Câu hỏi: Xin hỏi, trong trường hợp nếu nhu cầu về khẩu trang tăng cao do dịch bệnh mà một số cửa hàng, hiệu thuốc cắt, giảm lượng hàng hóa bán ra mà không phải do thiếu hàng thì hành vi này bị xử phạt như thế nào?
Phòng Luật Trung tâm ACDC tư vấn:
Căn cứ Khoản 2 Điều 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định người nào cắt, giảm hàng hóa bán ra thị trường; ngừng bán hàng hóa hoặc không mở cửa hàng; mở cửa nhưng không bán hàng…khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Trường hợp số hàng bị găm lại trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó, mức phạt sẽ nặng hơn, từ 20 - 30 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu toàn bộ số hàng hóa găm lại.
Đối với những cơ sở tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, cơ quan chức năng còn có thể tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng.
Như vậy, đối với hành vi “găm hàng” không bán hàng cho người tiêu dùng sẽ bị áp dụng biện pháp xử phạt như trên tùy theo mức độ vi phạm.