Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Bàn về một số chính sách góp phần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007

  • Thực hiện: Ths.LS. Lê Hải Yến
  • 17/08/2021

Ở Việt Nam, trong những năm qua, tình trạng bạo lực gia đình vẫn luôn được xem là một trong những vấn đề xã hội khá “nóng”. Nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình có thể là bất kỳ thành viên nào, không phân biệt vị trí của họ trong mối quan hệ gia đình hay tuổi tác và giới tính. Tuy nhiên, trên thực tế thì phụ nữ vẫn là đối tượng chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những nạn nhân của những hành vi bạo lực gia đình.[1] Đặc biệt, trong số đó tỷ lệ phụ nữ khuyết tật bị bạo lực gia đình luôn cao hơn phụ nữ không khuyết tật[2]. Về mặt thể chế pháp lý, Luật phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được ban hành từ năm 2007, cùng với nhiều chế định pháp luật khác đã tạo thành khung pháp luật khá toàn diện nhằm tạo công cụ thể chế cần thiết trong phòng chống bạo lực gia đình ở Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại (2021) thì Luật PCBLGĐ đã được ban hành gần 15 năm nay, không ít chế định đã trở nên lạc hậu hoặc bất cập, không phù hợp với các quy định pháp luật khác cũng như chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn phòng chống bạo lực gia đình giai đoạn mới. Hiện nay, dự thảo Luật mới thay thế Luật PCBL gia đình hiện hành đang được Chính Phủ (Bộ VHTTDL) chủ trì soạn thảo. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả sẽ chủ yếu tập trung đề cập đến một số vấn đề liên quan đến các chính sách phòng chống bạo lực gia đình đối với người khuyết tật trong Luật PCBLGĐ 2007.                                                       

1. Một vài nét khái quát  về thực trạng quy định của Luật PCBLGĐ hiện hành 2007:

1. Tóm tắt một số nội dung chủ yếu của Luật:

Luật PCBLGĐ 2007 với phạm vi điều chỉnh tương đối toàn diện, đã quy định những vấn đề pháp lý chủ yếu nhất trong phòng chống bạo lực gia đình, như: quy định những hành vi bạo lực gia đình [3] và các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan; quy định quyền và nghĩa vụ của nạn nhân hành vi BLGĐ; hệ thống các biện pháp chủ yếu phòng và chống BLGĐ gồm nhóm biện pháp phòng ngừa[4], nhóm các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ[5]. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định hệ thống các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ[6]; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống BLGĐ... Đáng chú ý Luật này khẳng định quan điểm có tính nguyên tắc của Nhà nước trong việc ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những đối tượng  được xem là thuộc nhóm yếu thế, là nạn nhân của hành vi BLGĐ, gồm:  trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ và người tàn tật (khoản 3, Điều 3, Luật PCBLGĐ).[7]

2. Những điểm bất cập

 Bên cạnh những điểm tích cực, Luật PBBLGĐ 2007 qua quá trình triển khai đã bộc lộ không ít những bất cập, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, nhằm nâng cao chất lượng  hiệu quả của một đạo luật được xem là Luật chuyên ngành về phòng chống bạo lực gia đình. Cụ thể như sau:

  1. Định nghĩa chung về BLGĐ và nhận diện các hành vi BLGĐ còn hẹp, chưa phản ánh đủ yếu tố BL giới trong BL gia đình cũng như chưa bao gồm những hành vi BLGĐ được xem là khá phổ biến trên thực tế

* Một là, theo định nghĩa chung về BLGĐ trong Luật PCBLGĐ 2007 (khoản 2, Điều 1 của Luật) gồm các hành vi “cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Định nghĩa này chưa nêu rõ nhóm hành vi về bạo lực tình dục - ngang với ba nhóm hành vi nói trên. Hiện nay, bạo lực tình dục đã được xem là một trong những hành vi bạo lực giới (phân định với các hành vi bạo lực khác), theo định nghĩa của quốc tế[8]. Bên cạnh đó, trên thực tế thì yếu tố bạo lực tình dục trong gia đình là một trong những khía cạnh khá phổ biến trong các hành vi BLGĐ.[9]

 * Hai là, hệ thống các hành vi được coi là hành vi BLGĐ được quy định tại Điều 2 của Luật này còn thiếu một số hành vi BLGĐ khá phổ biến trên thực tiễn nhưng chưa được ghi nhận trong Luật.

Người khuyết tật là nạn nhân của những hành vi bạo lực từ những người thân trong gia đình

Cụ thể là trên thực tế có những thành viên gia đình bị ngăn cản thực hiện một số quyền hợp hiến, hợp pháp như quyền được học tập, quyền được lao động, có việc làm... từ các thành viên khác trong gia đình. Đặc biệt, không hiếm người khuyết tật là nạn nhân của những hành vi bạo lực, vi phạm quyền nêu trên từ chính người thân trong gia đình họ, vì nhiều lý do khác nhau[10]. Bên cạnh đó, trên thực tế, các hành vi BLGĐ liên quan đến đời sống hôn nhân không chỉ có cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ (quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 2 của Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007) mà còn có những hành vi khác như ép buộc mang thai (sinh nhiều con), cưỡng ép phá thai...

  1. Một số biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân của hành vi BLGĐ còn bất hợp lý:

Trong các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ quy định trong Luật thì biện pháp cấm tiếp xúc giữa người có hành vi BLGĐ và nạn nhân BLGĐ theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (Điều 20) có thể được coi là biện pháp thiếu khả thi trên thực tế.

Vì, theo quy định của Luật thì một trong những điều kiện để áp dụng biện pháp này là người có hành vi bạo lực và nạn nhân bị BLGĐ phải có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc (điểm c, khoản 1, Điều 20 Luật PCBLGĐ). Tuy nhiên, trên thực tiễn, khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì đa phần trường hợp nạn nhân lại thường chính là người phải ra khỏi nhà. Trong khi đó, nạn nhân BLGĐ thường là người yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi). Đối với phụ nữ, khi áp dụng cấm tiếp xúc, nạn nhân thường mang theo con chưa trưởng thành đi kèm[11]. Trong khi đó, kẻ có hành vi BLGĐ lại đương nhiên được ở nhà của mình, và việc nạn nhân không ở đó, thậm chí có khi là mong muốn của kẻ có hành vi bạo hành, nên họ có thể hoàn toàn không quan tâm. Không chỉ vậy, nạn nhân BLGĐ là phụ nữ (trong đó có phụ nữ khuyết tật) khi ra khỏi nhà còn có nguy cơ cao bị bạo lực xã hội. Do vậy, trên thực tế, việc áp dụng biện pháp nói trên có thể nói là chưa thực sự bảo vệ nạn nhân BLGĐ.

Phụ nữ khuyết tật là đối tượng dễ bị tổn thương và không được bảo vệ một cách đúng mực

  1. Các chính sách pháp lý riêng, mang tính đặc thù, nhằm hỗ trợ, bảo vệ có hiệu quả những nạn nhân của hành vi BLGĐ thuộc nhóm yếu, đặc biệt là người khuyết tật còn thiếu trong Luật này

Như trên đã đề cập, mặc dù Luật PCBLGĐ 2007  đã khẳng định về nguyên tắc việc ưu tiên bảo vệ đối với 04 nhóm đối tượng được xem là yếu thế khỏi hành vi BLGĐ (khoản 3, Điều 3).Tuy nhiên, trong toàn bộ các quy định cụ thể của Luật, không có một điều khoản nào đưa ra những chính sách cụ thể  hóa  một bước nguyên tắc nói trên để hỗ trợ, bảo vệ nhưng đối tượng đặc thù là nạn nhân của hành vi BLGĐ, đặc biệt là người khuyết tật. Trong khi hiện tại, một loạt các luật khác nhau đã quy định những chính sách, biện pháp đặc thù để phòng ngừa BLGĐ, hỗ trợ, bảo vệ những đối tượng yếu thế khỏi hành vi bạo lực.

Cụ thể: liên quan đến biện pháp thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật, Luật PBGDPL coi người bị BLGĐ, người khuyết tật là đối tượng đặc thù, cần có biện pháp phổ biến, tuyên truyền phù hợp [12]. Hoặc, theo Luật trẻ em 2016 thì đối tượng trẻ em khuyết tật thuộc nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (cần được hỗ trợ, bảo vệ). Các biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, bạo lực gia đình cũng được Luật 2016 quy định khá quyết liệt dưới nhiều hình thức khác nhau [13]. Bên cạnh đó, mặc dù Luật PCBLGĐ 2007 đã quy định một hệ thống các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ và cũng quy định những tiêu chuẩn cơ bản về cơ sở vật chất và nhân sự đối với các cơ sở trợ giúp nạn nhân bị BLGĐ (Điều 26).Tuy nhiên, Luật PCBLGĐ 2007 cũng không có bất kỳ một quy định nào ở mức độ chính sách nhằm đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất của các cơ sở này trong việc đáp ứng yêu cầu tiếp cận công trình đối với người khuyết tật sử dụng. Trong khi, vấn đề tiêu chuẩn về cơ sở vật chất đảm bảo tiếp cận đã được quy định rõ trong chính sách của Luật Người khuyết tật 2010 và pháp luật về xây dựng hiện hành.[14] Thêm nữa, cũng còn thiếu vắng những yêu cầu về điều kiện (mang tính nguyên tắc) về kỹ năng, chuyên môn của đội ngũ nhân sự trong các cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ nhằm đáp ứng yêu cầu hỗ trợ của một số nạn nhân đặc thù như người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật (đặc biệt là người khuyết tật nghe nói).

Trẻ khuyết tật không được đi học và không có cơ hội tiếp cận nền tảng giáo dục có chất lượng

Có thể nói, một loạt những điểm lạc hậu về chính sách trong Luật PCBLGĐ 2007 so với các quy định pháp luật hiện hành đã hình thành lỗ hổng đáng kể về chính sách hỗ trợ, bảo vệ những nạn nhân của hành vi BLGĐ được xếp vào nhóm đối tượng yếu thế, trong đặc biệt là nhóm người khuyết tật. 

  1. Chưa có tổng đài quốc gia hỗ trợ nạn nhân BLGĐ

 Chúng ta biết rằng hiện nay ở nước ta đã có hệ thống Tổng đài quốc gia hỗ trợ bảo vệ trẻ em (111) theo quy định của Luật trẻ em 2016. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại (2021) thì Việt Nam vẫn chưa có tổng đài riêng về hỗ trợ nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình. Trong điều kiện thực trạng bạo lực gia đình vẫn khá phức tạp[15] và đa số nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình (đặc biệt là phụ nữ, phụ nữ khuyết tật) vì nhiều lý do khác nhau còn e ngại việc hỗ trợ từ cơ quan, tổ chức khỏi hành vi bạo lực gia đình,[16] thì tổng đài hỗ trợ phòng chống BLGĐ cần được xem là một trong những phương thức tích cực làm “cầu nối” giữa cơ quan, tổ chức và nạn nhân của hành vi BLGĐ, giúp họ có thể nhanh chóng tìm kiếm sự hỗ trợ hữu hiệu chống lại hành vi BLGĐ. Thực tế hiện nay, trong điều kiện chưa có tổng đài quốc gia hỗ trợ bạo lực gia đình, thì phương thức thông tin qua điện thoại (đường dây nóng) của một số tổ chức- đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ, là một kênh thông tin khá hữu hiệu để góp phần hỗ trợ nạn nhân của hành vi BLGĐ (đa số là phụ nữ, phụ nữ khuyết tật) trong điều kiện BLGĐ khá phức tạp, nhất là trong bối cảnh khó khăn, áp lực về kinh tế- dịch bệnh trong giai đoạn hiện tại.[17] Do vậy, có thể thấy: Việc Luật PCBLGĐ 2007 chưa quy định chính sách xây dựng hệ thống tổng đài quốc gia hỗ trợ nạn nhân của BLGĐ là một trong những điểm bất cập trong hệ thống các phương thức hoạt động phòng chống BLGĐ.

Đảm bảo có tổng đài quốc gia hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em khuyết tật

  1. Chưa có chính sách huy động cơ chế tổng hợp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ:

Điều 26 Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007 đã quy định khá nhiều cơ sở trợ giúp BLGĐ. Tuy nhiên, Luật lại chưa quy định rõ về mô hình cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ tổng hợp các dịch vụ hỗ trợ/ tư vấn (chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý; pháp luật..). Do vậy, chưa huy động được tối đa cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức khác nhau trong hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, thiếu thuận tiện cho nạn nhân BLGĐ.

  1. Thiếu các quy định huy động rộng rãi các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, cá nhân vào hoạt động phòng chống BLGĐ

 Có lẽ chúng ta đều hiểu tinh thần của Luật PCBLGĐ là: Vấn đề phòng chống BLGĐ không phải là trách nhiệm riêng của Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan tổ chức, của các đoàn thể xã hội. Tuy nhiên, các nội dung tại Điều 33 và 34 của Luật này mới chỉ tập trung quy định về trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) mà chưa quy định rõ vai trò, trách nhiệm tham gia của các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp khác trong phòng chống BLGĐ. Trong khi đó, thực tiễn phòng, chống BLGĐ của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp đã có những đóng góp không nhỏ trong việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ[18]. Bên cạnh đó, Luật PCBLGĐ 2007 cũng còn thiếu các chính sách cần thiết trong việc khuyến khích toàn xã hội tham gia vào PCBLGĐ, đặc biêt là các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp (như các chính sách ưu đãi khác nhau; chính sách khen thưởng...).

2. Một số kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007

Đề nghị sửa đổi, bổ sung định nghĩa về bạo lực gia đình theo hướng phù hợp hơn nữa với định nghĩa về bạo lực trên cơ sở giới của Liên Hợp Quốc.

* Đề nghị sửa đổi thuật ngữ “người tàn tật” tại khoản 3, Điều 3 của Luật PCBLGĐ 2007 thành “người khuyết tật” để phù hợp với Luật Người khuyết tật 2010 và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan.

 * Nghiên cứu Bổ sung một số hành vi BLGĐ quy định tại khoản 1, Điều 2 của Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007 một số hành vi như sau:

- Cản trở thành viên gia đình thực hiện quyền học tập, lao động;

- Ép buộc mang thai hoặc phá thai; ép buộc lựa chọn giới tính của thai nhi, ngăn cản sử dụng biện pháp tránh thai.

* Nghiên cứu sửa đổi lại quy định về biện pháp “cấm tiếp xúc theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban ND cấp xã” tại Điều 20 của Luật PCBLGĐ 2007 theo hướng hợp lý, khả thi hơn (đảm bảo hỗ trợ, bảo vệ cho nạn nhân của hành vi BLGĐ).

* Nghiên cứu bổ sung các chính sách cụ thể đảm bảo nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ, bảo vệ các đối tượng yếu thế là nạn nhân của hành vi BLGĐ, đặc biệt đối với đối tượng người khuyết tật.

Cụ thể:

+ Các hoạt động về thông tin, tuyên truyền về BLGĐ cần đảm bảo về hình thức, phương thức, phương tiện, tài liệu phù hợp với từng loại đối tượng NKT là nạn nhân BLGĐ (chủ yếu phân theo dạng tật như người khuyết tật nhìn, nghe nói,...).

Người khuyết tật được hướng dẫn đầy đủ tại cơ sở trợ giúp pháp lý để đảm bảo các quyền lợi hợp pháp khác

+ Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định (mang tính nguyên tắc) điều kiện với các cơ sở trợ giúp đối với nạn nhân BLG. Cụ thể: Bên cạnh việc đáp ứng những điều kiện chung về cơ sở vật chất và nhân sự, các cơ sở này còn phải đáp ứng những điều kiện riêng, phù hợp với đối tượng yếu thế là nạn nhân BLGĐ như người cao tuổi, trẻ em và đặc biệt là người khuyết tật theo quy định của pháp luật (như điều kiện về cơ sở vật chất đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng công trình; điều kiện về việc sử dụng/ huy động  phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu để hỗ trợ nạn nhân BLGĐ là người khuyết tật nghe nói,...). Tất nhiên, ở tầm quy định của Luật thì chỉ cần khẳng định vấn đề nêu trên mang tính nguyên tắc. Nhưng ngay trong điều luật tương ứng, cần quy định rõ việc Quốc hội giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết nội dung các chính sách đặc thù đảm bảo hỗ trợ, bảo vệ hiệu quả nạn nhân BLGĐ.

* Cần quy định về mặt chính sách định hướng xây dựng mô hình tổng hợp trợ giúp nạn nhân BLGĐ Theo đó, thay vì đến nhiều cơ sở trợ giúp, nạn nhân BLGĐ chỉ cần đến 01 cơ sở là có thể được trợ giúp, hỗ trợ từ nhiều dịch vụ khác nhau (khám chữa bệnh; tư vấn tâm lý; tư vấn pháp luật; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu,...). Điều này sẽ tạo thuận tiện ở mức tối đa (về thủ tục hành chính, về thời gian..) cho nạn nhân BLGĐ (nhất là đối với phụ nữ khuyết tật, trẻ em gái khuyết tật) nhận được các dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ cần thiết.  Hiện nay, bên cạnh Luật Phòng chống BLGĐ 2007, thì các chính sách hỗ trợ nạn nhân BLGĐ còn được quy định tại các nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Trợ giúp pháp lý 2016; Nghị định 20/2021/ NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội vv. Theo đó, trách nhiệm hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân của hành vi BLGĐ thuộc về nhiều cơ quan khác nhau và mỗi phải tuân theo các thủ tục khác nhau theo quy định pháp luật. Vì vậy, nên chăng Dự thảo Luật PCBLGĐ (mới) cần giao cho Chính Phủ quy định mô hình tổng hợp trợ giúp nạn nhân BLGĐ hoặc giao cho Thủ tướng CP quy định Quy chế phối hợp liên ngành (y tế, lao động thương binh xã hội, trợ giúp pháp lý, công an…) nhằm tăng cường trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau trong trợ giúp nạn nhân BLGĐ theo quy định pháp luật.

* Cân nhắc quy định việc xây dựng một Tổng đài quốc gia riêng hỗ trợ nạn nhân BLGĐ.

Tăng cường khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân khác tham gia phòng chống BLGĐ

* Cần quy định các chính sách nhằm tăng cường việc khuyến khích các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cá nhân tham gia phòng chống BLGĐ. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ các cơ sở trợ hỗ trợ, tư vấn cho nhạn nhân BLGĐ ngoài công lập như các chính sách hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, miễn, giảm thuế; hỗ trợ cấp đất, thuê mặt bằng xây dựng cơ sở hỗ trợ, tư vấn nạn nhân BLGĐ vv Quy định cơ chế khen thưởng đối tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống BLGĐ…


[1]  Trên thế giới,theo nghiên cứu của WHO, cứ 4 phụ nữ có một người phải chịu bạo lực tình dục ít nhất một lần trong đời, do chính chồng hay bạn tình của mình gây ra (ttps://www.slideshare.net/nguyenphuonglien2407/bao-luc-tinh-duc)

Theo Báo cáo tóm tắt  Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê chủ trì thực hiện  thì cứ  03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời.                        

[2]  Cũng theo Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, nói trên: Một phần ba phụ nữ khuyết tật (33,0%) từng bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác so với một phần tư (25,3%) phụ nữ không bị khuyết tật.

[3] Gồm các hành vi như: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xúc phạm danh dự nhân phẩm; cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép tảo hôn, kết hôn;chiếm đoạt, hủy hoại tài sản riêng của thành viên gia đình;vv (Khoản 1, Điều 2, Luật PCBLGĐ 2007).

[4] Gồm các biện pháp: Thông tin tuyên truyền; hòa giải mâu thuẫn tranh chấp giữa các thành viên gia đình; tư vấn, góp ý phê bình tại cộng đồng (các Điều 9,11; 12- 15; 16-17, Luật PCBLGĐ 2007);

[5] Gồm các biện pháp: Phát hiện, báo tin về BLGĐ; các biện pháp ngăn chặn bảo vệ; chăm sóc, tư vấn và hỗ trợ khẩn cấp các nhu cầu thiết yếu (các Điều từ 18-24, Luật PCBLGĐ 2007).

[6]  Gồm  05 loại cơ sở (CS)  khám chữa bệnh; CS bảo trợ xã hội; cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; CS tư vấn về phòng chống BLGĐ và Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng (Điều 26, Luật PCBLGĐ 2007).

[7] Luật PCBLGĐ ban hành 2007, trước khi Luật Người Khuyết tật được ban hành (2010), nên vẫn sử dụng thuật ngữ “Người tàn tật”.

[8] Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR, 2003):  “bạo lực trên cơ sở giới là bạo lực nhằm vào một người trên cơ sở đối xử phân biệt về giới hoặc giới tính của người đó. Nó bao gồm việc đe dọa thực hiện hoặc thực hiện các hành vi gây tổn hại hoặc gây đau đớn về mặt thể chất, tinh thần hay tình dục; sự cưỡng ép và những hình thức khác nhằm tước bỏ sự tự do của người đó”.

[9] Xem số liệu dẫn chứng tại mục 1 Bài viết này.

[10] Theo phản ánh của đại diện một số Hội người khuyết tật; Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật tại Tọa đàm ngày 08/6/2021 do ACDC chủ trì, liên quan đến thực trạng phòng chống bao lực gia đình đối với người khuyết tật và kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật PCBLGĐ 2007.

[11] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2020), Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách Đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Hà Nội, tr.9.

[12] Khoản 2, Điều 20 Luật phổ biến giáo dục pháp luật khằng định rõ: chú trọng thực hiện bằng hình thức, phương thức, phương tiện, tài liệu phù hợp với từng loại đối tượng người khuyết tật. 

13 Ví dụ: Khoản 3, Điều 52 Luật trẻ em 2016 quy định:  Đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp  thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế.

[14] Điều 39 và 40 Luật Người khuyết tật 2010; QCVN 10:2014/ BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (KTQG) về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật (NKT) tiếp cận sử dụng; QCVN: 2021/BXD : QCKTQG về nhà chung cư....

[15]  Theo Báo cáo của Bộ Văn hóa-TTDL Giai đoạn từ 2012 - hết 2017, trên cả nước xảy ra 139.395 vụ BLGĐ; Tỷ lệ bạo lực tình dục có xu hướng tăng lên: Phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời năm 2019 (13%) cao hơn so với năm 2010 (10%), đặc biệt là ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18 - 24 (13,9% năm 2019 so với 5,3% năm 2010);

(https://vneconomy.vn/bao-luc-gia-dinh-so-lieu-tu-toa-an-gap-ba-thong-ke-cua-bo.htm).

[16] Theo Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam, năm 2019, một nửa phụ nữ bị BLGĐ nhưng không kể với ai về chuyện đó và 90,4% phụ nữ bị BLGĐ không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào. Chỉ 9,6% phụ nữ bị BLGĐ tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công hay chính quyền và chỉ 4,8% tìm kiếm sự trợ giúp từ Công an.

[17] Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 (2020), số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị BLGĐ đến đường dây nóng của Hội LHPN Việt Nam đã tăng 50% ( nguồn: http://kinhtedothi.vn/trong-dai-dich-covid-19-phu-nu-va-tre-em-bi-bao-luc-gia-dinh-gia-tang-vi-sao-386219.html)

[18] Ví dụ: Trên thực tế các tổ chức xã hội như đa số Hội Người khuyết tật đang khá tích cực triển khai các biện pháp phòng chống BLGĐ nhằm bảo vệ nạn nhân là hội viên của Hội mình.Theo như phán ảnh của đại diện CLB phụ nữ khuyết tật tại Đà Nẵng trong buổi Thảo luận trực tuyến ngày 08/06/2021, các Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật đã có những hoạt động thiết thực trong bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ là phụ nữ khuyết tật như lắng nghe, khuyến khích nạn nhân BLGĐ chia sẻ vụ việc (nói ra sự thật); tích cực hỗ trợ phụ nữ khuyết tật là nạn nhân BLGĐ trong khả năng của tổ chức (tư vấn tâm lý, thông tin,….) khi hành vi BLGĐ xảy ra cũng như đã chủ động trong thông tin, phối hợp với cá nhân/cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống BLGĐ để giải quyết vụ việc.