Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Người khuyết tật có được miễn xử phạt vi phạm hành chính về tội đốt pháo không?

  • Thực hiện: Hương Thảo
  • 12/02/2019

Câu hỏi: Tôi có đứa con bị khuyết tật trí tuệ, năm nay 12 tuổi. Hôm qua, trong lúc đi chơi cháu có được các bạn rủ đi đốt pháo, sau đó bị dân phòng đưa lên công an xã lập biên bản và yêu cầu gia đình phải nộp tiền phạt. Xin hỏi trường hợp của con tôi có bị xử phạt hay không? Họ làm như vậy có đúng không?

Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:

Theo điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy chữa cháy: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép.

Tuy nhiên, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 5 và khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về các đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do lỗi cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. Từ quy định trên có thể suy ra: Người dưới 14 tuổi có hành vi vi phạm hành chính không thuộc đối tượng xử phạt vi phạm hành chính do chưa thỏa mãn yêu cầu về tuổi.

Do vậy, trường hợp công an xã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu gia đình nộp tiền phạt là không đúng quy định của pháp luật.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con, căn cứ Điều 8, Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 và điểm a khoản 1 Điều 9 Thông tư 68/2013/TT-BCA hướng dẫn xử lý khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân, anh/chị có thể đại diện cho con thực hiện quyền khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chiến sĩ công an xã đến Trưởng Công an xã quản lý trực tiếp trong 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính theo hai hình thức: Khiếu nại trực tiếp hoặc đơn khiếu nại.

  • Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại (Lưu ý: Tên người khiếu nại là tên con của anh/chị); tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
  • Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản với các nội dung như trong đơn khiếu nại.