Câu hỏi: Tôi là người khuyết tật vận động, mức độ nặng, đã được cấp giấy xác nhận khuyết tật vào tháng 12/2018. Hiện nay tôi vẫn đang sử dụng thẻ BHYT dành cho người đang hưởng chế độ trợ cấp BHXH do tai nạn lao động (tôi bị tai nạn lao động năm 1995) với mức hưởng 80%. Giờ tôi muốn chuyển sang thẻ BHYT cho NKT để được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh thì phải làm hồ sơ và thủ tục như thế nào?
Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:
Thứ nhất, giải quyết trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi năm 2014: Một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng tham gia BHYT được quy định tại Điều 12 Luật BHYT sửa đổi năm 2014 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Theo đó, Điều 12 Luật BHYT sửa đổi năm 2014 và Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định có 06 nhóm đối tượng đóng BHYT theo thứ tự như sau:
- Nhóm do người lao động đóng và người sử dụng lao động đóng;
- Nhóm do tổ chức BHXH đóng (trong đó có người đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng);
- Nhóm do ngân sách nhà nước đóng (trong đó có người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng tại điểm g khoản 3 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi năm 2014);
- Nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ;
- Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình;
- Nhóm do người sử dụng lao động đóng.
Theo thứ tự này, anh/chị đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng do bị tai nạn lao động thì tham gia BHYT theo diện cơ quan BHXH đóng.
Tuy nhiên, căn cứ khoản 2 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi năm 2014, trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất. Cũng tại Điều 22 quy định: Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng (trong đó có người khuyết tật nặng) được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quỹ BHYT chi trả, còn người đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng do bị tai nạn lao động được thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quỹ BHYT chi trả. Do đó, anh/chị sẽ được hưởng mức cao nhất là 100% do quỹ BHYT chi trả.
Kết luận: Như vậy, anh/chị sẽ tham gia BHYT theo diện người đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng do bị tai nạn lao động nhưng được hưởng mức 100% do BHYT chi trả theo diện người người khuyết tật.
Thứ hai, về thủ tục tham gia BHYT:
Theo Tiết c, điểm 1.1, khoản 1 Điều 25, Điều 30, Điều 31, Điều 32 Quyết định số 595/QĐ-BHXH và Phụ lục 03 ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH, trường hợp của anh/chị được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn sẽ thực hiện theo trình tự như sau:
- Anh/chị nộp giấy xác nhận khuyết tật (bản sao) cho UBND phường hoặc cơ quan BHXH quận nơi anh/chị được cấp thẻ BHYT. Trường hợp gia đình nộp hồ sơ qua UBND phường, UBND nộp hồ sơ lên cơ quan BHXH quận.
- Không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND phường hoặc cơ quan BHXH quận (Phòng tiếp nhận và quản lý hồ sơ) trực tiếp trả thẻ BHYT cho anh/chị.