Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Thời giờ làm việc của người lao động là người khuyết tật

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 10/09/2020

Câu hỏi: Cho tôi hỏi lao động là người khuyết tật có được rút ngắn thời giờ làm việc so với người lao động khác hay không?

Phòng Luật Trung tâm ACDC tư vấn:

1. Thời giờ làm việc bình thường:

Theo khoản 2 Điều 178 Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động không được phép sử dụng lao động là người khuyết tật làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

Đối với các công việc bình thường không thuộc những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại trên đây, hiện nay, Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định về rút ngắn thời giờ làm việc bình thường cho người lao động là người khuyết tật. Người lao động là người khuyết tật bình đẳng với những người lao động khác về thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật.

Thời giờ làm việc bình thường tối đa làm việc trong một ngày và trong một tuần của người khuyết tật cũng như những người lao động khác được thực hiện theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2012. Theo đó:

- Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

- Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần.

- Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

Như vậy, về mặt nguyên tắc, pháp luật lao động hiện hành không có quy định về việc rút ngắn thời giờ làm việc cho người lao động là người khuyết tật. Việc người lao động là người khuyết tật được rút ngắn thời giờ làm việc so với quy định pháp luật phụ thuộc vào chính sách của người sử dụng lao động trong việc sử dụng lao động là người khuyết tật.

2. Giờ làm việc ban đêm, làm thêm giờ:

Căn cứ vào Điều 106Khoản 1 Điều 178 Bộ luật Lao động năm 2012, giờ làm việc ban đêm và làm thêm giờ của người lao động là người khuyết tật được quy định như sau:

- Giờ làm việc ban đêm: Người sử dụng lao động không được phép sử dụng lao động là người khuyết tật suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm việc vào ban đêm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau (Điều 105, Khoản 1 Điều 178 Bộ luật Lao động năm 2012).

- Làm thêm giờ:

+ Người sử dụng lao động không được phép sử dụng lao động là người khuyết tật suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ (Khoản 1 Điều 178 Bộ luật Lao động năm 2012).

+ Đối với người lao động là người khuyết tật suy giảm khả năng lao động dưới 51%, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động là người khuyết tật làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: (1) Được sự đồng ý của người lao động; (2) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm; (3) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ (Khoản 2 Điều 106 Bộ luật Lao động năm 2012).

----------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:

Hotline: 024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage Facebook: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.