Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Khám giám định suy giảm khả năng lao động ở đâu?

  • Thực hiện: Hương Thảo
  • 14/03/2019

Câu hỏi: Đầu tháng 3, tôi bị tai nạn trên đường đi từ nhà đến công ty nơi tôi làm việc. Hiện giờ tôi đã xuất viện nhưng tôi vẫn muốn được đi giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ. Vậy cho hỏi tôi cần đi giám định suy giảm khả năng lao động ở đâu và làm hồ sơ thế nào? Xin tư vấn.

Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:

Thứ nhất, về hồ sơ đề nghị khám giám định lần đầu:

Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế, hồ sơ khám giám định lần đầu do bị tai nạn lao động bao gồm:

  1. Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động.
  2. Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế (nơi đã cấp cứu, điều trị cho người lao động).
  3. Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Biên bản Điều tra tai nạn lao động.
  4. Giấy ra viện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án
  5. Giấy tờ tùy thân có ảnh như: Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu,…

Thứ hai, về trách nhiệm lập hồ sơ:

Căn cứ khoản 3 Điều 11 Thông tư 56/2017/TT-BYT: Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập, hoàn chỉnh hồ sơ giám định và gửi đến Hội đồng Giám định y khoa đối với trường hợp người lao động bị tai nạn lao động.

Thứ ba, về thẩm quyền khám giám định suy giảm khả năng lao động:

Tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 52/2016/TT-BYT quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và hoạt động của Hội đồng giám định y khoa các cấp: Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh có nhiệm vụ khám giám định lần đầu và khám giám định lại theo quy định của pháp luật cho các đối tượng đang làm việc hoặc cư trú, sinh sống tại tỉnh, thành phố thuộc địa bàn.

Như vậy, anh/chị cần cung cấp giấy tờ số 2), 4) và 5) nói trên cho Công ty nơi anh/chị đang làm việc. Sau đó, Công ty nơi anh/chị đang làm việc sẽ có trách nhiệm lập, hoàn chỉnh hồ sơ giám định và gửi đến Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh.