Tóm tắt: Bài viết này phân tích và đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam hiện hành về dạy nghề cho người khuyết tật (NKT) trên các phương diện: Chính sách đối với cơ sở dạy nghề, chính sách đối với NKT học nghề và chính sách đối với giáo viên dạy nghề cho NKT; đồng thời đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả việc học nghề đối với NKT cả ở phương diện hoàn thiện pháp luật và biện pháp tổ chức thực hiện.
Các phương pháp chủ yếu được sử dụng trong bài viết là phân tích, tổng hợp, so sánh.
Abstract: This article analyses and assesses the current situation of the law of Vietnam onvocational training for people with disabilities in the following perspectives: policies for vocational training facilities, policies for people with disabilities participating in vocational training activities and policies for trainers of vocational training facilities for people with disabilities. The article provides some recommendations for improving the effectiveness of vocational training for people with disabilities in both legal improvement and implementation measures.
The research methods of analysis, synthesis and comparision have been mainly employed in this article.
1. Thực trạng pháp luật về dạy nghề đối với NKT
Về cơ bản, việc tham gia học nghề của NKT giống như những người bình thường học nghề khác nên cũng tuân theo chính sách chung về dạy nghề. Tuy nhiên, vì NKT có những điểm đặc thù nên cần phải có những chính sách riêng dành cho họ. Chính sách dạy nghề đối với NKT được thể hiện ở các phương diện: Chính sách đối với cơ sở dạy nghề, chính sách đối với NKT học nghề và chính sách đối với giáo viên dạy nghề cho NKT.
1.1. Chính sách đối với cơ sở dạy nghề cho NKT
Cơ sở dạy nghề cho NKT cũng phải đảm bảo các điều kiện của cơ sở dạy nghề theo quy định của Luật dạy nghề. Các cơ sở dạy nghề cho NKT có thể là các trung tâm dạy nghề,ình độ nghề và kĩ năng nghề là những điều kiện có ý nghĩa tiên quyết để người lao động nói chung, NKT nói riêng cóđược việc làm cũng như việc làm ổn định. Có được trình độ nghề, NKT có thể tự tạo việc làm cho mình hoặc tham gia vào quan hệ lao động, thậm chí còn có thể thành lập doanh nghiệp để tạo việc làm cho những NKT khác. Chính vì vậy, dạy nghề đối với NKT là vấn đề hết sức cần thiết. Dạy nghề không chỉ giúp NKT có việc làm mà còn giúp cho NKT nâng cao được trình độ nghề, tạo điều kiện cho họ có được việc làm ổn định, bền vững đồng thời giúp họ có cơ hội lựa chọn việc làm, dễ dàng tìm kiếm việc làm, thay đổi việc làm. Bên cạnh đó, trình độ được nâng cao còn giúp NKT có được thu nhập cao và ổn định, hạn chế được tình trạng phân biệt đối xử đối với NKT trong lĩnh vực tiền lương và giúp họ tái hoà nhập cộng đồng. trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề được thành lập theo quy định chung của Luật dạy nghề. Tuy nhiên, để trở thành cơ sở dạy nghề cho NKT, ngoài những điều kiện của cơ sở dạy nghề nói chung, cơ sở dạy nghề cho NKT còn phải đảm bảo điều kiện:
- Cơ sở vậy chất, thiết bị dạy nghề; giáo trình, phương pháp và thời gian dạy nghề phù hợp với NKT.
- Giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ, kĩ năng giảng dạy cho NKT.
Các công trình xây dựng phục vụ cho NKT học nghề phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ xây dựng.
Thực tế, rất ít cơ sở dạy nghề muốn dạy nghề cho NKT vì để dạy nghề cho NKT, các cơ sở dạy nghề đôi khi phải đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất. Bởi vậy, Nhà nước cần phải có chính sách nhằm khuyến khích các cơ sở dạy nghề tuyển NKT vào học hoà nhập, khuyến khích các cá nhân, tổ chức thành lập cơ sở dạy nghề dành cho NKT. Do đó, ngoài những chính sách chung của cơ sở dạy nghề, các cơ sở dạy nghề dành cho NKT còn được Nhà nước hỗ trợ về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, được giao đất không thu tiền hoặc thuê đất ở nơi thuận lợi cho việc học nghề của NKT. Điều này đã khuyến khích các cơ sở dạy nghề cho NKT được thành lập đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở này duy trì hoạt động trong quá trình thực hiện việc đào tạo nghề cho NKT.
Các cơ sở dạy nghề có trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ, công nhận nghề đào tạo khi NKT học hết chương trình đào tạo và đủ điều kiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lí nhà nước về dạy nghề (Điều 70 Luật dạy nghề).
Với các chính sách trên, trong những năm gần đây, số lượng cơ sở dạy nghề (đặc biệt là cơ sở dạy nghề dành cho NKT) đã tăng lên đáng kể. Công tác dạy nghề cho NKT đã từng bước được xã hội hoá với sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân. Theo thống kê của Bộ lao động, thương binh và xã hội, cả nước hiện có trên 256 cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho NKT, trong đó có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt (khoảng 20%).(1) Điều này đã tạo điều kiện cũng như cơ hội cho NKT được tham gia đào tạo nghề.
1.2. Chính sách đối với NKT học nghề
Đối với NKT, để tham gia học nghề là vấn đề khó khăn. Đa số NKT sống nhờ vào sự trợ giúp của gia đình, xã hội và cộng đồng nên họ thường gặp khó khăn về tài chính. Hơn nữa, vì định kiến xã hội nên nhiều gia đình không cho con em mình là NKT đi học nghề. Chính vì vậy, Nhà nước cần phải có những chính sách nhằm khuyến khích và hỗ trợ cho NKT học nghề. Cụ thể, Nhà nước bảo đảm để NKT được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác (Điều 32 Luật NKT). NKT tham gia học nghề còn được hưởng học bổng và trợ cấp xã hội, chế độ cử tuyển, chính sách tín dụng giáo dục; chính sách miễn, giảm phí dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên theo quy định của Luật giáo dục. NKT được tư vấn học nghề miễn phí; được miễn, giảm học phí. Đặc biệt NKT thuộc hộ nghèo còn được miễn học phí, được cấp học bổng và hỗ trợ ăn ở đi lại theo quy định của pháp luật.
Có thể nói chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề cho NKT đã tạo điều kiện cho NKT được tiếp cận với cơ hội học nghề và tìm kiếm việc làm. NKT thường là những người gặp khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với NKT trong việc học nghề sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo cơ hội cho NKT được tham gia học nghề cũng như việc làm.
Thực tế, hàng năm ngân sách nhà nước cũng đã dành hàng trăm tỉ đồng để hỗ trợ cho NKT học nghề như chi đầu tư xây dựng cơ sở, hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn. Do đó, số lượng người học nghề ngày càng tăng lên đáng kể, năm 2010 số lượng NKT học nghề lên tới 4.359 người.(2)
Tuy nhiên, có thể thấy kết quả dạy nghề cho NKT còn rất khiêm tốn. Số lượng NKT học nghề vẫn còn ít, cơ hội để NKT tiếp cận với cơ sở dạy nghề còn nhiều khó khăn. Theo thống kê của Bộ lao động, thương binh và xã hội năm 2012, tỉ lệ NKT được học nghề mới chỉ đạt trên 12,1%, trong khi nhu cầu có việc làm của nhóm đối tượng này là rất lớn. Trong những năm gần đây, việc tổ chức dạy nghề cho NKT tuy đã có những chuyển biến song kết quả thực hiện vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo thống kê, số người được dạy nghề hàng năm trên 1.500.000 người nhưng số NKT được dạy nghề chỉ đạt khoảng 5.000 - 6.000 người/năm (chiếm 4%) trong khi đó tỉ lệ NKT chiếm tới khoảng gần 8% tổng dân số.(3) Vấn đề này đặt ra đòi hỏi phải có những giải pháp nhằm tăng cường dạy nghề cho NKT.
1.3. Chính sách đối với giáo viên dạy nghề cho NKT
NKT được coi là đối tượng đặc thù. Họ có thể bị khiếm khuyết ở những chức năng khác nhau. Vì vậy, dạy nghề cho NKT không thể áp dụng phương pháp dạy nghề thông thường mà đòi hỏi phải có những phương pháp dạy nghề phù hợp với từng đối tượng là NKT. Do đó, giáo viên dạy nghề cho NKT cũng phải có chuyên môn, kĩ năng phương pháp phù hợp với NKT. Để thực hiện được điều đó, Nhà nước cần đầu tư đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn, kĩ năng, phương pháp đối với giáo viên dạy nghề cho NKT. Giáo viên dạy nghề cho NKT ngoài các quyền lợi chung đối với giáo viên dạy nghề còn được hưởng phụ cấp đặc thù cho việc giảng dạy NKT. Tùy thuộc vào việc dạy nghề ở các lớp dành riêng cho NKT hay ở các lớp hoà nhập NKT mà giáo viên được hưởng chế độ ưu đãi khác nhau. Đối với giáo viên chuyên trách dạy nghề trong các cơ sở dạy nghề dành riêng cho NKT và giáo viên chuyên trách dạy nghề cho các lớp dạy nghề dành riêng cho NKT, được hưởng mức phụ cấp bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Giáo viên tham gia dạy nghề cho người tàn tật, NKT ở các cơ sở dạy nghề, lớp dạy nghề dành riêng cho người tàn tật, NKT; được hưởng mức phụ cấp 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Mức phụ cấp được tính theo số giờ thực tế giảng dạy. Giáo viên chuyên trách dạy nghề ở các lớp hoà nhập cho NKT được hưởng mức phụ cấp đặc thù 35% đến 65% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) tùy thuộc vào số lượng sinh viên là NKT.(4)
Việc dạy nghề cho NKT rất vất vả và khó khăn nên rất ít giáo viên muốn dạy nghề cho NKT. Bởi vậy, chính sách ưu đãi này sẽ không chỉ bù đắp được những công sức của giáo viên dạy nghề cho NKT mà còn khuyến khích các giáo viên khác tham gia dạy nghề cho NKT.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng giáo viên dạy nghề cho NKT còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu đào tạo. Chẳng hạn như ở thành phố Cần Thơ, năm 2004 cả thành phố chỉ có 1 cơ sở dạy nghề của NKT kết hợp với sản xuất kinh doanh nhưng chỉ dạy nghề thủ công mĩ nghệ. Năm 2008, Cần Thơ có thêm 1 cơ sở dạy nghề cho NKT ở các lĩnh vực thêu, đan thảm, đan nhựa, tin học… Các cơ sở dạy nghề cho NKT đều thiếu vốn, cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị dạy nghề chưa đúng quy cách. Bên cạnh đó, giáo viên dạy nghề còn ít và đa phần đều chưa qua đào tạo chính quy.(5) Điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở dạy nghề dành cho NKT cũng như những thiệt thòi cho NKT.
2. Một số khuyến nghị
Như trên đã phân tích, thực trạng dạy nghề đối với NKT còn nhiều vướng mắc. Giữa quy định của pháp luật và thực tế thực hiện vẫn còn khoảng cách quá xa, số NKT được học nghề còn quá ít. Theo thống kê chỉ khoảng 12% NKT được học nghề.(6) Điều này ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của NKT. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đó là nhận thức của các cấp chính quyền, của xã hội về dạy nghề và tạo việc làm cho NKT còn chưa đầy đủ; hệ thống dạy nghề vừa yếu vừa thiếu, chưa đáp ứng công tác dạy nghề cho từng loại đối tượng khuyết tật. Chương trình cũng như hình thức đào tạo nghề cho NKT còn chưa hợp lí. Các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động, chủ yếu mới là đào tạo ngắn hạn ở trình độ thấp.Bên cạnh đó, một trong những khó khăn của việc đào tạo nghề đối với NKT đó là trình độ của NKT quá thấp, điều kiện kinh tế lại quá khó khăn nên không thể tham gia đào tạo nghề. Cả nước hiện có khoảng 6,7 triệu NKT, trong đó có khoảng 37% thuộc hộ nghèo; 24% ở nhà tạm; 34,4% từ 6 tuổi trở lên chưa biết chữ; 21% chưa tốt nghiệp tiểu học.(7) Đây là những rào cản, khó khăn không nhỏ cản trở NKT tham gia học nghề cũng như tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, sự e ngại, mặc cảm tự ti cũng như thái độ phân biệt đối xử của cộng đồng xã hội cũng là những cản trở không nhỏ cho việc học nghề và dạy nghề đối với NKT. Để tăng cường cơ hội học nghề cũng như việc làm cho NKT, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 với mục tiêu giai đoạn 2012 - 2015, 250.000 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp.
Để pháp luật dạy nghề cho NKT thực sự đi vào đời sống cũng như thực hiện mục tiêu mà Đề án đã đề ra, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật còn cần phải nâng cao các biện pháp tổ chức thực hiện. Cụ thể:
- Cần nâng cao mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên dạy nghề cho NKT.
Như trên đã đề cập, pháp luật hiện hành đã có những ưu đãi dành cho giáo viên dạy nghề cho NKT (mức phụ cấp ưu đãi bằng 70% mức lương hiện hưởng). Tuy nhiên, thiết nghĩ mức phụ cấp này vẫn chưa khuyến khích được các giáo viên dạy nghề cho NKT. Giáo viên dạy nghề cho NKT đòi hỏi phải kiên trì và mất nhiều công sức hơn so với giáo viên giảng dạy cho những người bình thường. Đối với một số dạng tật, giáo viên còn phải học và nắm bắt được ngôn ngữ đặc thù của NKT. Vì vậy, thiết nghĩ để khuyến khích các giáo viên dạy nghề cho NKT cần nâng cao hơn mức phụ cấp đặc thù cho họ.
- Cần đẩy mạnh việc nâng cao trình độ văn hoá cho NKT.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cơ hội học nghề của NKT bị hạn chế cũng như việc NKT thường học các nghề đơn giản, trình độ thấp dẫn đến công việc và thu nhập không ổn định là do trình độ văn hoá của NKT còn thấp, ít người được tham gia học tập. Vì vậy, để nâng cao việc dạy nghề và việc làm cho NKT, đặc biệt là những ngành nghề có trình độ chuyên môn và thu nhập cao thì cần phải nâng cao trình độ văn hoá của NKT. Đây được xem là giải pháp có tính căn bản để giải quyết vấn đề này.
- Cần tăng cường nguồn lực cũng như các dự án dạy nghề cho NKT và việc dạy nghề cho NKT cần phải gắn với vấn đề việc làm.
Trong bối cảnh hiện nay, khi các ngành nghề thủ công truyền thống như đan lát, mây tre đan xuất khẩu… đang dần bị mai một do những người khoẻ mạnh muốn tìm công việc khác có thu nhập cao hơn thì đối với NKT đó lại là những ngành nghề tương đối phù hợp. Do đó, thiết nghĩ cần triển khai phát huy việc dạy nghề cho NKT ở những ngành nghề này.
- Cần có sự kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan nhằm tăng cơ hội dạy nghề, việc làm cho NKT.
Hiện tại chúng ta đã có các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ việc làm cho NKT như các cơ sở dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm, đơn vị phục hồi chức năng, doanh nghiệp… Tuy nhiên, sự kết nối, hợp tác giữa các đơn vị còn chưa chặt chẽ nên cơ hội học nghề và việc làm đối với NKT còn ở mức độ rất hạn chế. Chính vì vậy, cần phải tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa các đơn vị này. Có như vậy mới tăng cơ hội học nghề và việc làm cho NKT./.
TS. TRẦN THỊ THÚY LÂM
Giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại Học Luật Hà Nội
Chú thích:
(1).Xem: Nguyễn Ngọc Toản, “Dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khyết tật - Thực trạng và những vấn đề đặt ra”, nguồn: http://www.molisa.gov. vn/news/detail
(2).Xem: Nguyễn Ngọc Toản, tlđd.
(3).Xem: Báo lao động, số 144, nguồn: http://laodong. com.vn/Xa-hoi/3-trieu-nguoi-khuyet-tat-chua-co-viec-lam/123545.bld, truy cập ngày 26/6/2013.
(4).Xem: Nghị định của Chính phủ số 43/2008/NĐ-CP ngày 08/4/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 62 và Điều 72 Luật dạy nghề.
(5).Xem: Phương Quyên, “Thiếu giáo viên dạy nghề dành cho NKT”, nguồn: http://www.dphanoi.org.vn/ index.php?option=com_content&task=view&id=2597
(6).Xem: Nguyễn Ngọc Toản, tlđd.
(7).Xem: Nguyễn Ngọc Toản, tlđd
Nguồn: TẠP CHÍ LUẬT HỌC – ĐẶC SAN 10/2013