Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quyền nuôi con sau khi ly hôn của người khuyết tật

  • Thực hiện: Ths.Ngô Thị Thu Hằng
  • 30/12/2017

Ly hôn là việc chấm dứt mối quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án. Khi ly hôn, hai vợ chồng tiến hành thoả thuận về việc trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con và việc phân chia tài sản, nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định theo quy định của pháp luật.  Tuy nhiên, thực tế trong quá trình hoạt động hỗ trợ pháp luật cho người khuyết tật, chúng tôi nhận thấy họ đang bị hạn chế về quyền nuôi con sau khi ly hôn vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Bài viết sau đây sẽ làm rõ quy định pháp luật và thực trạng quyền nuôi con sau khi ly hôn của người khuyết tật hiện nay tại nước ta.

Quy định của pháp luật về quyền nuôi con của người khuyết tật khi li hôn

Luật Người khuyết tật 2010 lần đầu tiên đưa ra quy định nghiêm cấm hành vi cản trở quyền nuôi con của người khuyết tật tại khoản 6 Điều 14, nhằm bảo vệ tối đa các quyền nhân thân của người khuyết tật. Pháp luật người khuyết tật đảm bảo quyền này của họ, và xử phạt hành chính đối với người có hành vi cản trở quyền nuôi con của người khuyết tật với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.1

Luật Hôn nhân Gia đình (HNGĐ) 20142 được ban hành đã tiếp nối quy định của Luật HNGĐ 20003 về vấn đề giải quyết nuôi con sau ly hôn như sau:

Hai bên vợ chồng có thể tự thoả thuận với nhau về người trực tiếp nuôi con sau ly hôn và Toà án sẽ căn cứ vào sự thoả thuận này để ra quyết định công nhận. Bản thoả thuận này sẽ được Toà án đề nghị nộp cùng với đơn đề nghị giải quyết ly hôn hoặc nộp sau khi Toà án thụ lý đơn nếu trong quá trình giải quyết ly hôn hai vợ chồng thoả thuận được với nhau về người nuôi con.

Trong trường hợp hai bên vợ chồng không thỏa thuận được, Tòa án sẽ ra quyết định giao con cho một bên nuôi dưỡng căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Pháp luật hôn nhân gia đình chưa đưa ra giải thích về cụm từ “quyền lợi về mọi mặt của con” và “lợi ích của con”. Tuy nhiên Điều 11.d Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (đã hết hiệu lực) nhấn mạnh phải lưu ý đến các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần. Bên đáp ứng càng nhiều điều kiện cho sự phát triển của con thì càng thuyết phục được Tòa án giao cho quyền nuôi con. Trên thực tế, Toà án sẽ dựa vào các yếu tố sau:

Điều kiện về tinh thần: thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, sự yêu thương, tình cảm đối với con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn,...của cha mẹ. Những vấn đề như rượu chè, cờ bạc, ngoại tình,...thời gian hạn chế sẽ là yếu tố gây trở ngại cho việc giành quyền trực tiếp nuôi con;

Điều kiện về vật chất: ăn ở, sinh hoạt, điều kiện học tập... dựa trên nguồn thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ. Đây sẽ là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc giành quyền trực tiếp nuôi con.

Trong trường hợp con từ đủ 07 tuổi trở lên thì Toà án phải xem xét nguyện vọng của con, con mong được ở cùng ai. Tuy nhiên, song song với việc xem xét nguyện vọng này, Toà án vẫn sẽ xem xét điều kiện chăm sóc con của cha, mẹ để ra quyết định về người trực tiếp nuôi con.

Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy, hiện nay pháp luật tôn trọng sự bình đẳng giữa hai vợ chồng về quyền nuôi con sau ly hôn mà không có sự phân biệt người khuyết tật hay không khuyết tật. Cha, mẹ là người khuyết tật vẫn có quyền nuôi con sau ly hôn nếu đáp ứng được những điều kiện chăm sóc, giáo dục con.

Thực trạng về quyền nuôi con sau ly hôn của người khuyết tật

Mặc dù Luật HNGĐ 2014 đã dành riêng một điều khoản quy định về quyền nuôi con sau ly hôn, nhưng trong thực tế việc thực hiện những quy định này vẫn gặp khó khăn. Pháp luật quy định Tòa án căn cứ vào việc ai là người có khả năng đáp ứng tốt nhất các quyền lợi của con, không có quy định căn cứ vào các nhược điểm về thể chất của cha hoặc mẹ để quyết định người nuôi con sau ly hôn.

Thực tế cho thấy những vụ tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn giữa hai vợ chồng trong đó một người là khuyết tật, thì Tòa án thường quyết định giao quyền nuôi con cho người không khuyết tật, với lý do sức khỏe của người khuyết tật không đảm bảo điều kiện trông nom, chăm sóc con (mặc dù họ có thể đảm bảo được tất cả các điều kiện con phát triển cả về thể chất và tinh thần). Trong quá trình tư vấn pháp luật cho người khuyết tật, Trung tâm ACDC gặp nhiều trường hợp người vợ là người khuyết tật vận động, nhưng lại có công việc ổn định, thu nhập cao hơn chồng, lại là người gần gũi, chăm lo cho các con chu đáo hơn chồng. Tuy nhiên khi ly hôn, người chồng viện cớ vợ không tiện đi lại, không thể chăm sóc tốt cho các con để giành quyền nuôi con. Nếu xét về điều kiện nuôi con, thì người vợ hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng các điều kiện cho sự phát triển của con, cả vật chất và tinh thần. Khi ra phán quyết, Tòa án lại căn cứ vào lý do người vợ bị khuyết tật vận động để giao quyền nuôi con cho người chồng.

[ Chị H ở Ninh Bình sau khi sinh con xong thì bị liệt 2 chân. Sau đó, người chồng ngoại tình và yêu cầu li dị khi con 2 tuổi. Toà án giải quyết cho chồng nuôi con mặc dù chị H vẫn có thu nhập hàng tháng đều đặn nhờ vào việc bán hàng và có đủ khả năng để chăm sóc con một cách tốt nhất. 4 ]

Có thể thấy việc pháp luật chưa có những hướng dẫn cụ thể có vấn đề này đang là một vướng mắc khiến cho Toà án gặp nhiều lúng túng trong quá trình xử lý các vụ tranh chấp nuôi con khi li hôn của người khuyết tật.

Kiến nghị cho quy định quyền nuôi con sau ly hôn của người khuyết tật

Việc căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, cũng như khả năng của cha hoặc mẹ đáp ứng được những điều kiện cho sự phát triển của con để ra quyết định về người có quyền nuôi con là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam vẫn còn cần làm rõ hơn một số yếu tố sau:

Thứ nhất, cần có một văn bản pháp luật liên tịch giữa Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) và một số Bộ như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế, Bộ Xây dựng...trong đó đưa ra hướng dẫn chi tiết về xác định những điều kiện cha mẹ cần đáp ứng để được giao quyền nuôi con và có thể cụ thể hóa bằng những tiêu chí như: tiền lương hoặc thu nhập mỗi tháng khoảng bao nhiêu, tiêu chí về nhà ở, thời gian dành cho con, những cơ sở vật chất có thể dành cho con,… Ngoài ra, TANDTC cũng cần có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ  đối với các Toà cấp dưới, nêu rõ tiêu chí nhược điểm về thể chất của cha hoặc mẹ không phải căn cứ Tòa quyết định người trực tiếp nuôi con (trên thực tế áp dụng pháp luật, tiêu chí này vẫn được Tòa án xem xét khi quyết định giao quyền nuôi con cho cha hoặc mẹ, mặc dù chưa được quy định chính thức trong bất cứ văn bản pháp luật nào). Điều này dẫn đến việc thực hiện khác nhau giữa các địa phương. Hơn nữa, Tòa án đang xác định theo hướng có lợi hơn cho người không khuyết tật, dẫn đến việc hạn chế người khuyết tật được trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung để làm rõ hành vi cản trở quyền nuôi con sau ly hôn của người khuyết tật là những hành vi nào, mức độ hành vi ra sao thì sẽ bị xử phạt hành chính trong Nghị định 144/2013/NĐ-CP ban hành ngày 29/10/2013 quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Việc quy định cụ thể sẽ giúp cho những người thực thi chính sách xử lý thích đáng các trường hợp vi phạm và đảm bảo được sự công bằng, tôn nghiêm của pháp luật, quan trọng hơn là đảm bảo được quyền nuôi con của người khuyết tật.

 ------------------------------------------------------------

1 Xem điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2013/NĐ-CP ban hành ngày 29/10/2013 quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em

2 Xem khoản 2 và 3 Điều 81 Luật Hôn nhân & Gia đình 2014.

3 Xem khoản 2 Điều 92 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000

4 Đây là một câu chuyện có thật, chúng tôi không công bố thông tin cá nhân của người khuyết tật để đảm bảo nguyên tắc bí mật thông tin cá nhân.