Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Áp dụng chế độ tài sản thỏa thuận trong giải quyết việc chấm dứt quan hệ tài sản giữa vợ và chồng

  • Thực hiện: Đoàn Thị Phương Diệp
  • 29/09/2016

Chế độ tài sản (CĐTS) thỏa thuận đã từng tồn tại trong lịch sử lập pháp của Việt Nam thời cận đại với tên gọi “Hợp đồng hôn nhân” hay “khế ước hôn nhân”- hôn khế[1]. Thuật ngữ này không còn xuất hiện trong các Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HN&GĐ) Việt Nam năm 1959, 1986, 2000. Luật HN&GĐ năm 2014 ghi nhận sự trở lại của CĐTS này với một số quy định. Mặc dù chỉ dừng lại ở một số lượng khiêm tốn, song các nhà làm luật Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến việc áp dụng CĐTS thỏa thuận trong việc giải quyết hậu quả pháp lý của việc chấm dứt quan hệ tài sản (QHTS) của vợ chồng. Bài viết trả lời hai câu hỏi: Thứ nhất, thế nào là CĐTS thỏa thuận giữa vợ và chồng? và thứ hai, vấn đề áp dụng CĐTS thỏa thuận trong giải quyết hậu quả pháp lý của việc chấm dứt QHTS giữa vợ và chồng như thế nào?

1. Chế độ tài sản thỏa thuận giữa vợ và chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

CĐTS giữa vợ chồng là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh về (sở hữu) tài sản của vợ chồng, bao gồm các quy định về căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng, các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản giữa vợ và chồng[2]

CĐTS pháp định (CĐTS theo luật định) là CĐTS duy nhất được pháp luật Việt Nam thừa nhận cả trong Luật HN&GĐ Việt Nam năm 1959, 1987 và Luật năm 2000; vợ chồng không thể thỏa thuận để xác lập một CĐTS trong hôn nhân khác với CĐTS pháp định. Luật HN&GĐ năm 2014 với hàng loạt những thay đổi quan trọng, mà sự thay đổi có thể nói mang tính cách mạng nhất là sự ghi nhận CĐTS thỏa thuận.

CĐTS thỏa thuận (hay còn gọi là CĐTS ước định), là tập hợp các quy tắc do chính vợ, chồng xây dựng nên một cách hệ thống trên cơ sở sự cho phép của pháp luật để thay thế cho CĐTS luật định nhằm điều chỉnh QHTS của vợ chồng. Các quy định về CĐTS thỏa thuận của vợ chồng hiện nay khá khiêm tốn, chỉ gói gọn trong các Điều 47, 48, 49, 50 và 59 Luật HN&GĐ năm 2014. Ngoài ra, CĐTS này cũng được hướng dẫn bởi 4 điều (Điều 15, 16, 17, 18) của Nghị định số 126/CP của Chính phủ ban hành ngày 31/12/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HN&GĐ năm 2014 và một số hướng dẫn cụ thể trong Thông tư liên tịch số 01/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật HN&GĐ năm 2014. Các quy định này đề cập đến các khía cạnh của CĐTS thỏa thuận (như: việc xác lập CĐTS, sửa đổi CĐTS, tuyên bố vô hiệu và chấm dứt CĐTS).

2. Áp dụng chế độ tài sản thỏa thuận trong giải quyết hậu quả pháp lý của việc chấm dứt quan hệ tài sản giữa vợ và chồng

2.1. Tuyên bố vô hiệu chế độ tài sản thỏa thuận

2.1.1. Các trường hợp bị tuyên bố vô hiệu

Thỏa thuận giữa vợ và chồng về CĐTS, dù hiện nay pháp luật chưa quy định chính thức là một hợp đồng, nhưng về nguyên tắc là một loại giao dịch. Và với tư cách là một loại giao dịch, các thỏa thuận này phải tuân thủ những điều kiện nhất định để phát sinh hiệu lực. Theo quy định tại Điều 50 Luật HN&GĐ năm 2014: “1. Thỏa thuận về CĐTS của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật Dân sự (BLDS) và các luật khác có liên quan;

b) Vi phạm một trong các quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này;

c) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

2. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn khoản 1 Điều này”.

Như vậy, với quy định này có thể thấy có ba lý do để Tòa án có thể tuyên bố vô hiệu đối với một thỏa thuận về CĐTS giữa vợ và chồng.

Về lý do thứ nhất, không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại BLDS và các luật khác có liên quan.

Theo quy định tại Điều 122 BLDS năm 2005[3] thì:  Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.

Áp dụng quy định trên có thể hình dung khả năng một thỏa thuận về CĐTS giữa vợ và chồng sẽ bị tuyên bố vô hiệu trong các trường hợp:

Thứ nhất, nếu một trong hai bên vợ chồng chưa đủ tuổi kết hôn ở thời điểm xác lập thỏa thuận hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự ở thời điểm thỏa thuận thì thỏa thuận sẽ bị tuyên bố vô hiệu. Trường hợp này được dẫn trên cơ sở có sự kết hợp giữa các quy định của BLDS và Luật HN&GĐ về điều kiện kết hôn. Luật HN&GĐ không yêu cầu cụ thể về điều kiện năng lực hành vi của các bên tham gia thỏa thuận về CĐTS, nên chúng tôi cho rằng, một cách hợp lý, người được xem là đáp ứng yêu cầu về năng lực hành vi để kết hôn thì có quyền xác lập thỏa thuận về CĐTS. Mà theo các quy định về điều kiện kết hôn tại khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ thì: “1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này”.

Thứ hai, cũng theo quy định trên, thỏa thuận về CĐTS giữa vợ chồng sẽ bị tuyên bố vô hiệu nếu tại thời điểm xác lập, một hoặc hai bên ở trong tình trạng không có sự tự nguyện (bị đe dọa, lừa dối, nhầm lẫn). Vấn đề về sự lừa dối, nhầm lẫn hay đe dọa được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Như vậy, trên cơ sở quy định trên, nếu việc kết hôn bị tuyên bố hủy do vi phạm điều kiện về độ tuổi, hay điều kiện về sự tự nguyện thì thỏa thuận về CĐTS giữa vợ và chồng cũng bị tuyên bố vô hiệu theo.

Thứ ba, về hình thức, theo quy định tại khoản 2 Điều 122 nêu trên thì khi có vi phạm điều kiện về hình thức, Tòa án chỉ tuyên bố vô hiệu giao dịch nếu pháp luật có quy định “hình thức của giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch”. Mặc dù Điều 47 Luật HN&GĐ có quy định rằng: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn CĐTS theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực”. Tuy nhiên, quy định này không nói rằng việc lập thành văn bản có công chứng, chứng thực là điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận về CĐTS giữa vợ và chồng. Cho nên, áp dụng các quy định hiện hành này, nếu vi phạm quy định về hình thức thì Tòa án không thể tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về CĐTS giữa và vợ chồng. Theo chúng tôi, cần quy định rõ rằng các yêu cầu về hình thức đối với CĐTS thỏa thuận (về việc công chứng thỏa thuận, thời điểm xác lập) là một điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận về CĐTS giữa vợ và chồng vì hơn bất kỳ một loại giao dịch dân sự nào, CĐTS thỏa thuận đóng vai trò quan trọng không những đối với các bên vợ, chồng mà còn đối với người thứ ba. Do vậy, các yêu cầu nghiêm ngặt về hình thức là thật sự cần thiết[4].

Lý do thứ hai, thỏa thuận về CĐTS của vợ chồng vi phạm một trong các quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật HN&GĐ năm 2014.

Các quy định tại Điều 29, 30, 31, 32 Luật HN&GĐ năm 2014 tạo thành một CĐTS cơ sở mà dù là CĐTS thỏa thuận hay CĐTS theo luật định cũng phải tuân thủ. Vi phạm một trong các nguyên tắc này thì thỏa thuận về CĐTS sẽ bị tuyên bố vô hiệu. Có thể lấy ví dụ nguyên tắc “vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên”. Nguyên tắc này rất quan trọng trong việc đảm bảo duy trì các điều kiện hỗ trợ cho sự tồn tại của gia đình. Theo đó, nếu trong thỏa thuận về CĐTS giữa vợ và chồng có quy định cho rằng “trong thời kỳ hôn nhân chỉ có người chồng có nghĩa vụ đóng góp thu nhập duy trì đời sống chung của gia đình” thì thỏa thuận đó sẽ vô hiệu.

Lý do thứ ba, nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

Lý do này giúp bảo vệ các chủ thể có liên quan khỏi các thỏa thuận giữa vợ và chồng trong trường hợp các thỏa thuận này tác động theo hướng bất lợi đối với họ. Chúng tôi cho rằng, trên thực tế các thỏa thuận giữa vợ và chồng về CĐTS có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyền lợi của các chủ thể có liên quan trong cấp dưỡng hoặc thừa kế[5]... Và theo chúng tôi, dù tác động trực tiếp hay gián tiếp, nếu có những thỏa thuận giữa vợ và chồng vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng hay quyền được thừa kế... của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình, thì thỏa thuận đó phải bị vô hiệu.

Theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 thì: “Nội dung của thỏa thuận về CĐTS của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật HN&GĐ là trường hợp thỏa thuận đó nhằm trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định từ Điều 110 đến Điều 115 của Luật HN&GĐ hoặc để tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của BLDS hoặc vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình đã được Luật HN&GĐ và pháp luật khác có liên quan quy định”.

2.1.2. Hiệu lực của tuyên bố vô hiệu đối với thỏa thuận về chế độ tài sản giữa vợ và chồng

       Về thẩm quyền tuyên bố vô hiệu, hiện tại trong Luật HN&GĐ năm 2014 không có quy định cụ thể về thẩm quyền tuyên bố vô hiệu. Tuy nhiên, theo chúng tôi, với tư cách là một giao dịch dân sự, thì chỉ Tòa án mới có thẩm quyền tuyên bố vô hiệu đối với thỏa thuận này của vợ chồng. Hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01 nêu trên cũng đã khẳng định suy luận này[6].

       Về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố vô hiệu, theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật HN&GĐ năm 2014: “Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn khoản 1 Điều này”. Và Thông tư liên tịch số 01 đã có hướng dẫn: “Thỏa thuận về CĐTS của vợ chồng có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần.

a) Trường hợp thỏa thuận về CĐTS của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì CĐTS của vợ chồng theo luật định được áp dụng.

b) Trường hợp thỏa thuận về CĐTS của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về CĐTS của vợ chồng theo luật định được áp dụng”.

Trên cơ sở các quy định này về CĐTS thỏa thuận và vấn đề tuyên bố vô hiệu đối với thỏa thuận giữa vợ và chồng về CĐTS này, chúng tôi cho rằng, việc tuyên bố vô hiệu cũng như các hậu quả pháp lý của tuyên bố vô hiệu được xây dựng trên cơ sở các quy tắc của luBộ luật Dân sự.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 131 BLDS năm 2015:

“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả....”.

Như vậy, một khi thỏa thuận về CĐTS giữa vợ và chồng bị tuyên bố vô hiệu thì thỏa thuận này không phát sinh hiệu lực ngay từ thời điểm xác lập. Điều này dẫn đến kết quả là phải lựa chọn một trong hai giải pháp, thứ nhất QHTS giữa vợ vàchồng không được điều chỉnh bởi bất kỳ quy tắc nào, thứ hai vì CĐTS thỏa thuận không tồn tại ngay từ thời điểm xác lập quan hệ hôn nhân (QHHN) nên CĐTS theo luật định được áp dụng. Chúng tôi cho rằng, giải pháp thứ hai đã được đề cập trong Thông tư liên tịch số 01 đã nêu là hợp lý, bởi vì không thể có tình trạng không tồn tại quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng về QHTS. Hơn thế nữa, trong trường hợp thỏa thuận giữa vợ chồng về CĐTS bị tuyên bố vô hiệu, các bên cũng không thể thỏa thuận lại một CĐTS thỏa thuận khác vì: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn CĐTS theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. CĐTS của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn” (Điều 47 Luật HN&GĐ năm 2014).

2.2. Chấm dứt chế độ tài sản thỏa thuận khi hủy hôn nhân trái pháp luật

QHHN sẽ chấm dứt khi rơi vào một trong ba trường hợp sau, vợ (chồng) chết, ly hôn hay hủy hôn nhân trái pháp luật. Trong số ba trường hợp này thì hủy hôn nhân trái pháp luật là trường hợp chấm dứt QHHN bị động và khác biệt về nguyên nhân cũng như ý chí so với hai trường hợp còn lại.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014 thì: “Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này”. Và hậu quả pháp lý về QHTS giữa vợ và chồng của việc Tòa án tuyên bố hủy kết hôn trái pháp luật cũng giống như trường hợp quan hệ chung sống như vợ chồng bị Tòa án tuyên bố không công nhận là: “1. QHTS, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của BLDS và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết QHTS phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập” (Điều 16 Luật HN&GĐ năm 2014).

       Có thể thấy pháp luật không quy định đặc biệt gì liên quan đến việc giải quyết QHTS giữa vợ và chồng trong trường hợp hủy hôn nhân trái pháp luật khi giữa họ tồn tại thỏa thuận về CĐTS giữa vợ và chồng. Đương nhiên là thỏa thuận về CĐTS không thể tiếp tục tồn tại sau khi QHHN giữa vợ và chồng đã bị Tòa án tuyên bố hủy, bởi vì QHTS giữa vợ và  chồng chỉ tồn tại khi tồn tại QHHN - quan hệ vợ chồng. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu các thỏa thuận về QHTS giữa vợ và chồng trong CĐTS thỏa thuận giữa họ có phát sinh hiệu lực khi giải quyết việc chấm dứt QHHN giữa họ? Hay một khi QHHN bị hủy do trái pháp luật thì QHTS giữa vợ và chồng phải được giải quyết theo quy định tại Điều 16 Luật HN&GĐ nêu trên?

       Theo chúng tôi, câu trả lời chỉ có thể đến trên cơ sở phân tích và nhận định. Thứ nhất, việc tuyên bố hủy hôn nhân trái pháp luật được Tòa án tiến hành trên cơ sở yêu cầu của một số chủ thể nhất định được chỉ định bởi pháp luật. Việc tuyên bố hủy được tiến hành trên cơ sở quy định của pháp luật, bất chấp ý chí của các bên trong QHHN. Do đó, nó mang ý nghĩa chế tài nhiều hơn là một sự kết thúc QHHN thông thường. Và một khi việc hủy hôn nhân này với ý nghĩa chế tài như vậy, thì việc áp dụng CĐTS thỏa thuận để giải quyết QHTS giữa vợ và chồng là không hợp lý. Thứ hai, các quy định về hủy QHHN trái pháp luật tại Điều 10, 11, 12 Luật H&GĐ năm 2014 về nguyên tắc là áp dụng chung cho những trường hợp hủy hôn nhân trái pháp luật, do đó, nếu không có quy định riêng của pháp luật về việc xử lý QHTS giữa vợ và chồng như thế nào khi hủy QHHN trái pháp luật mà giữa vợ và chồng có CĐTS thỏa thuận, thì một cách hợp lý, theo chúng tôi là sẽ phải áp dụng các quy định chung này.

       Tóm lại, dù giữa vợ và chồng có tồn tại CĐTS thỏa thuận, thì khi hủy hôn nhân trái pháp luật, việc xử lý QHTS giữa họ với nhau và trong quan hệ giữa họ với người thứ ba vẫn phải tuân thủ các quy định như hủy QHHN trái pháp luật trong các trường hợp thông thường khác.

2.3. Chấm dứt chế độ tài sản thỏa thuận khi vợ, chồng chết

       Theo pháp luật dân sự Cộng hòa Pháp, vợ và chồng luôn là người thừa kế hàng đầu của nhau trong trường hợp một trong hai bên chết. Quyền thừa kế này được xác định tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như có hay không có di chúc, người chết có con hay không, và đặc biệt là vợ, chồng chết trong tình trạng giữa vợ và chồng có thỏa thuận đặc biệt trong việc chia tài sản hay không (thỏa thuận này nằm trong khuôn khổ của hợp đồng hôn nhân đã giao kết giữa họ với nhau).

       Khác với luật của Cộng hòa Pháp, ở Việt Nam, việc thừa kế giữa vợ chồng được quy định bởi BLDS, không xem là một phần trong Luật HN&GĐ mặc dù có quan hệ mật thiết với Luật HN&GĐ.

       BLDS của Việt Nam được ban hành năm 2005, trong khi CĐTS thỏa thuận được quy định trong Luật HN&GĐ ban hành năm 2014. Vấn đề xử lý việc chấm dứt QHTS giữa vợ và chồng khi một trong hai bên vợ, chồng chết trong tình trạng có tồn tại CĐTS thỏa thuận chắc chắn không được quy định trong BLDS năm 2005, và thật tiếc là BLDS năm 2015 cũng không đề cập đến vấn đề này. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 48 Luật HN&GĐ năm 2014:

“1. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về CĐTS bao gồm:

a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt CĐTS;

d) Nội dung khác có liên quan.

2. Khi thực hiện CĐTS theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này và quy định tương ứng của CĐTS theo luật định”.

Và theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 thì thỏa thuận giữa vợ chồng về CĐTS sẽ bị tuyên bố vô hiệu khi: “Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình”. Hai quy định vừa trích dẫn dường như có sự mâu thuẫn nhau. Cụ thể, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48 cho phép các bên vợ chồng có quyền thỏa thuận và ghi nhận vào CĐTS thỏa thuận các “Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt CĐTS”, mà các trường hợp chấm dứt QHTS bao gồm cả trường hợp một trong hai bên vợ, chồng chết. Trong khi đó Điều 50 lại không cho phép những thỏa thuận “vi phạm quyền thừa kế”, tức quyền thừa kế được ghi nhận bởi BLDS. Ngoài ra, khoản 2 Điều 66 Luật HN&GĐ năm 2014 có quy định rằng: “2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về CĐTS. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế”.Trên cơ sở các  quy định nêu trên, có thể thấy giới hạn của CĐTS thỏa thuận liên quan đến việc giải quyết QHTS giữa vợ và chồng khi một trong hai bên chết. Cụ thể và đơn giản, có thể nói rằng việc phân chia di sản thừa kế trong trường hợp một bên vợ, chồng chết mà giữa họ có tồn tại CĐTS thỏa thuận vẫn phải tuân thủ các quy định mang tính bắt buộc của pháp luật dân sự về chia di sản thừa kế, cụ thể là phải tôn trọng quyền thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc của những chủ thể được bảo vệ theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 01 đã dẫn trên.

Tóm lại, đối với CĐTS thỏa thuận giữa vợ và chồng, các bên có thể thỏa thuận về việc quản lý, phân chia tài sản cũng như các điều kiện phân chia tài sản khi chấm dứt QHHN. Tuy nhiên, riêng các thỏa thuận về phân chia di sản thừa kế làm ảnh hưởng đến quyền thừa kế của những người thừa kế thì thỏa thuận này không được phép. Đây cũng chính là giới hạn cho CĐTS thỏa thuận giữa vợ và chồng.

Câu hỏi đặt ra là chỉ riêng các thỏa thuận về thừa kế là không được phép hay tất cả các thỏa thuận làm ảnh hưởng đến quyền thừa kế của các chủ thể có liên quan khi một trong hai bên vợ, chồng chết sẽ bị cấm? Hãy hình dung giả thuyết, trong thỏa thuận về CĐTS, vợ chồng đã thỏa thuận với nhau rằng, khi một trong hai bên vợ, chồng chết thì người còn sống sẽ được nhận hai phần ba (2/3) tổng số tài sản chung, một phần ba còn lại là của người chết và sẽ đem chia thừa kế. Rõ ràng thỏa thuận này không tác động trực tiếp đến quyền thừa kế của những người thừa kế, mà nó chỉ là thỏa thuận về việc phân chia tài sản chung của vợ chồng, nhưng thỏa thuận này đã tác động một cách gián tiếp đến quyền được thừa kế của những người thừa kế khác. Cụ thể là nó làm cho khối di sản của những người này ít đi hơn so với bình thường (nếu như không có CĐTS thỏa thuận). Câu trả lời - theo chúng tôi - đến từ lý do cho sự xuất hiện của quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 nêu trên. Nhà làm luật khi xây dựng quy định tại Điều 50 này đã nghĩ đến nguyên tắc bảo vệ người thứ ba, theo nguyên tắc đó, vợ chồng có quyền xây dựng một CĐTS thỏa thuận cho riêng họ, nhưng các thỏa thuận này không được ảnh hưởng theo hướng tiêu cực đến quyền lợi của người thứ ba, đặc biệt là quyền thừa kế và cụ thể là quyền thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Và mặc dù thỏa thuận của vợ chồng không phải là di chúc nhưng nó cũng đã tác động tiêu cực đến quyền thừa kế của các chủ thể được pháp luật bảo vệ. Do đó, có thể thấy thỏa thuận của vợ chồng trong giả thuyết đã đề cập là không được chấp nhận nếu thỏa thuận phân chia này làm cho quyền thừa kế của các chủ thể đặc biệt (vợ, chồng, cha, mẹ, con chưa thành niên... của người chết) không được đảm bảo theo quy định của luật dân sự.

2.4. Chấm dứt chế độ tài sản thỏa thuận khi vợ chồng ly hôn

Ly hôn là trường hợp chấm dứt QHHN không được lường trước bởi khi vợ chồng xác lập QHHN là trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, đây lại là trường hợp thường được dự kiến bởi các thỏa thuận về CĐTS giữa vợ và chồng, khi ly hôn sẽ chia tài sản như thế nào là vấn đề mà các bên thường quan tâm khi xây dựng thỏa thuận về CĐTS giữa vợ và chồng. Các thỏa thuận này cũng là những thỏa thuận được phép xây dựng trong khuôn khổ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48 nêu trên. Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2014 về giải quyết QHTS giữa vợ và chồng khi ly hôn thì: “1. Trong trường hợp CĐTS của vợ và chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp CĐTS của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các Điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết”.

Như vậy, quy định này đã thể hiện rất rõ ràng tinh thần tôn trọng các thỏa thuận của vợ chồng trong CĐTS thỏa thuận liên quan đến việc phân chia tài sản khi ly hôn. Ngược lại, nếu vợ chồng có xây dựng CĐTS thỏa thuận nhưng trong nội dung thỏa thuận không nói gì về cách thức cũng như điều kiện phân chia tài sản khi ly hôn thì Tòa án sẽ áp dụng cách phân chia theo CĐTS luật định để giải quyết.

Vấn đề cần lưu ý còn lại liên quan tới việc chấm dứt QHTS giữa vợ chồng khi ly hôn trong tình trạng có CĐTS thỏa thuận là các thỏa thuận phân chia tài sản cần phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 29, 30, 31, 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và đảm bảo không “vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình”, đặc biệt là quyền được cấp dưỡng sau khi ly hôn. Điều đó cũng có nghĩa là, nếu có những thỏa thuận vi phạm các nguyên tắc này mà vẫn chưa bị tuyên bố vô hiệu thì sẽ xử lý giống như trường hợp “Nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết”.

Tóm lại, việc giải quyết QHTS giữa vợ và chồng như thế nào khi chấm dứt QHHN là một trong những nội dung quan trọng mà các bên vợ chồng thường quan tâm thỏa thuận khi xác lập CĐTS thỏa thuận cho riêng mình. Và trong số các trường hợp chấm dứt QHTS thì chấm dứt QHTS do ly hôn có thể nói là trường hợp mà sự tự do trong thỏa thuận về phân chia tài sản được cho phép nhiều nhất./.

 

Đoàn Thị Phương Diệp, TS. Khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

________________________________________________

[1] Dân luật 1972 Sài Gòn.

[2] Khái niệm này, theo tác giả Nguyễn Mạnh Bách “Chế độ hôn sản gồm một số các nguyên tắc quy định quyền hạn của hai vợ chồng trên các tài sản chung, sự đóng góp tiền bạc của hai vợ chồng trong thời gian hôn nhân, các quyền lợi của người thứ ba giao dịch với họ và những quyền lợi của mỗi người vợ chồng khi hôn thú chấm dứt”, Tìm hiểu Luật Dân sự Việt Nam (chế độ hôn sản, thừa kế), Nxb. Đồng Nai, 1992, tr 9.

[3] Quy định này vẫn được giữ lại tại Điều 117 BLDS năm 2015.

[4] Thông tư liên tịch số 01/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP vẫn chưa có quy định gì về vấn đề này.

[5] Ví dụ, thỏa thuận của vợ chồng rằng “khi một trong hai bên chết thì người còn lại được thừa kế trọn di sản”, thỏa thuận này đã, một cách gián tiếp, hạn chế, thậm chí tước đi quyền thừa kế của các thành viên khác trong gia đình của người chết (cụ thể là quyền thừa kế của những người cùng hàng với vợ, chồng)

[6] Theo quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP (2016) thì Tòa án có thẩm quyền này.