Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Hình thức tư vấn pháp luật trong trợ giúp pháp lý

  • Thực hiện: Mỹ Hạnh
  • 08/05/2020

Câu hỏi: Tôi là người khuyết tật nặng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Vừa rồi tôi có ra Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh A để đề nghị được tư vấn về đất đai thì họ hẹn tôi 30 ngày sau quay lại. Xin hỏi pháp luật có quy định nào về thời gian trả lời yêu cầu trợ giúp trong trường hợp này không? 

Phòng Luật Trung tâm ACDC tư vấn:

Căn cứ theo khoản 2 Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định 3 hình thức trợ giúp pháp lý, trong đó có: Tư vấn pháp luật.

Cụ thể hơn, với hình thức tư vấn pháp luật được quy định tại Điều 32 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 như sau:

“1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc.

2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ việc hoặc nhận đủ các giấy tờ, tài liệu cần bổ sung, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho người được trợ giúp pháp lý; đối với vụ việc phức tạp hoặc cần có thời gian để xác minh thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người được trợ giúp pháp lý.

Trường hợp yêu cầu trợ giúp pháp lý là vướng mắc pháp luật đơn giản thì người tiếp nhận hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật ngay cho người được trợ giúp pháp lý.”.

Như vậy, tùy thuộc vào mức độ của yêu cầu trợ giúp pháp lý theo hình thức tư vấn pháp luật thì pháp luật có quy định về thời gian người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho người được trợ giúp pháp lý như quy định trên.