Bạo lực gia đình (BLGĐ) là một vấn đề xã hội nhức nhối gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà trước hết là vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. BLGĐ làm xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp, tác động xấu đến môi trường giáo dục thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến sự an toàn lành mạnh của cộng đồng và trật tự xã hội.
1. Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội
Trên thế giới hiện có 125 quốc gia đã thông qua Luật Chống bạo hành gia đình và trên thực tế, có khoảng 603 triệu phụ nữ sống tại các nước mà bạo hành gia đình không bị coi là tội phạm. Nhìn chung, thông cáo của UN Women cho biết, 7/10 phụ nữ phải chịu các hình thức bạo lực khác nhau như: Đánh đập, cưỡng hiếp hay cắt bỏ một phần cơ quan sinh dục... Liên Hợp quốc khẳng định, nạn bạo hành phụ nữ là một cản trở đối với phát triển kinh tế, với hàng tỷ USD tiền chi phí thuốc thang, điều trị... Trả lời phỏng vấn AFP, Bộ trưởng Bộ Bình đẳng nam-nữ Na Uy Inga Marte Thorkildsen tuyên bố: “Bạo hành phụ nữ cần phải được coi như là một vấn đề liên quan đến nhân quyền, chứ không liên quan gì đến văn hóa hay tôn giáo”(1).
Theo Nghiên cứu quốc gia về BLGĐđình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc công bố ngày 25-11-2010: Hơn một nửa phụ nữ tại Việt Nam có nguy cơ bị bạo lực tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Báo cáo nêu rõ 32% phụ nữ từng kết hôn cho biết đã trải qua bạo lực thể chất trong cuộc đời và 6% đã trải qua bạo lực thể chất trong vòng 12 tháng qua. Tỷ lệ bạo lực tinh thần ở mức cao: Có 54% phụ nữ cho biết đã từng bị bạo lực tinh thần trong cuộc đời và 25% bị bạo lực tinh thần trong 12 tháng qua.
Tất cả những phụ nữ đã trải qua bạo lực thể chất và tình dục thì đồng thời cũng chịu bạo lực tinh thần. Nếu kết hợp dữ liệu của cả 3 hình thức bạo lực cho thấy 58% phụ nữ đã từng trải qua cả bạo lực thể chất, tình dục và tinh thần, 27% phụ nữ cho biết đã chịu ít nhất một trong 3 hình thức bạo lực này trong cuộc đời.
Có hai loại thủ phạm gây ra bạo lực gia đình đối với phụ nữ là chồng/người tình và các thành viên khác trong gia đình. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy khả năng phụ nữ bị chồng mình bạo hành nhiều hơn gấp ba lần so với khả năng họ bị các thành viên khác trong gia đình bạo hành. Thực tế là đa số phụ nữ Việt Nam đều có nguy cơ tiềm tàng bị bạo lực gia đình ở một hay một vài thời điểm trong cuộc sống. Tại một số vùng ở Việt Nam, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cứ 10 phụ nữ thì có 4 người nhận thấy gia đình không phải là nơi an toàn đối với họ.
Theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tại Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, số vụ BLGĐđược ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm và mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng. Riêng trong năm 2015 có 31 phụ nữ, 7 trẻ em bị người thân giết hại. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, 6 tháng đầu năm đã có hơn 20 phụ nữ và trẻ em thiệt mạng do BLGĐ(2).
2. Bạo lực gia đình xâm phạm nghiêm trọng quyền con người của phụ nữ
Bất kỳ một thành viên nào của gia đình cũng có thể trở thành nạn nhân của BLGĐ. Tuy nhiên, phụ nữ thường là nạn nhân chủ yếu của BLGĐ. Bởi về mặt sinh học, cơ thể phụ nữ yếu ớt hơn nam giới; xét về mặt xã hội, phụ nữ thường có địa vị thấp và ít có quyền lực trong xã hội so với nam giới.
Dưới góc độ quyền con người, BLGĐ xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền bình đẳng không bị phân biệt, đối xử; quyền được bảo vệ tính mạng, danh dự và nhân phẩm; quyền được chăm sóc sức khỏe, và gây hệ lụy đến tất cả các quyền con người cơ bản khác của phụ nữ.
Thứ nhất, BLGĐ xâm phạm quyền bình đẳng không bị phân biệt đối xử của phụ nữ. Bình đẳng, không phân biệt đối xử được ghi nhận như một nguyên tắc chủ đạo, xuyên suốt trong các văn kiện quốc tế về quyền con người.
Thứ hai, BLGĐ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sống của người phụ nữ. Với tư cách là thành viên của cộng đồng nhân loại, phụ nữ được quan tâm bảo vệ quyền được sống. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, ở Ấn Độ, mỗi năm có khoảng trên 5000 phụ nữ bị cướp đi mạng sống của mình vì không đủ của hồi môn cho gia đình nhà chồng. Ở Bangladesh, theo thống kê tội giết vợ chiếm 50% trong số vụ giết người. Ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Công an, trên toàn quốc cứ khoảng 2-3 ngày lại có 1 người bị giết có liên quan đến bạo lực gia đình(3).
Thứ ba, BLGĐ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được bảo vệ, tính mạng và nhân phẩm của người phụ nữ. Các chuẩn mực quốc tế và quốc gia đều ghi nhận quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm.
Bạo lực về thể chất, nhất là bạo lực tình dục đối với phụ nữ đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng và dễ dàng nhận thấy. Theo các kết quả nghiên cứu, phụ nữ bị ngược đãi, bị bạo lực bị giảm sút sức khoẻ tinh thần và thể chất nhiều hơn so với phụ nữ không bị ngược đãi. Bạo lực gia đình cũng là một nguyên nhân chính của các vụ giết người trong đó phụ nữ có thể là nạn nhân và có thể là thủ phạm.
Theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010: Hơn 60% phụ nữ đã từng bị chồng bạo lực cho rằng họ đã bị ảnh hưởng tới sức khỏe ví dụ như: Bị những vết cào cấu, trầy da, bầm tím (chiếm 88,9%), bị rách màng nhĩ, tổn thương ở mắt (chiếm 12,9%) và 7,3 % bị thương tích do các vết cắt sâu hoặc các vết thương dài và sâu. Những hình thức bạo lực thô bạo như: kéo tóc, bóp cổ... tuy không để lại những vết thương sâu như những hành vi khác nhưng gây ảnh hưởng mạnh tới sức khỏe tâm thần của người bị bạo lực gây mắc các bệnh như tim mạch, mất hoặc suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung. Bạo lực gia đình gây ra những ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý, tình cảm từ đó tác động tiêu cực đến lực lượng lao động và các hoạt động kinh tế vì nhiều trường hợp phụ nữ phải nghỉ công việc của mình do xấu hổ, chấn thương và đau ốm, bệnh tật(4).
3. Phòng, chống bạo lực gia đình đối với việc tôn trọng phẩm giá và các quyền cơ bản của phụ nữ
Thứ nhất, thực hiện phòng, chống BLGĐ thúc đẩy việc tôn trọng và bảo đảm quyền được bảo vệ tính mạng, danh dự và nhân phẩm của phụ nữ
BLGĐ là vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của phụ nữ. Thậm chí, nó còn làm xói mòn đạo đức, mất tính dân chủ xã hội và ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai. Đây cũng là nguy cơ gây tan vỡ và suy giảm tính bền vững của gia đình truyền thống Việt Nam. Do đó, thực hiện phòng chống BLGĐ có ý nghĩa quan trọng đối với việc tôn trọng phẩm giá và quyền được bảo vệ tính mạng, danh dự và nhân phẩm của phụ nữ. Vì quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, danh dự và nhân phẩm của người phụ nữ chỉ có thể được đảm bảo khi không có nạn BLGĐ.
Thứ hai, thực hiện phòng chống BLGĐ thúc đẩy việc tôn trọng và bảo đảm quyền không bị tra tấn, nhục hình và đối xử phi nhân tính đối với phụ nữ
BLGĐ hiện nay không chỉ là dạng bạo lực thân thể như: các hành vi xâm phạm thân thể, đánh đập, ngược đãi vợ con mà còn bao gồm cả bạo lực tinh thần: đe dọa, chửi mắng, nhục mạ, thờ ơ, vô trách nhiệm... hay dạng bạo lực tình dục: cưỡng ép quan hệ tình dục, bắt vợ sinh thêm con... Tình trạng bạo lực diễn ra trong các gia đình đã gây ra những cản trở không nhỏ cho sự phát triển của phụ nữ, đi ngược lại những nỗ lực của nhân loại nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn cho con người. Có thể khẳng định, BLGĐ xuất phát từ nguyên nhân gốc rễ bởi sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới. BLGĐ đối với phụ nữ xuất hiện khi người phụ nữ bị chà đạp nhân phẩm, bị vi phạm quyền được đối xử bình đẳng trong quan hệ gia đình. Hơn thế nữa, BLGĐ còn xâm phạm đến quyền không bị nhục hình và đối xử phi nhân tính. Cho nên, việc thực hiện phòng chống BLGĐ có ý nghĩa quan trọng đối với việc tôn trọng phẩm giá và các quyền cơ bản của phụ nữ.
Thứ ba, thực hiện phòng chống BLGĐ thúc đẩy việc quan tâm, tôn trọng và bảo vệ phụ nữ thuộc nhóm những người yếu thế
Thực hiện phòng chống BLGĐ chính là thể hiện sự quan tâm, tôn trọng và bảo vệ quyền của những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. Từ đó giúp họ có được một cuộc sống tốt đẹp mà không phải chịu bất cứ những thiệt thòi nào do BLGĐ đem lại.
Thứ tư, thực hiện phòng chống bạo lực gia đình góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu của gia đình truyền thống Việt Nam.
Khi thực hiện phòng chống BLGĐ sẽ góp phần xây dựng một gia đình hạnh phúc vì khi đó người chồng/vợ hiểu được rằng nếu có những hành vi bạo lực với vợ/ chồng thì đó sẽ là vi phạm pháp luật. Trong gia đình Việt Nam truyền thống, tình nghĩa rất được đề cao. Nghĩa và tình là hai yếu tố quan trọng trong chuẩn mực cư xử trong đời sống vợ chồng và trong xã hội. Một gia đình hạnh phúc là một gia đình mà trong đó, mọi thành viên sống vui vẻ, êm ấm, yêu thương và có ý thức trách nhiệm với nhau, chăm sóc lẫn nhau và khi cần thiết thì biết hy sinh cho nhau, nhường nhịn lẫn nhau, luôn tạo ra bầu không khí ấm áp, thuận hoà trong gia đình. Nhưng tất cả những giá trị của gia đình truyền thống trên sẽ bị rạn nứt, đảo lộn khi có BLGĐ.
4. Những rào cản trong việc bảo vệ phụ nữ khỏi nạn bạo lực gia đình
Bạo lực đối với phụ nữ là hiện tượng phổ biến đang tồn tại ở tất cả các nước, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, thân thể, nhân phẩm người phụ nữ, gây trở ngại lớn cho bình đẳng giới và vi phạm quyền con người.
Mặc dù BLGĐ là một hiện tượng rất phổ biến nhưng vấn đề này vẫn bị giấu giếm nhiều. Sự kỳ thị và sự xấu hổ khiến phụ nữ phải giữ im lặng, nhiều phụ nữ còn nghĩ rằng bạo lực trong quan hệ vợ chồng là điều “bình thường” và người phụ nữ cần bao dung, nhẫn nhịn chịu đựng để gìn giữ sự êm ấm cho gia đình(5).
Hiện nay, sự phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn tồn tại ở nhiều nơi dưới nhiều hình thức khác nhau. Phụ nữ phải đối mặt với tình trạng bị đối xử bất bình đẳng ở nhiều lĩnh vực mà một trong những biểu hiện rõ ràng nhất đó là tình trạng bạo lực với phụ nữ. Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, phụ nữ bị bạo hành phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công lý, tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng. Điều này gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho phụ nữ bị bạo hành nói riêng và sự phát triển của toàn xã hội nói chung.
Gần 1/3 phụ nữ đã từng kết hôn cho biết đã trải qua bạo lực thể xác, khoảng 10% bị bạo lực tình dục và trên 50% từng bị bạo lực tinh thần. Đây là những con số đáng lo ngại được Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) công bố trong một nghiên cứu tại Việt Nam. Các nghiên cứu quy mô nhỏ khác cho thấy tình trạng bạo lực xảy ra ở ra ở tất cả các cấp như trong gia đình, trong cộng đồng, trong nước và ngoài nước. Nó bao gồm bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và kinh tế; bạo lực gia đình, hiếp dâm và xâm hại tình dục, quấy rối tình dục, buôn bán, cưỡng ép kết hôn, tảo hôn và các hình thức khác.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng rất nhiều vụ bạo lực đối với phụ nữ không được trình báo và không bị truy tố, cũng như số nạn nhân có nhu cầu hỗ trợ bảo vệ và khắc phục không được ghi nhận và không được đáp ứng chiếm tỷ lệ phần trăm cao. Nghiên cứu tỷ lệ bỏ cuộc cũng cho thấy trong những vụ hiếp dâm mà phụ nữ trình báo, hơn một nửa đã bỏ cuộc trong quá trình điều tra. Hầu hết bạo lực tình dục đối với phụ nữ do nam thực hiện được biết đến là bạn tình, thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm hoặc người quen. Điều này tạo nên cả sự rủi ro và cả khó khăn đối với nạn nhân trong quá trình theo đuổi công lý.
Trở ngại lớn nhất là khuôn mẫu giới ảnh hưởng đến việc diễn giải, suy luận và áp dụng pháp luật hình sự của cán bộ tư pháp và tạo ra những trở ngại lớn mà phụ nữ phải đối mặt khi trình báo về bạo lực và khi tìm kiếm hỗ trợ trong hệ thống tư pháp hình sự. Các cán bộ tư pháp hình sự chỉ tập trung vào liệu nạn nhân có đáng tin hay không dựa trên tính cách, ngoại hình, hành vi và công việc của nạn nhân hơn là sự đáng tin của vụ việc được trình báo.
Hầu hết cán bộ tư pháp đều có quan điểm cho rằng bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư, việc giữ cho gia đình sống cùng nhau là vấn đề ưu tiên và họ cho rằng phụ nữ không được từ chối nhu cầu tình dục của chồng. Đa số các cán bộ tiến hành tố tụng đều cho rằng không phải mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ đều là hành vi phạm tội. Một nhóm các cán bộ công an bày tỏ quan ngại rằng bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục thường không đủ cấu thành để xử hình sự.
Hệ thống pháp lý chưa khuyến khích được phụ nữ, nhiều nạn nhân không trình báo với công an hay cơ quan khác vì cảm giác xấu hổ, ngại ngần hoặc sợ hãi, BLGĐ có tỷ lệ hòa giải cao. Ngoài ra, một số nạn nhân đã đề cập đến sự cần thiết phải có hỗ trợ pháp lý nhưng rất ít người nhận được các dịch vụ hoặc cách tiếp cận các dịch vụ này, hoặc có biết nhưng không tiếp cận được vì lo ngại rằng sẽ phải trả phí dịch vụ.
Điều đó đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử đối với phụ nữ, làm thay đổi và nâng cao nhận thức của nạn nhân và các chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm quyền của phụ nữ, trong đó có cán bộ thực thi pháp luật. Tuy nhiên, để thực sự trở thành cầu nối giúp phụ nữ tiếp cận công lý thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không nên thụ động đợi nạn nhân đến báo cáo vụ việc mà hãy chủ động tìm cách tiếp cận, cung cấp thông tin cho họ để tư vấn và tìm cách giải quyết kịp thời(6).
_________________
(1) http://vi.rfi.fr/quoc-te/20130305-no-luc-chong-bao-hanh-phu-nu-cua-lien-hiep-quoc-bi-nhieu-nuoc-ngan-can
(2) http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/so-vu-bao-luc-gia-dinh-tai-viet-nam-van-gia-tang-493733.
(3) http://www.baomoi.com/nhan-ngay-quoc-te-phong-chong-bao-luc-gia-dinh/c/3536699.epi, bài “Nhân Ngày Quốc tế Phòng chống bạo lực gia đình”.
(4) http://www.ytehagiang.org.vn/news/tin-t%E1%BB%A9c/th%C3%B4ng-tin-y-h%E1%BB%8Dc/597-h%E1%BA%ADu-qu%E1%BA%A3-c%E1%BB%A7a-b%E1%BA%A1o-l%E1%BB%B1c-gia-%C4%91%C3%ACnh-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-s%E1%BB%A9c-, bài “Hậu quả bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em”.
(5) http://hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1145/47948/thuc-trang-bao-luc-gia-dinh-o-viet-nam-hien-nay-va-vai-tro-cua-hoi-ndvn.
(6) http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/nang-cao-kha-nang-tiep-can-cong-ly-cho-phu-nu-bi-bao-hanh-325929.html
PGS, TS Nguyễn Thị Báo
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Link bài viết: