Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng tiền của người dân càng tăng cao. Tuy nhiên, nhiều người không lựa chọn vay vốn tại ngân hàng vì nhiều lý do như thủ tục rườm rà, không đủ điều kiện vay,... mà lựa chọn hình thức “vay nóng” của bạn bè, hàng xóm hoặc cơ sở vay vốn ngoài ngân hàng (sau này gọi là bên cho vay) và chấp nhận mức lãi suất do bên cho vay đưa ra. Vậy trong trường hợp nào việc cho vay – đi vay được coi là đúng quy định và trường hợp nào là trái với quy định của pháp luật?
Quy định của pháp luật về mức lãi suất cho vay
Khi sử dụng bất kỳ một khoản tín dụng nào, người vay cũng phải trả thêm một phần giá trị ngoài phần gốc vay ban đầu. Tỷ lệ phần trăm của phần tăng thêm này so với phần vốn vay ban đầu được gọi là lãi suất. Tỷ lệ lãi suất này do sự thoả thuận của bên vay và bên cho vay trong hợp đồng vay nhưng phải đảm bảo điều kiện không vượt mức lãi suất cho vay mà Nhà nước quy định.
Bộ luật Dân sự Việt Nam (BLDS) năm 1995 lần đầu quy định về lãi suất cho vay, theo đó, lãi suất vay không được vượt quá 50% của lãi suất cao nhất do Ngân hàng nhà nước quy định đối với loại cho vay tương ứng. Sau 10 năm triển khai thực hiện, các nhà làm luật nhận thấy quy định “vượt quá 50%” không còn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển và đặt ra yêu cầu sửa đổi cho phù hợp. Năm 2005 BLDS sửa đổi BLDS 1995 ban hành đã thay đổi mức lãi suất vay, quy định không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. Mức lãi suất tối đa phụ thuộc vào mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo từng thời kì để đảm bảo phù hợp với sự thay đổi của kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc quy định này gây khó khăn cho những người thực hiện, vì mức lãi suất cơ bản tối đa có thể thay đổi thường xuyên, trong khi nhiều người lựa chọn phương thức vay dài hạn, và áp dụng một mức lãi suất cố định cho toàn bộ khoản vay. Điều này có thể dẫn đến việc năm nay mức vay là phù hợp nhưng năm sau lại không phù hợp với quy định của BLDS hoặc ngược lại. Nhận thấy điều này, các nhà làm luật đã đưa vào quy định của BLDS năm 2015 (Điều 468) phương thức hoàn toàn mới, loại trừ sự phụ thuộc vào mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
Lãi suất tối đa trong các hợp đồng vay tài sản các bên được thỏa thuận theo BLDS năm 2015 không quá 20%/năm (tức 1,7%/tháng). Trong trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp không rõ hoặc có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật này tức là 10%/01 năm (0,83%/tháng). Ngoài ra, BLDS đã xây dựng một quy định mang tính linh hoạt “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” đã cho phép các Luật khác được điều chỉnh mức cho vay cao hơn so với mức vay tối đa quy định trong BLDS.
Mức lãi suất theo BLDS năm 2015 dễ hiểu, mang tính ổn định cao, có mục đích giảm thiểu sự chênh lệch về mức lãi suất trong các hợp đồng dân sự thông dụng với các hợp đồng tín dụng, bình đẳng hóa giữa các chủ thể khi tham gia vào các giao dịch vay tài sản. Việc cho vay với mức lãi suất vượt quá mức lãi suất được quy định trong BLDS gọi là cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cho vay nặng lãi cũng sẽ bị xử phạt, việc xử phạt này sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi để ra quyết định xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.
Chế tài xử phạt đối với trường hợp cho vay lãi nặng
Mặc dù pháp luật dân sự nâng cao yếu tố bình đẳng và sự thoả thuận của các bên trong ký kết hợp đồng vay tài sản, nhưng để đảm bảo không có đối tượng nào lợi dụng sự tự do thoả thuận để thu lợi bất chính, pháp luật Việt Nam thực hiện chính sách cấm hoặc hạn chế việc cho vay nặng lãi bằng các chế tài xử phạt.
Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính: Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động cho vay được quy định trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ban hành ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay. Quy định này dựa trên căn cứ tại BLDS 2005 về mức lãi suất quá hạn nhưng chỉ áp dụng đối với trường hợp cho vay không cầm cố tài sản, không xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay lãi suất quá hạn nếu không cầm cố tài sản. Quy định như vậy đã không còn phù hợp với chủ trương, chính sách của pháp luật dân sự năm 2015 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự: Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là một tội được quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự (BLHS) Việt Nam năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), theo đó: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.” Để bị truy cứu về tội cho vay lãi nặng đối với trường hợp chưa bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này mà đã được xoá án tích, phải đảm bảo các yếu tố:
- Mức lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS
- Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
Nếu trong giao dịch dân sự, người cho vay với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS nhưng thu lợi dưới 30.000.000 đồng thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Việc định mức tiền thu lợi từ hoạt động cho vay với lãi suất cao đã giải quyết được vướng mắc trong BLHS 1999 khi quy định định tính về “có tính chất chuyên bóc lột” hay “thu lợi bất chính lớn”, giúp cho các cơ quan tố tụng dễ dàng hơn trong việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, khi xử lý hình sự đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì cần phải lưu ý một số vấn đề để tránh “hình sự hoá quan hệ dân sự cho vay”:
- Giao dịch dân sự cho vay phải là giao dịch có hiệu lực pháp luật được quy định cụ thể trong BLDS 2015. Chỉ khi giao dịch dân sự có hiệu lực, bên vay phải thực hiện nghĩa vụ trả lãi suất cho bên cho vay thì mới được xem xét đến dấu hiệu tội phạm. Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu thì không cần xét đến yếu tố cấu thành tội này.
- Cần lưu ý đến hiệu lực đối với mức lãi suất theo thoả thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định trong BLDS. Một yếu tố cấu thành nên tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là phải thu được lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Nếu như đã xác định yếu tố vô hiệu của lãi suất vượt quá và người vay không trả theo mức lãi suất vô hiệu này thì sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
- Cần chú ý sự thay đổi trong quy định về lãi suất vay tối đa trong trường hợp luật khác có quy định khác (ví dụ Luật tổ chức tín dụng năm 2010) và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành quyết định điều chỉnh mức lãi suất.
Từ những phân tích trên có thể thấy: Hiện nay về cơ bản pháp luật Việt Nam đã quy định rõ những trường hợp được xem là cho vay nặng lãi và quy định chế tài tương ứng đối với những chủ thể có hành vi cho vay nặng lãi. Tuy nhiên để đảm bảo mọi tội phạm cho vay nặng lãi được phát hiện, xử lý kịp thời nhưng không gây oan sai hoặc bỏ lọt hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì Chính phủ cần sớm nghiên cứu ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 167/2013/NĐ-CP cho phù hợp với quy định hiện hành.
Đồng thời, đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao cần nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất để áp dụng khi giải quyết loại tội phạm về cho vay nặng lãi này.