Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Nghĩa vụ trả khoản nợ chung của vợ chồng sau khi ly hôn

  • Thực hiện: Thùy Linh
  • 10/07/2019

Câu hỏi: Lúc trước tôi có vay ngân hàng 10 triệu, để chi tiêu trong gia đình và chồng tôi cũng có biết đến việc đó và tôi cũng có trả nợ (gốc và lãi) cho ngân hàng được vài tháng thì có mâu thuẫn với chồng tôi và chúng tôi đã ly hôn. Tháng sau là đến thời hạn trả nợ cho Ngân hàng, tôi có nói với chồng thì anh ta chối bỏ và bảo không biết việc tôi vay tiền.

Phòng Luật Trung tâm ACDC:

Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về trách nhiệm liên đới của vợ và chồng như sau:

"1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này. 

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này".

Theo đó, nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì cả hai vợ chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên vợ hoặc chồng thực hiện.

Trường hợp có tranh chấp thì xác định nghĩa vụ căn cứ vào mục đích sử dụng khoản tiền vay, nếu đúng khoản tiền này là do bạn thực hiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì cả hai vợ chồng đều có nghĩa vụ phải trả; trường hợp chị vay tiền không sử dụng vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình (tức bạn vay sử dụng vào mục đích riêng), thì chị phải có trách nhiệm trả mà không phát sinh trách nhiệm liên đới giữa vợ và chồng.

Do đó, nếu đúng như khoản tiền 10 triệu bạn vay trong thời kỳ hôn nhân được dùng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, tuy do một mình chị xác lập thì chồng cũ của chị vẫn phải có nghĩa vụ liên đới trả nợ. Nếu đến hạn mà vợ chồng chị không trả, thì bên ngân hàng có quyền khởi kiện vợ chồng chị ra Tòa án để yêu cầu trả nợ.