Câu hỏi: Hiện nay tôi có tìm hiểu, được biết rằng nhà nước có chính sách để các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân như: Chính phủ; Bộ, cơ quan ngang bộ; Ủy ban nhân dân các cấp; Các cơ quan của Quốc hội; Hội đồng nhân dân các cấp; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân,... Các cơ quan trên có trách nhiệm đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, cũng như giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Vậy pháp luật có quy định những trường hợp được phép từ chối tiếp công dân không hay tất cả các trường hợp đều bắt buộc phải tiếp công dân? Nếu được phép từ chối thì trình tự thủ tục như thế nào? Cảm ơn đã tư vấn!
Phòng Luật - ACDC tư vấn:
Mục đích của việc tiếp công là hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy định pháp luật, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước để xem xét, ra quyết định giải quyết khiếu nại; kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý tố cáo; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh; trả lời cho công dân biết theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo Điều 9 Luật Tiếp công dân năm 2013 quy định người tiếp công dân được từ chối tiếp người đến nơi tiếp công dân trong các trường hợp sau đây:
- Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
- Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân;
- Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài;
- Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, không phải tất cả các trường hợp đều bắt buộc phải tiếp công dân, nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì người tiếp công dân có quyền từ chối.
Việc từ chối tiếp công dân được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư 06/2014/TT-TTCP quy định quy trình tiếp công dân do Thanh tra Chính phủ ban hành, theo đó:
- Người tiếp công dân được quyền từ chối tiếp khi công dân vi phạm các quy định nhưng phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp.
- Đối với những vụ, việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng công dân vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài thì người tiếp công dân ra Thông báo từ chối tiếp công dân, thực hiện theo Mẫu số 01-TCD ban hành kèm theo Thông tư 06/2014/TT-TTCP.
----------------------------------------------------------------------------------------------
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.