Câu hỏi: Chúng tôi chuẩn bị tổ chức đám cưới. Tuy nhiên do điều kiện công việc, chúng tôi đều làm ăn rất xa không thể xin nghỉ về quê đăng ký kết hôn. Tôi có thể ủy quyền cho cha mẹ đăng ký kết hôn không?
Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Hộ tịch 2014: “Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn”.
Như vậy, khi làm thủ tục đăng ký kết hôn thì bắt buộc hai bên nam nữ đều phải có mặt tại UBND, không thể ủy quyền cho cha, mẹ đi thay. Bởi lẽ, kết hôn hợp pháp là việc cả hai bên nam nữ tự nguyện, muốn chung sống gắn bó lâu dài, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình. Chỉ khi có mặt của hai bên thì mới có thể xác định được các bên có tự nguyện, có bị lừa dối, cưỡng ép kết hôn hay không. Vì vậy, hai anh/chị nên sắp xếp thời gian và công việc để tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch 2014 về thẩm quyền đăng ký kết hôn thì “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn”. Nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú 2005 được hiểu là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Do đó, anh/chị có thể làm thủ tục đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã nơi anh/chị có đăng ký tạm trú hợp pháp. Cần lưu ý rằng, trường hợp đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã nơi anh/chị tạm trú thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã nơi anh/chị thường trú (còn giá trị sử dụng trong vòng 06 tháng kể từ ngày được cấp).