Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Bàn về việc xây dựng thể chế pháp quyền của công dân ở Việt Nam hiện nay

  • Thực hiện: Administrator
  • 12/02/2018

Cho đến nay, ở Việt Nam, quan điểm và cách thức xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền chủ yếu tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền trong tổ chức bộ máy và tổ chức vận hành của Nhà nước, mà hầu như chưa chú ý đúng mức đến việc xây dựng thể chế pháp quyền của công dân với vai trò là nền móng và mục đích tổ chức, hoạt động của Nhà nước pháp quyền.

Hệ quả là quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã diễn ra trong hơn 20 năm, nhưng người dân và cả cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước vẫn hầu như chưa quan hệ với Nhà nước bằng quyền công dân, mà chủ yếu bằng quan hệ mang tính “cộng đồng - tình nghĩa”, “cá nhân - cá thể” và tính bao cấp. 

Còn những bất cập

Tính “cộng đồng - tình nghĩa” thể hiện thông qua các biểu hiện của quan hệ bác - cháu, chú - cháu, anh - em, chị - em trong cả việc công và việc tư ở cơ quan. Tính “cá nhân - cá thể” thể hiện ở chỗ chỉ tìm cách vun vén cho lợi ích cá nhân. Tính bao cấp không đơn thuần chỉ là di sản của cơ chế tập trung - bao cấp, mà xét về bản chất, nó vừa là thuộc tính, vừa là “cơ chế” thực hiện tính cộng đồng - tình nghĩa và tính cá nhân - cá thể. Tính “bao cấp” thể hiện ở chỗ: sau hơn 20 năm chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xã hội và con người vẫn chưa thoát khỏi cách nghĩ, cách làm có tính bao cấp. Nhiều người trong và ngoài Nhà nước vẫn tìm cách bám vào nguồn lực bao cấp về vật chất và tinh thần (ngân sách, kinh phí hỗ trợ phát triển, biên chế,...).

Có thể nói, quan hệ mang tính “cộng đồng - tình nghĩa”, “cá nhân - cá thể” và tính bao cấp đã làm vị trí, vai trò công dân, quan hệ kiểu công dân và tính “kỷ cương, phép nước” hay nói chung là tính pháp quyền bị lu mờ. Một Nhà nước không thể trở thành Nhà nước pháp quyền khi không xác lập được và không dựa được vào công dân, quan hệ kiểu công dân và “kỷ cương, phép nước”. Trong đó, công dân với vị trí, vai trò là nền móng cho quan hệ kiểu công dân và “kỷ cương, phép nước” nói riêng, cũng như cho thể chế Nhà nước pháp quyền nói chung. Nói ngắn gọn, công dân là nền móng và quyền công dân là mục đích của Nhà nước pháp quyền.

Nguyên nhân khách quan là do trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp; di sản tâm lý tiểu nông và tàn dư tư tưởng phong kiến, thực dân còn chi phối trong một bộ phận không nhỏ thành viên xã hội, nhất là với sự tác động của quan hệ cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Những yếu tố đó làm cho quan hệ pháp luật của công dân ở vào tình thế phải cạnh tranh gay gắt với các quan hệ mang tính “cộng đồng - tình nghĩa”, “cá nhân - cá thể” và tính bao cấp. Từ đó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực trên nhiều phương diện, đến các quan hệ giữa Nhà nước và công dân, từ việc xây dựng, ban hành các quy định pháp luật, cho đến thái độ, trách nhiệm, hoạt động của tổ chức Nhà nước và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước trong giải quyết các công việc của Nhà nước và trong quan hệ với người dân. 

Về chủ quan, trong xây dựng lý luận và thể chế pháp luật về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chúng ta chưa chú ý đúng mức mối quan hệ bình đẳng bằng pháp luật giữa Nhà nước và công dân trong Nhà nước pháp quyền. Chúng ta hầu như chỉ quan tâm đến xây dựng thiết chế, thể chế pháp quyền của Nhà nước mà không đồng thời quan tâm xây dựng, phát triển quan hệ công dân, quyền công dân, coi đây là nền móng và mục đích của Nhà nước pháp quyền.

Trong khi Nhà nước buộc công dân phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, thì ngược lại, trong nhiều trường hợp, Nhà nước, cơ quan nhà nước lại thiếu hoặc gần như thờ ơ trong việc quy định hay thực hiện nghĩa vụ của mình đã được pháp luật quy định đối với trách nhiệm bảo đảm quyền của công dân. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như hiện nay, đã và sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp hơn đối với việc giải quyết mối quan hệ bình đẳng giữa Nhà nước và công dân, như:

- Quan hệ giữa Nhà nước - doanh nghiệp - công dân trong việc phát triển và giải quyết các vấn đề kiến tạo phát triển, khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh, hay trực tiếp là thu hồi, đền bù quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng;

- Quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội;

- Quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong phát triển và giải quyết các vấn đề hội nhập quốc tế;

- Quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong việc xác lập vị trí, vai trò của công dân với tư cách là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.

Có thể nói, người dân quan hệ với Nhà nước theo cách nhìn chủ quan của mình; một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước cũng quan hệ với công dân có phần tùy tiện theo cách nhìn chủ quan của mình. Tình trạng quan hệ có tính chủ quan đó đã kìm hãm sự phát triển các quan hệ khách quan giữa công dân và Nhà nước; từ đó tác động tiêu cực đến quá trình tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của Nhà nước và của cả công dân ở nước ta. 

Khắc phục hạn chế

Để khách quan hóa quan hệ của công dân với Nhà nước ở Việt Nam hiện nay, cần xác định công dân là nền móng và mục đích tồn tại của Nhà nước, và Nhà nước là khuôn khổ pháp lý để công dân tiến hành các hoạt động nhằm thực hiện mục đích của mình. Vì thế, Đại hội XII của Đảng (năm 2016) khẳng định: “chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh xã hội của công dân” (1). Theo tinh thần này, có thể nói, ở nước ta hiện nay, cần bảo đảm quyền công dân nói chung để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Nhưng thực tế cho thấy, việc thừa nhận và xác lập quyền bình đẳng của công dân đã là một vấn đề không dễ dàng, thì việc thừa nhận và xác lập sự bình đẳng giữa công dân và Nhà nước bằng pháp luật để xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền, còn là một vấn đề nan giải hơn. Hiện nay, ở nước ta, để thiết lập quyền bình đẳng của các công dân và quan hệ bình đẳng giữa công dân và Nhà nước bằng pháp luật, cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng quy chế trách nhiệm qua lại giữa Nhà nước, xã hội và cá nhân (công dân) theo nguyên tắc thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

Thực hiện can thiệp có mức độ và hợp lý của Nhà nước vào khu vực doanh nghiệp và tổ chức xã hội thông qua các giải pháp: thúc đẩy phong trào khởi nghiệp; tiếp tục mở rộng chức năng tự quản của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và xã hội. Thông qua đó, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước kiến tạo phát triển, nhằm tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đúng đắn giữa Nhà nước, xã hội và cá nhân (công dân). Trong quan hệ với xã hội và với cá nhân công dân, Nhà nước chỉ nên đóng vai trò định hướng và tổ chức thực hiện dịch vụ công.

Nhà nước can thiệp vào các thiết chế của xã hội chủ yếu và cơ bản thông qua pháp luật: Cần có sự kết hợp, thống nhất giữa quản lý xã hội bằng pháp luật (pháp trị) và quản lý xã hội bằng đạo đức (đức trị). Nhà nước thực thi pháp luật để quản lý xã hội, song cần bổ sung bằng cách chắt lọc, phát huy những giá trị của truyền thống mà cuộc sống ngày hôm nay vẫn đang cần có. Cách xử lý là lấy pháp luật nhà nước làm trụ cột, lấy tục lệ bổ sung cho những khiếm khuyết, lỗ trống của pháp luật, hoặc cụ thể hóa pháp luật, chủ yếu ở cơ sở.

Có nhiều cơ chế kiểm soát khác nhau, nhưng dù vận dụng cơ chế nào cũng phải tuân thủ một nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền, đó là bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp và pháp luật. Bất cứ cá nhân hay tập thể nào (kể cả cơ quan nhà nước) nếu vi phạm Hiến pháp và pháp luật, cũng đều có thể bị điều tra, và đưa ra xét xử công khai, minh bạch tại tòa án. 

Thứ hai, thể chế hóa nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân, đồng thời thể chế hóa nghĩa vụ của Nhà nước trong việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm công lý, quyền con người, quyền công dân.

Hiện nay, vấn đề hết sức quan trọng là phải thể chế hóa các quyền hiến định của công dân trên cả hai tư cách: quyền con người và quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013, để chúng thực sự được bảo đảm trong thực tế cuộc sống. Quyền của Nhà nước được bảo đảm bằng nghĩa vụ công dân, quyền của công dân được bảo đảm bằng nghĩa vụ của Nhà nước. Nếu mỗi bên khi xác lập quan hệ với nhau, đều thực hiện đúng và đầy đủ theo pháp luật quy định, thì đó là bình đẳng. Bình đẳng không có nghĩa là cào bằng các bên như nhau. Bình đẳng là tự do, nhưng không đồng nghĩa với sự tùy tiện, vô chính phủ, vì suy cho cùng, ngay cả trong một chế độ dân chủ nhất thì Nhà nước vẫn là khung khổ pháp lý duy nhất cho công dân thực hiện các hoạt động vì mục đích của mình. Mặt khác, không thể nói đến pháp luật công bằng, nếu không có sự phản biện của người dân trước những quy định không công bằng của Nhà nước. Ở đây, sự phản biện của người dân đóng vai trò là “đối trọng” không thể thay thế.

Vì thế, trong thời gian tới, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp luật theo hướng: 

- Quy định đầy đủ hơn, cụ thể hơn, rõ ràng hơn về quyền và nghĩa vụ của các cơ quan Nhà nước, của các chức danh, chức vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, nhất là hoàn thiện thể chế (cơ chế) bảo đảm và những ràng buộc pháp lý về chế độ chịu trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trước công dân khi có hành vi gây thiệt hại cho công dân trong thi hành công vụ, ở cả 3 phương diện: tổ chức; cán bộ, công chức, viên chức; văn bản quản lý hành chính (hay văn bản dịch vụ công). 

Hiện nay, thể chế (cơ chế) này còn nhiều thiếu sót, hạn chế trong cả hai mặt: quy định của pháp luật và thực hiện trong thực tế. Nhà nước đã có một số văn bản liên quan đến thể chế này, như: Bộ luật dân sự quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra; cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của mình gây ra khi tiến hành các hoạt động tố tụng. Luật hành chính có một số quy định về trách nhiệm bồi thường vật chất của cơ quan và cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ gây thiệt hại cho công dân;… Tuy vậy, những quy định như trên còn chưa đầy đủ, ví dụ thiếu thể chế bảo đảm và những ràng buộc pháp lý về chế độ chịu trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với các văn bản quản lý hành chính của mình. Hơn nữa, những thể chế này chưa được cụ thể hóa, vì vậy rất khó thực hiện được đúng đắn trong thực tế. Vấn đề đáng quan tâm ở chỗ: mặc dù đã có quy định của pháp luật, nhưng trong nhiều trường hợp, cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước vẫn không muốn thực hiện trách nhiệm của mình, cố tình đổ lỗi, né tránh hoặc đùn đẩy cho cơ quan khác, người khác. Hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước giải quyết công việc chậm trễ, dây dưa quá thời gian quy định, gây tốn kém công sức, thời giờ, tiền bạc,… của dân mà không phải chịu trách nhiệm, đang là việc được coi là “bình thường” trong quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay. 

- Hoàn thiện và cụ thể hóa các quy phạm pháp luật về quyền con người, quyền công dân theo hướng “công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm”. Xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân trong quan hệ với Nhà nước, cả với tư cách người dân, cả với tư cách cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

- Hoàn thiện thể chế pháp lý về phản biện xã hội, giám sát xã hội, nhằm tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt vai trò của báo chí, các trang mạng,… trong việc kiểm tra, giám sát các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, nhằm phát hiện những vi phạm trong các mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và giữa công dân với Nhà nước, góp phần bảo đảm công lý, công bằng xã hội, quyền con người, quyền công dân. 

- Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm trước công dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Đề cao trách nhiệm bảo đảm các quyền của công dân và thái độ dám chịu trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, chống hiện tượng khi phải chịu trách nhiệm lại tìm cách “chạy trách nhiệm”, né tránh, đùn đẩy,… Dám chịu trách nhiệm phải được đề cao thành một “Danh dự công vụ”.

- Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng và đảng viên trong lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và giữa công dân với Nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, của các tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra đảng các cấp đối với các cơ quan nhà nước, với đảng viên giữ chức vụ trong các cơ quan nhà nước. Xử lý nghiêm minh đối với đảng viên vi phạm quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước về quan hệ giữa Nhà nước với công dân (trong và ngoài Nhà nước) và giữa công dân (trong và ngoài Nhà nước) với Nhà nước./. 

PGS,TS. Nguyễn Thanh Tuấn

----------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 137

Link bài viết:

http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2017/44646/Ban-ve-viec-xay-dung-the-che-phap-quyen-cua-cong-dan.aspx