Câu hỏi: Vợ tôi có hộ khẩu tại huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Nay chúng tôi đã làm đám cưới xong, tôi muốn chuyển hộ khẩu cho vợ về nhà tôi tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Xin hỏi tôi phải chuẩn bị giấy tờ, thủ tục như thế nào?
Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:
Bước 1: Xin cấp giấy chuyển hộ khẩu thường trú.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật cư trú 2006, giấy chuyển hộ khẩu được cấp cho công dân trong những trường hợp sau đây:
- Chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh;
- Chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Do đó, việc vợ anh chuyển hộ khẩu từ Thái Nguyên sang Hải Phòng thuộc trường hợp phải phải xin cấp giấy chuyển hộ khẩu thường trú.
Về thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu, căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 35/2014/TT-BCA có quy định:
- Trưởng Công an xã, thị trấn có thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh;
- Trưởng Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Như vậy, vợ anh chuyển đi ngoài phạm vi tỉnh nên thẩm quyền cấp giấy đề nghị chuyển hộ khẩu là Trưởng Công an xã, thị trấn nơi vợ anh thường trú.
Theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 28 Luật cư trú 2006 và khoản 3 Điều 8 của Thông tư số 35/2014/TT-BCA, hồ sơ đề nghị và thủ tục cấp giấy chuyển hộ khẩu như sau:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (theo mẫu HK02 ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA).
- Sổ hộ khẩu.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Công an xã, thị trấn quyền phải cấp giấy chuyển hộ khẩu cho vợ anh, đồng thời ghi rõ vào trang điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu những nội dung cơ bản sau: Thông tin người chuyển đi, thời gian cấp giấy chuyển hộ khẩu, địa chỉ nơi chuyển đến.
Bước 2: Đăng ký thường trú tại nơi ở của chồng.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật cư trú 2006, một trong những điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương là: “vợ về ở với chồng”. Do đó, vợ anh đã thỏa mãn điều kiện đăng ký thường trú tại Hải Phòng.
Về thẩm quyền đăng ký thường trú, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật cư trú 2006 và Điều 9 Thông tư 35/2014/TT-BCA:
- Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền đăng ký thường trú tại quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
- Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh có thẩm quyền đăng ký thường trú tại các xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh. Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền đăng ký thường trú tại thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Đối chiếu với trường hợp của anh chị, Công an quận Ngô Quyền (Hải Phòng) sẽ có thẩm quyền đăng ký thường trú cho vợ của anh.
Hồ sơ và thủ tục đăng ký thường trú được thực hiện theo Điều 21 của Luật cư trú sửa đổi năm 2013; khoản 1, 3 Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP và Điều 6, 7 Thông tư số 35/2014/TT-BCA như sau:
- Anh chị chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (theo mẫu HK02 ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA).
- Bản khai nhân khẩu (theo mẫu HK01 ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA).
- Giấy chuyển hộ khẩu (do Công an xã/thị trấn nơi vợ anh có hộ khẩu tại Thái Nguyên cấp).
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ vợ, chồng: Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của anh chị.
- Sau khi hoàn thiện hồ sơ nêu trên, anh chị nộp lại cho Công an quận Ngô Quyền (nơi có hộ khẩu thường trú của anh).
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Công an quận Ngô Quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho anh chị; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.