Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Một số vướng mắc trong thủ tục tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

  • Thực hiện: Administrator
  • 04/01/2017

Chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ nhận ra và sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh để trở thành công dân có ích cho xã hội. Chính vì vậy, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định thành một chương riêng (Chương XXXII) trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 nhằm đảm bảo thủ tục tố tụng quy định phù hợp với lứa tuổi này[1]. Đây là một thủ tục tố tụng đặc biệt, khi tiến hành tố tụng, cần lưu ý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi, hết sức cẩn trọng và tỉ mỉ, tránh làm tổn thương họ và tạo điều kiện để họ có thái độ hợp tác trong tố tụng. Trong những năm gần đây, vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được đề cao và được các cơ quan tiến hành tố tụng nghiêm chỉnh chấp hành.

Trải qua hơn 10 năm thi hành, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã đạt được những thành tựu đáng kể. Mặc dù vậy, đứng trước yêu cầu đổi mới, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung toàn diện để bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phạm tội được khách quan, chính xác, nhân đạo hơn, thể hiện đúng đắn chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội trong tình hình mới[2]. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 cũng dành riêng Chương XXVIII với tên gọi Thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Về cơ bản đã có những sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi) phạm tội, phù hợp, thống nhất với các quy định của Bộ luật hình sự về xử lý trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, đáp ứng tốt các yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trên cơ sở thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về thủ tục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, theo chúng tôi còn những điểm vướng mắc mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa giải quyết được, vẫn còn một số điểm chưa chính xác, hợp lý, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Mặt khác, người dưới 18 tuổi có thể là bị hại, người làm chứng, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ phân tích những vướng mắc trong thủ tục tố tụng với người dưới 18 tuổi khi họ tham gia tố tụng với tư cách là bị can, bị cáo, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng tố tụng trong quá trình giải quyết loại án này.

1. Giai đoạn điều tra vụ án, truy tố

Thứ nhất, về người tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi[3]

Để việc điều tra vụ án hình sự có bị can là người dưới 18 tuổi thực sự hiệu quả thì Điều tra viên ngoài chuyên môn nghiệp vụ phải có hiểu biết về tâm sinh lí học, khoa học giáo dục về người dưới 18 tuổi. Tại Điều 415 Bộ luật Tố tụng năm 2015 quy định người tiến hành tố tụng phải có hiểu biết cần thiết về người dưới 18 tuổi nhưng như thế nào là “cần thiết”, là đủ để có thể giải quyết vụ án thì còn rất chung chung, mơ hồ. Trên thực tế, việc phân công cán bộ điều tra vụ án của cơ quan điều tra hầu như không có sự phân biệt giữa vụ án có người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi với người đã đủ 18 tuổi. Trong quá trình điều tra, điều tra viên thường chỉ tập trung làm rõ hành vi phạm tội mà không chú ý đến việc điều tra về nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội cũng như vấn đề nhân thân, điều kiện giáo dục của nhà trường dẫn đến tình trạng điều tra viên mặc nhiên coi bị can là đối tượng xấu nên đã miệt thị, quát mắng thậm chí đe doạ, đánh đập bị can. Thực tiễn này đòi hỏi cần có quy định cụ thể về tiêu chuẩn của điều tra viên khi tiến hành tố tụng với người dưới 18 tuổi, bao gồm cả chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức tâm lý, khoa học giáo dục với người dưới 18 tuổi. Khi phân công cán bộ điều tra trong vụ án mà bị can là người dưới 18 tuổi, cơ quan điều tra cần phân công những cán bộ thực sự có hiểu biết về tâm sinh lí, có kiến thức khoa học về độ tuổi này để bị can không bị áp lực hay căng thẳng ngay từ giai đoạn điều tra vụ án.

Mặt khác, người tiến hành tố tụng bao gồm: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, điều tra viên, cán bộ điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, kiểm sát viên, kiểm tra viên; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, thẩm phán, hội thẩm, thư ký Tòa án, thẩm tra viên[4]. Theo chúng tôi, việc bổ sung chủ thể theo quy định của Điều 415 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là chưa đầy đủ, khi giải quyết các vụ án có người chưa thành niên, còn có thể có sự tham gia của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Để đầy đủ, bao quát hơn, phải thay cụm từ “người tiến thành tố tụng” thành “người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.

Thứ hai, quy định việc bắt quả tang người dưới 18 tuổi phạm tội

Quy định như khoản 2, 3 Điều 419 là rất khó thực hiện trên thực tế[5]. Bởi người có thẩm quyền bắt người phạm tội quả tang rất khó để xác định tuổi cũng như loại tội phạm tại thời điểm bắt người[6]. Nếu chờ có đủ các căn cứ quy định tại khoản 2, 3 Điều 419 thì quy định về việc bắt người dưới 18 tuội phạm tội quả tang sẽ mất đi ý nghĩa. Do đó, chúng tôi kiến nghị bỏ quy định về các điều kiện áp dụng biện pháp bắt quả tang tại điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Thứ ba, việc hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định tại khoản 2 Điều 421: “Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ” và cần bổ sung thêm nếu người bào chữa, người đại diện vắng mặt thì việc hỏi cung phải bị hoãn trừ trường hợp họ cố tình trốn tránh. Như vậy sẽ đảm bảo thủ tục tố tụng được chặt chẽ, bảo vệ được tối đa quyền lợi của bị can là người dưới 18 tuổi. Trong giai đoạn điều tra, bị can rất cần đến sự hiện diện và trợ giúp của người bào chữa ở những thời điểm như khi nhận tống đạt quyết định khởi tố bị can, khi bị hỏi cung lần đầu tiên, khi bị can có lời khai nhận tội, khi bị bắt giam, bị khám xét…[7]. Cùng với việc quy định bắt buộc phải có mặt người bào chữa, người đại diện của người dưới 18 tuổi phạm tội cần quy định rõ cách xử lý khi những chủ thể này vắng mặt, nếu chủ thể này vắng mặt thì việc hỏi cung sẽ bị hoãn.

Tại khoản 5 Điều 421 quy định “Thời gian hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi không quá 02 lần trong một ngày và mỗi lần không quá 02 giờ”, quy định này là tương đối chặt chẽ nhưng cần bổ sung giữa hai lần hỏi cung phải cách nhau ít nhất hai giờ để tránh tình trạng điều tra viên hỏi cung liên tục thông qua giờ trưa, bỏ đói bị can làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tinh thần của họ. Ngoài ra, có một hạn chế lớn tại nhiều cơ quan điều tra vẫn chưa khắc phục được, đó là cơ sở vật chất phục vụ cho việc hỏi cung, cụ thể là phòng hỏi cung hầu như đến thời điểm hiện tại người dưới 18 tuổi vẫn bị hỏi cung ở các phòng chung với người đã đủ 18 tuổi. Việc bài trí phòng hỏi cung sao cho phù hợp cũng rất quan trọng. Người dưới 18 tuổi rất dễ có tâm lý sợ sệt, hoang mang cùng với không khí hỏi cung sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc khai báo của người dưới 18 tuổi.

Theo đó, Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần được bổ sung như sau:

“Điều 421. Lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng; hỏi cung bị can; đối chất

………………………..

2. Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải có người bào chữa, người đại diện.

Việc lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền lợi của họ tham dự.

Nếu người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền lợi vắng mặt có lí do chính đáng thì việc hỏi cung, lấy lời khai phải bị hoãn.

5. Thời gian hỏi cung đối với bị can là người dưới 18 tuổi không quá 02 lần trong một ngày, mỗi lần không quá 02 giờ và khoảng cách tối thiểu giữa hai lần hỏi cung là 02 giờ.”

Thứ tư, về thời hạn điều tra vụ án mà bị can là người dưới 18 tuổi 

Từ các quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cho thấy rõ ràng mức độ trách nhiệm hình sự mà người dưới 18 tuổi phải chịu thấp hơn nhiều so với người đã đủ 18 tuổi nhưng thời hạn điều tra vụ án thì vẫn ngang nhau. Một điểm rất tiến bộ của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đó là quy định giảm thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi chỉ còn hai phần ba thời hạn đối với người đã đủ 18 tuổi, do đó cũng cần giảm cả thời hạn điều tra vụ án. Công ước về quyền trẻ em năm 1989 ghi nhận: “Không trẻ em nào bị tước quyền tự do một cách bất hợp pháp hoặc tuỳ tiện. Việc bắt, giam giữ hoặc bỏ tù trẻ em phải được tiến hành theo pháp luật và chỉ dược dùng như biện pháp cuối cùng và trong thời hạn thích hợp ngắn nhất”[8]. Cần có căn cứ pháp lý cụ thể quy định về thời hạn tố tụng với người dưới 18 tuổi ngắn hơn người đã đủ 18 tuổi để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của họ và cũng để cơ quan điều tra không trì hoãn nhiều lần việc giải quyết vụ án với người dưới 18 tuổi. Theo quan điểm của chúng tôi, cần rút ngắn thời hạn này, và có quy định hạn chế việc gia hạn điều tra nhiều lần, đảm bảo vụ án phải được giải quyết nhanh chóng mà vẫn đảm bảo tính chính xác, khách quan.

2. Trong giai doạn xét xử

Thứ nhất, về thành phần hội đồng xét xử sơ thẩm

Khoản 1 Điều 423 quy định: “Thành phần hội đồng xét xử sơ thẩm phải có một hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi”. Theo đó, hội thẩm bắt buộc phải thoả mãn hai điều kiện: Một là phải là hội thẩm do hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, hai là phải đồng thời là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên. Nhưng điều luật không quy định cụ thể tại thời điểm thành lập hội đồng xét xử hay tại thời điểm xét xử có bắt buộc hội thẩm là giáo viên hay cán bộ Đoàn hay không. Nếu tại thời điểm bầu hội thẩm, người đó còn là giáo viên, cán bộ Đoàn nhưng đến khi xét xử họ không còn đảm đương công việc như vậy thì có được chấp nhận hay không. Những năm qua, theo hướng dẫn của Thông tư 01/2011 thì chỉ cần hội thẩm đó đang hoặc đã từng là giáo viên, cán bộ Đoàn. Tuy nhiên, nếu tại thời điểm xét xử họ đã chuyển sang công tác khác thì cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của vụ án. Mặt khác, thực tế cho thấy khi tham gia Hội đồng xét xử, Hội thẩm thường nghiên cứu hồ sơ rất muộn, họ không quan tâm vụ án có bị cáo là người dưới 18 tuổi hay không. Ra đến phiên toà, thẩm phán thường là người hỏi chính còn hội thẩm ít tham gia xét hỏi, có chăng thường lặp lại những nội dung mà trước đó thẩm phán đã hỏi. Đến khi ra bản án, hội thẩm phụ thuộc rất nhiều vào phán quyết của thẩm phán. Hầu hết các hội thẩm đều kiêm nhiệm những vị trí khác trong cơ quan nhà nước, họ không thực sự có chuyên môn về pháp luật nên rất khó đưa ra được ý kiến độc lập. Từ đó thấy được bản thân hội thẩm còn bộc lộ nhiều thiếu sót, không thể hiện được đúng vai trò của mình. Họ không thể hiện được mình là người có kiến thức về tâm sinh lí, khoa học giáo dục người dưới 18 tuổi nên càng khó bảo vệ quyền, lợi ích của người dưới 18 tuổi và thực sự khiến họ ăn năn hối cải, sửa chữa sai lầm.

Thẩm phán là người có vai trò hết sức quan trọng trong phiên xét xử, phong cách làm việc của thẩm phán trước toà cũng có tác động rất lớn đến bị cáo là người dưới 18 tuổi. Thực tế, phần lớn thẩm phán khi tiến hành xét xử những vụ án mà bị cáo là người dưới 18 tuổi không khác gì với xét xử người đã đủ 18 tuổi, còn sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên môn thiếu gần gũi, không giải thích cho bị cáo hiểu dẫn đến bị cáo cảm thấy sợ sệt không khai báo hoặc có những phản ứng tiêu cực khác ảnh hưởng đến việc xác minh sự thật của vụ án. Nhìn từ góc độ pháp lý, quy định tại khoản 1 Điều 423 là rất phù hợp nhưng trên thực tế lại không đòi hỏi phải chứng minh sự bắt buộc đó về thành phần hội đồng xét xử dẫn đến tình trạng tại nhiều phiên toà không hề có hội thẩm là giáo viên hay cán bộ đoàn, toà án cấp sơ thẩm lại thể hiện trong bản án là có. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng việc xét xử, xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi của bị cáo là người dưới 18 tuổi.

Theo ý kiến của tác giả, cũng cần có những hướng dẫn cụ thể về mức độ hiểu biết cũng như kinh nghiệm của hội thẩm khi tham gia xét xử để bảo vệ được tốt nhất quyền lợi của bị cáo. Khi Toà gia đình và người dưới 18 tuổi đi vào hoạt động, cần có cách bài trí, sắp xếp sao cho phù hợp, thân thiện. Nên bố trí phòng xử án như phòng họp, chủ thể tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng được sắp xếp ở những vị trí ngồi ngang bằng nhau, không để bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa. Trong quá trình xét xử, hội đồng xét xử nên dùng những từ ngữ dễ hiểu và phải thường xuyên giải thích cho bị cáo hiểu về các quy định của pháp luật cũng như mức độ nguy hiểm do hành vi phạm tội của mình gây ra. Nên quy định xét xử kín là một thủ tục bắt buộc trong trường hợp bị cáo là người dưới 18 tuổi, có như vậy mới tránh được tâm lý quá nặng nề, xấu hổ, tội lỗi cho bị cáo. Bên cạnh đó, Ngành Toà án cũng cần thường xuyên tổ chức những lớp bồi dưỡng thêm cho thẩm phán và hội thẩm về tâm sinh lí, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi để họ thực sự cảm thông và cảm hoá được người dưới 18 tuổi có hành vi phạm tội.

Thứ hai, quy định về trường hợp được xét xử kín 

“Trong trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì Toà án có thể quyết định xét xử kín”. Toà án có quyền xét xử kín nhưng chưa thực sự cụ thể các trường hợp đó dẫn đến thực tế việc xét xử kín bị cáo là người dưới 18 tuổi được áp dụng không thống nhất, các phiên xét xử của toà án hầu hết là công khai, nhiều vụ án còn được xử lưu động. Người dân và phóng viên báo chí được tự do vào dự, viết bào đưa tin về nội dung vụ án, nêu rõ danh tính bị cáo, kể cả những vụ án xâm hại tình dục mà bị báo, bị hại đều là người dưới 18 tuổi. Điều này để lại tác động rất xấu đến sự phát triển sau này của họ, khiến họ mang nặng cảm giác xấu hổ và bị kì thị.

Thứ ba, việc bài trí trong phòng xử án còn chưa thực sự phù hợp với bị cáo là người dưới 18 tuổi 

Bị cáo vẫn phải đứng trước vành móng ngựa, đối diện với hội đồng xét xử khiến tâm lý bị căng thẳng, lo lắng. Ngoài ra, thực tiễn vẫn còn những vụ án xét xử người dưới 18 tuổi mà không có mặt người đại diện của họ. Họ vắng mặt có lý do chính đáng nhưng phiên xét xử vẫn tiến hành mà không bị hoãn. Đây là vi phạm pháp luật nghiêm trọng trên thực tế và cần sớm được khắc phục.  

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã được sửa đổi một cách toàn diện và tổng thể, bổ sung thêm nhiều quy định mới rất đáng ghi nhận trong đó có quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi mới bước đầu phân tích một số vướng mắc trên cơ sở nhìn lại thực tiễn công tác áp dụng pháp luật trong những năm vừa qua. Việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015  hướng đến mục đích giải quyết được triệt để các vụ án có liên quan đến người dưới 18 tuổi, nhất là khi họ đóng vai trò là bị can, bị cáo nhưng mục đích cuối cùng không phải nhằm trừng trị họ mà nhằm giáo dục, cải tạo họ trở thành công dân có ích cho xã hội và giảm số lượng vụ án mà người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi./.

ThS. Nguyễn Thị Lan Anh

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

 ________________________________________

[1]. Vũ Văn Hùng, Huỳnh Thị Kim Ánh, “Hoàn thiện các quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự hiện hành về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 12 năm 2013.

[2]. PGS.TS Nguyễn Hòa Bình (Chủ biên), “Những nội dung mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015”, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2016.

[3] Điều 415 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

[4]. Xem Điều 34 Bộ luật tố Tụng hình sự năm 2015.

[5] Điều 419… “2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này; 3. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định tại các Điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này”.

[6]. Vũ Văn Hùng, Huỳnh Thị Kim Ánh, “Hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 12/2013.

[7]. Nguyễn Thái Phúc, “Sự tham gia bắt buộc của người bào chữa trong tố tụng hình sự”, Tạp chí khoa học pháp lí, số 4/2007, tr. 41. 

[8] Xem Điểm b Điều 37 Công ước về quyền trẻ em năm 1989

Link bài viết:

http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=414