Câu hỏi: Sắp tới tôi muốn đưa vợ lên UBND xã để xác định mức độ khuyết tật nhưng tôi lại nghe nói sắp tới hồ sơ và thủ tục xác định mức độ khuyết tật có thay đổi mà chưa rõ nội dung cụ thể như thế nào? Xin tư vấn.
Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:
Căn cứ theo Điều 4 (hồ sơ) và Điều 5 (thủ tục) Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH quy định về việc xác định mức độ khuyết tật, kể từ ngày 15 tháng 03 năm 2019, hồ sơ và thủ tục xác định mức độ khuyết tật (ứng với trường hợp của vợ anh) được thực hiện như sau:
Thứ nhất, về hồ sơ xác định mức độ khuyết tật:
Khi có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật, anh/chị làm hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật gồm những loại giấy tờ sau đây:
- Đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật.
- Bản sao các giấy tờ liên quan đến khuyết tật (nếu có) như: bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật, Giấy xác nhận khuyết tật cũ và các giấy tờ có liên quan khác.
- Bản sao kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa trước ngày 01/06/2012 hoặc các giấy tờ liên quan khác (nếu có).
Thứ hai, về thủ tục xác định mức độ khuyết tật:
Để được xác định mức độ khuyết tật, anh/chị cần thực hiện theo trình tự như sau:
- Bước 1: Anh/chị làm hồ sơ theo quy định trên gửi Chủ tịch UBND cấp xã nơi cư trú. Khi nộp hồ sơ cần xuất trình các giấy tờ sau để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu các thông tin kê khai trong đơn:
+ Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của đối tượng, người đại diện hợp pháp.
+ Sổ hộ khẩu của đối tượng, người đại diện hợp pháp.
- Bước 2: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, Chủ tịch UBND xã có trách nhiệm:
+ Triệu tập các thành viên, gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ;
+ Tổ chức đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật; lập hồ sơ, biên bản kết luận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.
+ Lập biên bản họp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật.
- Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày có kết luận của Hội đồng, Chủ tịch UBND cấp xã niêm yết, công khai kết luận và cấp giấy xác nhận khuyết tật cho đối tượng.
Như vậy, so với Thông tư số liên tịch số 37/2012/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH, quy định về hồ sơ và thủ tục xác định mức độ khuyết tật trong Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 15/3/2019, thay thế Thông tư số liên tịch số 37/2012/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH) gần như không có sự thay đổi, chỉ cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục “Bước 2” từ 30 ngày xuống còn 20 ngày.