia tồn tại hai giới hạn độ tuổi tối thiểu chịu TNHS, độ tuổi tối thiểu trên và độ tuổi tối thiểu dưới thì tuổi tối thiểu của TNHS phải được xác định theo hai mức. Theo đó, người đạt được độ tuổi tối thiểu dưới nhưng chưa đạt độ tuổi tối thiểu trên nếu thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm thì phải chịu TNHS về một số tội phạm cụ thể hoặc trong một số trường hợp cụ thể. Người đạt độ tuổi tối thiểu trên phải chịu TNHS trong mọi trường hợp.
Tuổi tối thiểu của TNHS là độ tuổi thấp nhất mà một người có thể phải chịu TNHS khi họ có hành vi phạm tội. Những người dưới độ tuổi này được coi là không có năng lực TNHS và không bị xử lý theo thủ tục tư pháp hình sự trong bất kỳ hoàn cảnh nào[1]. Tuổi tối thiểu của TNHS đầy đủ là độ tuổi thấp nhất mà người vi phạm pháp luật hình sự bị xử lý theo hệ thống hình phạt và thủ tục tố tụng dành cho người đã trưởng thành. Những người ở độ tuổi này hoặc lớn hơn không được xem xét giảm nhẹ hình phạt hay xét xử theo thủ tục đặc biệt dành cho những người được coi là chưa trưởng thành[2].
Ngoài ra, thuật ngữ tuổi chịu TNHS hay độ tuổi chịu TNHS, độ tuổi tối thiểu chịu TNHS đôi khi được sử dụng như những từ đồng nghĩa. Thậm chí trong một số tài liệu còn sử dụng thuật ngữ ngưỡng của TNHS[3].
Bằng việc xác định độ tuổi tối thiểu chịu TNHS trong luật hình sự, các nước đã mặc nhiên thừa nhận độ tuổi chịu TNHS của trẻ em. Qua đó có thể hiểu, tuổi chịu TNHS của trẻ em là độ tuổi mà trẻ em được coi là đủ tuổi để thực hiện hành vi phạm tội và phải chịu TNHS về hành vi của mình.
Công quốc quốc tế về Quyền trẻ em yêu cầu mỗi quốc gia thành viên phải quy định một độ tuổi tối thiểu mà trẻ em dưới độ tuổi đó được coi là không có khả năng vi phạm pháp luật hình sự[4]. Điều này có nghĩa là mỗi quốc gia phải quy định độ tuổi tối thiểu chịu TNHS. Điều 4 Quy tắc Bắc Kinh cũng nhấn mạnh điểm bắt đầu của giới hạn tuổi chịu TNHS không được quy định ở mức quá thấp, phải chú ý tới tâm lý và nhận thức của người chưa thành niên. Nghĩa là việc xác định tuổi chịu TNHS phải đủ cao để đảm bảo trẻ em đã nhận thức được tính chất nguy hiểm trong hành vi phạm tội thì mới có thể phải chịu TNHS. Nếu quy định độ tuổi tối thiểu chịu TNHS quá thấp thì ý nghĩa của việc quy định không còn và không đảm bảo được quyền của người chưa thành niên. Cũng theo Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, độ tuổi tối thiểu chịu TNHS thấp hơn 12 tuổi sẽ bị coi là không phù hợp với chuẩn mực pháp lý quốc tế. Độ tuổi tối thiểu được khuyến nghị trong Công ước là 14 tuổi.
Độ tuổi chịu TNHS của trẻ em được xây dựng dựa trên sự phát triển về mặt thể chất và tinh thần của con người; trình độ phát triển về nhận thức xã hội; điều kiện kinh tế - xã hội của từng quốc gia trong từng thời kỳ. Tham khảo độ tuổi tối thiểu của trẻ em phải chịu TNHS trong pháp luật hình sự của các nước cho thấy, có sự khác nhau rõ rệt về cách quy định mức tối thiểu về độ tuổi chịu TNHS của trẻ em cũng như sự phân chia nhóm tuổi chịu TNHS. Sự khác biệt trong pháp luật của các quốc gia cũng phản ánh sự thiếu đồng thuận trong cộng đồng quốc tế về độ tuổi chịu TNHS.
2. Quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em trong pháp luật hình sự một số quốc gia
- Pháp luật hình sự của các nước Asean:
Pháp luật Malayxia quy định về độ tuổi chịu TNHS như sau: Theo Điều 82 BLHS, trẻ em chưa đủ 10 tuổi thì không có năng lực TNHS, đối với trẻ em từ đủ 10 tuổi đến chưa đủ 12 tuổi thực hiện hành vi bị coi là tội phạm nhưng người này không đủ khả năng để đánh giá tính chất và hậu quả của hành vi mình thực hiện thì người này cũng được coi là không có năng lực TNHS. Như vậy, tuổi đủ năng lực TNHS theo pháp luật hình sự Malayxia là từ đủ 12 tuổi đối với mọi tội phạm hoặc từ đủ 10 tuổi trở lên đối với một số tội phạm nhất định[5].
Pháp luật Thái Lan quy định: Người chưa qua 7 tuổi thì không phải chịu TNHS (Điều 73). Ngoài ra, người đủ 7 tuổi nhưng chưa đủ 14 tuổi khi phạm tội thì tòa án không áp dụng hình phạt mà sẽ áp dụng chế độ giao người này cho người hoặc tổ chức có trách nhiệm thực hiện việc giáo dưỡng, chăm sóc đặc biệt (Điều 74)[6].
Pháp luật hình sự Philippines không trực tiếp quy định về độ tuổi chịu TNHS. Tuy nhiên, Điều 12 BLHS Philippines quy định về các trường hợp được miễn trừ TNHS đối với người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội như sau: “Người dưới 9 tuổi; người từ đủ 9 tuổi nhưng chưa đủ 15 tuổi trừ khi người này thực hiện hành vi mà biết rõ về hành vi đó. Trường hợp này, người này sẽ bị xử lý theo các quy định trong điều 80 của Bộ luật này.
Khi người chưa thành niên này được tuyên là không phải chịu TNHS, tòa án phải giao người đó cho gia đình giáo dục và chăm sóc để gia đình thực hiện việc giám sát vàgiáo dục người này. Trường hợp nếu không thể giao cho gia đình giáo dục và chăm sóc thì người này sẽ bị thực hiện theo các quy định tại Điều 80 Bộ luật này”[7].
Như vậy, theo quy định của pháp luật hình sự Philippines, người dưới 9 tuổi được coi là không có năng lực TNHS, người từ 9 tuổi trở lên đến dưới 15 tuổi phải chịu TNHS trong một số trường hợp.
Quy định về độ tuổi chịu TNHS của 5 quốc gia Asean trên đây cho thấy, độ tuổi chịu TNHS của trẻ em trong pháp luật của các quốc gia này khá thấp. Độ tuổi tối thiểu phải chịu TNHS của Singapore là từ 7 tuổi trở lên, của Malayxia là từ 10 tuổi trở lên, của Philippines là từ 9 tuổi trở lên, của Thái Lan là từ 7 tuổi trở lên. Pháp luật hình sự Indonexia mặc dù không quy định rõ độ tuổi chịu TNHS nhưng có quy định người dưới 15 tuổi mà phạm tội thì cách xử lý sẽ khác với người từ đủ 15 tuổi trở lên phạm tội[8].
- Điều 17 BLHS Trung Quốc quy định về độ tuổi chịu TNHS như sau: “Người đủ 16 tuổi phạm tội phải chịu TNHS. Người đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội giết người hoặc cố ý gây thương tích dẫn đến thương tích nặng hoặc chết người, hiếp dâm, cướp giật, mua bán chất ma túy, đốt nhà, đặt bom, đầu độc. Người đủ 14 tuổi chưa đủ 18 tuổi được hưởng hình phạt giảm nhẹ hoặc giảm khung hình phạt”. Như vậy, ở Trung Quốc, tuổi chịu TNHS của trẻ em đồng thời là độ tuổi tối thiểu chịu TNHS là từ 14 tuổi. Bên cạnh đó, pháp luật hình sự cũng quy định đối với người dưới 18 tuổi chỉ phải chịu TNHS về một số tội phạm, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi tuy phải chịu TNHS về mọi tội phạm nhưng được hưởng hình phạt nhẹ hơn hoặc khung hình phạt nhẹ hơn[9].
- BLHS Đức không quy định về độ tuổi chịu TNHS mà chỉ quy định độ tuổi không có năng lực TNHS hay còn gọi là không có năng lực lỗi. Tuy nhiên, theo quy định của Điều 19 BLHS, “Người không có năng lực lỗi là người mà khi thực hiện hành vi chưa đủ 14 tuổi”[10]. Như vậy, độ tuổi chịu TNHS của trẻ em theo BLHS Đức được hiểu là từ 14 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi.
- BLHS Liên bang Nga quy định về độ tuổi chịu TNHS như sau: “1. Người đủ 16 tuổi vào thời điểm phạm tội phải chịu TNHS. 2. Người đủ 14 tuổi vào thời điểm phạm tội phải chịu TNHS về các tội:…”[11].
- BLHS Canada quy định tại mục 13 của Phần I - Quy định chung như sau: “Không người nào bị kết án về một tội liên quan đến hành động hoặc không hành động từ phía mình khi người đó chưa đủ 12 tuổi”[12]. Với quy định này, độ tuổi chịu TNHS của trẻ em ở Canada là từ 12 tuổi trở lên.
- BLHS Thụy Sĩ lại phân loại độ tuổi chịu TNHS của trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn trẻ tuổi theo 3 nhóm tuổi: từ 7 tuổi đến dưới 15 tuổi, từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và từ 18 tuổi đến dưới 21 tuổi. Trong đó, ngưỡng 7 tuổi tương ứng với ngưỡng tuổi nhập học, ngưỡng 15 tuổi là độ tuổi tối thiểu cần thiết có việc làm, dưới 7 tuổi được coi không có năng lực TNHS[13].
Qua nghiên cứu luật hình sự các nước trên, có thể rút ra nhận xét sau:
Thứ nhất, hầu hết các nước đều quy định độ tuổi chịu TNHS của trẻ em; đồng thời độ tuổi chịu TNHS của trẻ em cũng chính là độ tuổi tối thiểu phải chịu TNHS.
Thứ hai, các nước đều lựa chọn một độ tuổi thích hợp để áp dụng tùy thuộc vào hoàn cảnh, tính chất, vị trí địa lý, đặc điểm, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, phong tục, tập quán, văn hóa mà đưa ra các tiêu chuẩn khác nhau.
Thứ ba, có sự khác nhau về cách quy định độ tuổi chịu TNHS của trẻ em cũng như sự phân chia nhóm tuổi chịu TNHS trong luật hình sự của mỗi nước. Tuy nhiên, đa số các nước đều lựa chọn độ tuổi chịu TNHS của trẻ em trong khuôn khổ mà LHQ cho phép (không cao hơn 18 tuổi).
Thứ tư, đồng thời với việc quy định độ tuổi tối thiểu phải chịu TNHS, pháp luật các nước cũng quy định trẻ em chỉ phải chịu TNHS về một số tội phạm cụ thể hoặc chịu mức hình phạt, khung hình phạt giảm nhẹ hơn so với người thành niên phạm tội.
3. Quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 về tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em
Trước khi BLHS năm 2015 chính thức có hiệu lực pháp luật, có nhiều quan điểm khác nhau khi đề cập đến độ tuổi chịu TNHS. Nhóm quan điểm thứ nhất cho rằng, cần quy định độ tuổi chịu TNHS sớm hơn[14]. Quan điểm này cho rằng, việc quy định tuổi chịu TNHS sớm hơn không vi phạm pháp luật quốc tế cũng như không làm giảm đi tính chất nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam. Do điều kiện sống của trẻ em ngày càng tốt hơn, sự phát triển về thể chất, năng lực nhận thức, năng lực hành vi của trẻ em vượt bậc hơn so với các thế hệ trước đây. Trẻ em được tham gia các quan hệ xã hội từ rất sớm, có cơ hội tiếp cận các dịch vụ công nghệ nên ngày càng có kinh nghiệm sống, phán xét, xử lý tình huống nhanh nhạy hơn. Cũng chính vì vậy các hành vi phạm tội do trẻ em gây ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt là sự trẻ hóa về độ tuổi phạm tội của trẻ em trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông báo động, cảnh báo tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội ở nước ta. Do đó, cần quy định độ tuổi chịu TNHS là từ đủ 12 tuổi.
Quan điểm khác cho rằng, vẫn giữ nguyên độ tuổi chịu THNS của trẻ em như quy định hiện nay[15]. Quy định về độ tuổi chịu TNHS tại nước ta đã hợp lý và không nên giảm độ tuổi chịu TNHS. Trẻ em phạm tội thường là những người có hoàn cảnh khó khăn, có tuổi thơ phức tạp, giáo dục không đầy đủ dẫn đến nhận thức lệch lạc. Vì vậy, thay vì dán nhãn tội phạm cho những đứa trẻ, gia đình và xã hội trước hết cần phải giải quyết từ “cái gốc”, tức là từ những nguyên nhân gây nên những hành vi phạm tội ở người vị thành niên, để từ đó công tác phòng chống tội phạm được hiệu quả, đồng thời góp phần ngăn chặn tình trạng tái phạm của người phạm tội vị thành niên.
Đồng nhất với quan điểm trên, khi bàn về tuổi tối thiểu chịu TNHS có quan điểm đã cho rằng quy định tuổi chịu TNHS không chỉ đơn thuần căn cứ vào năng lực nhận thức của con người mà còn phải căn cứ vào chính sách của Nhà nước trong việc bảo vệ và giáo dục trẻ em, chính sách hình sự của Nhà nước. Quy định độ tuổi chịu TNHS không nên chỉ nhấn mạnh yêu cầu là điều kiện để chủ thể có năng lực TNHS hay là biểu hiện của chính sách hình sự mà phải kết hợp cả hai. Do đó, để đảm bảo tính ổn định tương đối của luật hình sự, trong điều kiện các phương tiện đấu tranh phòng chống người chưa thành niên vi phạm và phạm tội ngày càng đa dạng chứ không nhất thiết chỉ bằng phương tiện duy nhất là pháp luật hình sự, nên giữ nguyên tuổi tối thiểu phải chịu TNHS là 14 tuổi như quy định của luật hình sự hiện nay[16].
Khác với các quan điểm trên, quan điểm này cho rằng dù không phải chịu TNHS, nhưng trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị đưa vào trường giáo dưỡng. Biện pháp này mặc dù là biện pháp xử lý vi phạm hành chính, nhưng có nội dung là loại biện pháp cưỡng chế và có tính chất hạn chế tự do do vi phạm hình sự. Do đó, nếu mở rộng phạm vi nghiên cứu thì có thể nói rằng, độ tuổi thấp nhất mà một người có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi họ vi phạm pháp luật hình sự ở Việt Nam là 12 tuổi[17].
Tuổi chịu TNHS là một vấn đề không thể thiếu trong pháp luật hình sự của mỗi quốc gia, thể hiện quan điểm của Nhà nước về cách thức xử lý người phạm tội, vừa đảm bảo trật tự an toàn cho xã hội nhưng phải vừa đạt được mục đích bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền của người chưa thành niên, quyền của trẻ em kể cả khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Từ quy định về độ tuổi của trẻ em theo Luật Trẻ em, Điều 12 BLHS năm 2015 đã quy định về tuổi chịu TNHS của trẻ em như sau:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây: …”
Khoản 3, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số100/2015/QH13[18] cũng giữ nguyên độ tuổi chịu TNHS của trẻ em và chỉ thay đổi về phạm vi chịu TNHS của trẻ em:
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 như sau:
“2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.
Khoản 2 Điều 12 đã liệt kê cụ thể những tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 phải chịu TNHS nhằm đảm bảo tính minh bạch, nhân đạo trong xử lý đối với đối tượng này theo tinh thần của Hiếp pháp năm 2013 và Công ước của LHQ về Quyền trẻ em. Theo đó, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng về 28 tội danh quy định tại khoản 2 Điều 12. Sửa đổi này phù hợp với quan điểm nhất quán của Nhà nước ta được thể hiện trong BLHS năm 1985 và năm 1999 là chỉ xem xét TNHS đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; đồng thời cũng phù hợp với Công ước của LHQ về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên, BLHS năm 2015 quy định người này phải chịu TNHS về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Như vậy, theo quy định của BLHS năm 2015, sẽ có những tội phạm mà người từ đủ 16 tuổi trở lên không phải chịu TNHS. Cụ thể, các điều 145, 146, 147 BLHS năm 2015 quy định cụ thể 3 tội, theo đó, chủ thể phải là người đủ 18 tuổi chứ không phải đủ 16 tuổi: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145); tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146); tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147).
Như vậy, có thể nhận thấy rằng, so với BLHS năm 1999, độ tuổi chịu TNHS của trẻ em trong BLHS năm 2015 không nhiều thay đổi. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 đã điều chỉnh phạm vi chịu TNHS của trẻ em cho phù hợp với pháp luật quốc tế.
Kết luận
Vấn đề tuổi chịu TNHS của trẻ em nói riêng và người chưa thành niên nói chung hiện đang là vấn đề tranh luận rộng rãi trên thế giới. Giới hạn tối thiểu về độ tuổi chịu TNHS của trẻ em là một điều cần thiết trong một phần công lý của sự trừng phạt. Vì trẻ em không phải là “người lớn thu nhỏ”, nên trẻ em không thể chịu TNHS về những gì họ đã gây ra như đối với người thành niên hay thậm chí là chịu TNHS giảm nhẹ. Quy định về các biện pháp chịu TNHS đối với trẻ em phải hướng tới mục đích giáo dục là chủ yếu và trong một chừng mực nhất định phải luôn đảm bảo lợi ích tốt nhất của trẻ em./.
Hà Lệ Thủy, ThS. Khoa Luật hình sự - Trường Đại học Luật Huế;
Nguyễn Thị Lan Anh, Khoa Luật hình sự - Trường Đại học Luật Huế.
________________________________________
[1]Xem:http://rightnow.org.au/topics/children-and-youth/the-age-of-innocence-raising-the-age-of-criminal-responsibility/
[2] Xem: Phạm Thị Thanh Nga, Thực thi công ước quyền trẻ em ở Việt Nam: Tuổi chịu TNHS và chế tài đối với người chưa thành niên phạm tội, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 18/2014, tr.14-25
[3] Xem A quel âge est-on criminel? https://www.unicef.org/french/pon97/pon056a.htm
[4] Xem Điều 40/3/a của Công ước quốc tế về Quyền trẻ em
[5] Xem Phạm Văn Lợi (chủ biên), Nghiên cứu, so sánh pháp luật hình sự của một số nước Asean, NXB. Tư pháp, Hà Nội, 2010.
[6] Xem Phạm Văn Lợi (chủ biên), Nghiên cứu, so sánh pháp luật hình sự của một số nước Asean, Sđd.
[7] Xem Phạm Văn Lợi (chủ biên), Nghiên cứu, so sánh pháp luật hình sự của một số nước Asean, Sđd.
[8] Xem Phạm Văn Lợi (chủ biên), Nghiên cứu, so sánh pháp luật hình sự của một số nước Asean, Sđd.
[9] Xem Luật hình sự sửa đổi của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nguồn http://news.xinhuanet.com/legal/2015-08/30/c_1116414724.htm
[10] Xem Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Bộ luật hình sự Cộng hòa liên bang Đức, bản dịch, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
[11] Xem Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Bộ luật hình sự Liên bang Nga, bản dịch, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
[12] Xem Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Bộ luật hình sự Canada, bản dịch, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
[13] La responsabilité pénale des mineurs, nguồn https://www.senat.fr/lc/lc52/lc52_mono.html
[14] Vũ Hải Việt, Hà Minh Thảo, Nên quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự sớm hơn, Tạp chí Luật sư Việt Nam, số 11/2015, tr 14
[15] Xem bài viết Bàn về độ tuổi chịu TNHS Việt Nam và trên thế giới, ngày 15/2/12017 trên trang web http://luatsutranhtung.org/tin-tuc/luat-su-to-tung-164/ban-ve-do-tuoi-chiu-trach-nhiem-hinh-su-viet-nam-va-tren-the-gioi
[16] Xem Phạm Văn Báu, Tuổi chịu TNHS trong luật hình sự Việt Nam, Tạp chí Luật học, số 10/2014, tr. 6,7
[17] Xem Phạm Thị Thanh Nga, Thực thi Công ước về Quyền trẻ em ở Việt Nam: Tuổi chịu TNHS và chế tài đối với người chưa thành niên phạm tội, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 18/2014, tr.20
[18] Luật số 12/2017/QH14 của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13.
Link bài viết:
http://www.nclp.org.vn/thuc_tien_phap_luat/quan-niem-ve-tuoi-chiu-trach-nhiem-hinh-su-cua-tre-em