Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Hoãn chấp hành hình phạt tù trong những trường hợp nào?

  • Thực hiện: Mỹ Hạnh
  • 16/04/2020

Câu hỏi: Tôi muốn hỏi có trường hợp nào người phải chấp hành hình phạt tù được hoãn chấp hành hình phạt tù không?

Phòng Luật Trung tâm ACDC tư vấn:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Bộ luật hình sự 2015 thì người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:

“1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:

a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;

b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;

c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm”. 

Lưu ý: theo điểm a, c, d khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 về phân loại tội phạm như sau:

 “a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”