Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Biện pháp cấm tiếp xúc giữa người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình

  • Thực hiện: Hương Thảo
  • 16/04/2019

Câu hỏi: Hàng xóm cạnh nhà tôi có một chị là phụ nữ khuyết tật. Mỗi khi uống rượu say về, chồng chị ấy thường xuyên đánh đập chị. Đã rất nhiều lần tổ dân phố đến hòa giải nhưng tình trạng ấy vẫn không thuyên giảm. Vậy nhà nước có quy định nào để giúp chị ấy có thể được cách ly khỏi chồng một thời gian không?  

Phòng Luật Trung tâm ACDC tư vấn:

*Cơ sở pháp lý:

  • Điều 20 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007;
  • Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

*Nội dung:

Trong trường hợp chị hàng xóm của anh/chị là nạn nhân của bạo lực gia đình thì chị ấy cần làm đơn đề nghị gửi lên Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) nơi chị đang cư trú để được xem xét và giải quyết, cụ thể như sau:

  • Nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc gửi Chủ tịch UBND cấp xã;
  • Chậm nhất 12 giờ, kể từ khi nhận được đơn yêu cầu, Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; trường hợp không ra quyết định thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết.
  • Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 3 ngày khi có đủ các điều kiện sau đây:
  1. Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;
  2. Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe doạ tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;
  3. Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.

Lưu ý: Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký và được gửi cho người có hành vi bạo lực gia đình, nạn nhân bạo lực gia đình, người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo lực gia đình.

  • Chủ tịch UBND cấp xã đã ra quyết định cấm tiếp xúc huỷ bỏ quyết định đó khi có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình hoặc khi nhận thấy biện pháp này không còn cần thiết.

Lưu ý:

  • Trong trường hợp gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi hoặc các trường hợp đặc biệt khác mà người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình phải tiếp xúc với nhau thì người có hành vi bạo lực gia đình phải báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo lực gia đình.
  • Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc có thể bị tạm giữ hành chính hoặc xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP (Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình).