Theo nghiên cứu phát triển hoà nhập, rào cản về thông tin truyền thông là một trong 04 rào cản lớn nhất (môi trường vật chất, nhận thức, thông tin truyền thông, chính sách pháp luật) khiến cho người khuyết tật khó hoà nhập với cộng đồng1. Việc tăng cường tiếp cận thông tin sẽ giúp cho không chỉ người khuyết tật mà cả cộng đồng được nâng cao nhận thức, từ đó sẽ có những thay đổi về thái độ, hành vi đối với người khuyết tật, góp phần bảo đảm sự tham gia trọn vẹn của người khuyết tật vào cộng đồng.
Người khuyết tật gặp khó khăn như thế nào để tiếp cận thông tin?
Tại Việt Nam hiện nay, người khuyết tật đang gặp rất nhiều rào cản trong việc tiếp cận thông tin đặc biệt là đối với dạng khuyết tật nghe – nói và khuyết tật nhìn.
Với người khuyết tật nhìn, chương trình phát sóng hiện nay thiếu định hướng thị giác về hình ảnh phát sóng, thiếu giao tiếp bằng lời nói và thường chỉ chú trọng tới hình ảnh2. Nhiều địa phương ở các vùng sâu vùng xa loa phát thanh không phát được đến nhà người dân, hoặc không phát các thông tin đến người khuyết tật thông qua loa, có nơi tuyên truyền thông qua sách, sổ tay, tờ rơi bằng chữ in thường3... Với người khuyết tật nghe – nói, việc truyền tải thông tin đến họ còn khó khăn hơn rất nhiều. Theo như thông tin do người điếc cung cấp, ngôn ngữ kí hiệu là ngôn ngữ quan trọng nhất để họ có thể hiểu được những thông tin mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn truyền tải. Tuy nhiên, hiện nay thông tin đang cung cấp đến cho người điếc chủ yếu là từ ti vi, loa, đài, không phù hợp với khả năng tiếp cận thông tin của họ. Hiện tại, chỉ có 2 kênh VTV2 (phát lúc 22h) và HTV9 đã có phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu trong khi có tới hơn 300 kênh phát thanh, truyền hình phát sóng hàng ngày. Tất cả những vấn đề này đều hạn chế sự tiếp cận thông tin của người khuyết tật nghe nói.
Nhiều thông tin không được công khai khiến cho người khuyết tật khó nắm bắt để thực hiện quyền giám sát của mình. Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước trở nên lạc hậu khi quy định mang tính “quá chặt chẽ” trong việc cung cấp thông tin, nhiều thông tin cần công khai minh bạch nhưng bị liệt vào dạng tài liệu mật ở các cấp độ khác nhau. Vấn đề này gây khó khăn nhất định cho cả người khuyết tật lẫn người không khuyết tật trong quá trình tiếp cận những thông tin liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Việt Nam và thế giới đều công nhận sự đa dạng của người khuyết tật, và sự khó khăn nhất định của mỗi dạng khuyết tật khác nhau khi tiếp cận đến các thông tin truyền thông và việc cung cấp mọi thông tin một cách công khai minh bạch cũng đảm bảo được những quyền tự do cơ bản của mỗi người. Vì vậy, sự thay đổi linh hoạt trong việc truyền tải thông tin đến với người khuyết tật, việc cung cấp đầy đủ thông tin là vô cùng cần thiết, và là một vấn đề cấp thiết đặt ra cho mỗi quốc gia sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp với pháp luật thế giới, thực tiễn. Từ những thực tế đó, pháp luật Việt Nam đã có những thay đổi để giải quyết các vấn đề trên.
Pháp luật quy định như thế nào về quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật?
Năm 2007, Việt Nam ký kết tham gia Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) đã khẳng định được xu hướng thay đổi của Nhà nước về hình ảnh người khuyết tật, nhận thấy được tầm quan trọng của việc hoà nhập cộng đồng của người khuyết tật. Ngay trong Lời nói đầu CRPD đã nhấn mạnh: “Thừa nhận tầm quan trọng của việc tiếp cận với môi trường thể chất, xã hội, kinh tế và văn hóa, với y tế, giáo dục và thông tin liên lạc trong việc giúp người khuyết tật hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người.” Việc đảm bảo tiếp cận thông tin của người khuyết tật chính là đảm bảo cho họ hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của con người.
Tuy nhiên, khi Luật người khuyết tật năm 2010 ban hành lại không nhắc đến quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật, mà chỉ nhắc đến quyền tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông. Về bản chất, công nghệ thông tin được xem là công cụ hiện đại để truyền tải thông tin, còn nội dung thông tin mới là “cái ruột” mà con người hướng đến. Luật người khuyết tật năm 2010 chưa đề cập đến quyền của người khuyết tật được tiếp cận với nội dung thông tin cần được công bố công khai, minh bạch theo pháp luật. Đây chính là một trong những điểm còn hạn chế trong quy định của Luật người khuyết tật 2010, chưa đảm bảo được đúng tinh thần của Công ước CRPD.
Quyền tiếp cận thông tin pháp luật đối với người khuyết tật ở Việt Nam đã bước đầu được khẳng định tại Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012. Theo đó người khuyết tật được xác định là một trong các đối tượng đặc thù cần được đảm bảo quyền được tiếp cận các thông tin văn bản pháp luật có liên quan theo những hình thức, phương thức, phương tiện, tài liệu phù hợp với từng loại đối tượng (Điều 20).
Đặc biệt Luật tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 (có hiệu lực vào ngày 01/07/2018) đã đề cập tương đối toàn diện đến quyền tiếp cận thông tin của các tổ chức, cá nhân, trong đó nhấn mạnh: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật,...thực hiện quyền tiếp cận thông tin.” Với quan điểm này, Nhà nước đang khẳng định những nỗ lực trong việc tạo ra một hành lang pháp lý để người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, thông qua việc tạo cho họ quyền chủ động trong việc tiếp cận thông tin bằng những hình thức phù hợp với chính dạng tật và mức độ khuyết tật của họ. Nghị định số 13/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin đã có riêng Điều 3 quy định việc cung cấp thông tin cho người khuyết tật sao cho phù hợp với khả năng tiếp cận và điều kiện thực tế của các cơ quan dưới các hình thức như: đăng thông tin trên Trang thông tin điện tử; bố trí thiết bị nghe, nhìn và các thiết bị phụ trợ phù hợp với dạng và mức độ khuyết tật; bố trí cán bộ, công chức hướng dẫn, giải thích và giúp đỡ người khuyết tật gặp khó khăn trong việc điền Phiếu, ký Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin,... Việc thay đổi linh hoạt trong hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận thông tin là cần thiết để đảm bảo yếu tố đa dạng của người khuyết tật. Ngoài ra, việc quy định về lồng ghép các kiến thức, kinh nghiệm cung cấp thông tin đối với người khuyết tật trong các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn cho bộ phận đầu mối và cán bộ, công chức đầu mối cung cấp thông tin của cơ quan là vô cùng cần thiết và đúng đắn. Như vậy, pháp luật Việt Nam đã dần dần từng bước, từng bước đi đến mục tiêu đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cho người khuyết tật theo đúng cam kết đã ký phê duyệt khi tham gia CRPD.
Tuy nhiên, với thực tế hiện nay người khuyết tật còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận thông tin truyền thông thì còn cần nhiều hơn nữa sự thay đổi của Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương về quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật.
Làm thế nào để người khuyết tật tiếp cận thông tin một cách tốt nhất?
Quyền tiếp cận thông tin cần được ghi nhận trong Luật người khuyết tật: Bên cạnh Luật tiếp cận thông tin, Luật người khuyết tật cần khẳng định rõ chính sách: “Người khuyết tật có quyền tiếp cận với những nội dung thông tin liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ và những thông tin hợp pháp khác theo quy định của pháp luật tiếp cận thông tin và pháp luật khác có liên quan.” Khi làm được điều này thì mới thực sự đảm bảo được đúng quyền và lợi ích của người khuyết tật, đồng thời sẽ tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành trong việc đảm bảo sự tiếp cận của người khuyết tật với các thông tin. Sự điều chỉnh trong Luật người khuyết tật cũng sẽ đảm bảo tính tương thích giữa các luật và đảm bảo được cam kết khi Việt Nam gia nhập CRPD.
Tăng cường các điều kiện đảm bảo thi hành Luật tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này, đồng thời cần xây dựng Kế hoạch cụ thể cho hoạt động này. Luật tiếp cận thông tin đang dừng lại ở việc quy định chính sách. Tuy nhiên, điều kiện đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận thông tin của NKT đó phần nào lại bị “phụ thuộc” vào “điều kiện thực tế của cơ quan” (về điểm này Điều 3 của Nghị định 13/2018/NĐ-CP chưa thể hiện đầy đủ tinh thần tại khoản 3, Điều 18 của Luật). Vẫn biết rằng khi xây dựng một trang thông tin điện tử tiếp cận cho người khuyết tật nghe – nói, khuyết tật nhìn cần phải có kinh phí xây dựng, tuy nhiên, đây nên là một vấn đề mà Nhà nước cần nhìn nhận, hướng tới và giải quyết triệt để trong tương lai. Các cơ quan cần có trách nhiệm thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật và Nhà nước cũng có trách nhiệm đảm bảo quyền này được thực hiện đầy đủ. Do đó, việc xây dựng lộ trình/chiến lược về xây dựng Trang thông tin điện tử tiếp cận với người khuyết tật của cơ quan; tăng cường kĩ năng hướng dẫn, biết ngôn ngữ ký hội đối với từng dạng khuyết tật của cán bộ đầu mối cung cấp thông tin, cung cấp tài liệu in bằng chữ nổi là một hoạt động thiết thực nhất tại thời điểm hiện nay, đặc biệt khi Luật tiếp cận thông tin đã có hiệu lực thi hành.
Cần có các biện pháp chế tài đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân cản trở quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật. Khi quyền này được thực hiện, tức là sẽ có nghĩa vụ đối với bên cung cấp thông tin. Như vậy, trong trường hợp chủ thể có nghĩa vụ lại không thực hiện thì sẽ phải có chế tài xử phạt hoặc kỷ luật hành chính. Việc xây dựng chế tài luôn đảm bảo việc thực thi có hiệu quả, chất lượng hơn.
1.CBM - Cẩm nang hoà nhập khuyết tật – NXB Hồng Đức năm 2015
3. Thông tin có được qua nhiều cuộc khảo sát của Trung tâm ACDC tại một số tỉnh miền núi