Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Nhiệm vụ của Cô đỡ thôn, bản

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 31/01/2024

Câu hỏi: Tại bản nơi tôi đang sinh sống thuộc vùng sâu vùng xa, do vậy, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vẫn còn rất khó khăn. Tôi được biết tại những thôn, bản khó khăn như vậy có thể được bố trí một Cô đỡ thôn, bản nên đang có nguyện vọng tham gia hỗ trợ trạm y tế xã chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại bản mình sinh sống. Do vậy, tôi muốn hỏi những nhiệm vụ cụ thể mà Cô đỡ thôn, bản phải thực hiện? Xin cảm ơn!

Phòng Luật - ACDC tư vấn:

Cô đỡ thôn, bản là nhân viên y tế thôn bản làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (điểm b, khoản 2 Điều 1 Thông tư số 27/2023/TT-BYT).

Căn cứ khoản 2 Điều 3, Điều 5 Thông tư số 27/2023/TT-BYT, Cô đỡ thôn, bản có chức năng hỗ trợ trạm y tế xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại thôn, bản với các nhiệm vụ sau:

(1) Tham gia chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và các hoạt động y tế tại thôn, bản, bao gồm:

- Tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vận động vệ sinh phụ nữ, vệ sinh thai nghén, dinh dưỡng hợp lý và loại trừ các tập tục có hại cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em; vận động phụ nữ mang thai đến trạm y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai, tiêm phòng uốn ván, đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sinh đẻ và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi;

- Tuyên truyền, tư vấn các dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian mang thai và sau đẻ, các dấu hiệu cần phải đến ngay cơ sở y tế; tư vấn khám sàng lọc thai nhi; tuyên truyền về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ, hướng dẫn cách cho trẻ bú và duy trì nguồn sữa mẹ, ăn bổ sung hợp lý và phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 16 tuổi;

- Tham gia thực hiện các chương trình, dự án y tế tại thôn, bản;

- Tham gia các khoá đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ;

- Hướng dẫn sử dụng các công cụ theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em phiên bản giấy và điện tử;

- Tham gia giao ban định kỳ với trạm y tế xã;

- Thực hiện báo cáo kịp thời, đầy đủ theo hướng dẫn của trạm y tế xã.

(2) Tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại thôn, bản trong phạm vi quy định tại khoản 2 Điều 5 và Phụ lục 02 Thông tư số 27/2023/TT-BYT, bao gồm:

- Đối với người dân tại thôn, bản: Phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm, thực hiện sơ cứu ban đầu khi cấp cứu và tai nạn; tham gia chuyến tuyến với các trường hợp cấp cứu.

- Đối với bà mẹ và trẻ em tại thôn, bản:

+ Phát hiện thai nghén sớm, khám thai; lập phiếu theo dõi thai sản, tư vấn, vận động các phụ nữ mang thai đi khám thai ít nhất 4 lần/thai kỳ và đến đẻ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

+ Quản lý thai nghén, phát hiện những trường hợp thai có nguy cơ cao, xử trí ban đầu và chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời;

+ Phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ và thai nhi trong chuyển dạ, xử trí ban đầu, thông báo trạm y tế xã hỗ trợ, huy động người nhà/người dân tại cộng đồng chuyển bà mẹ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời;

+ Xử trí ban đầu các tai biến trong trường hợp đẻ rơi không kịp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sinh đẻ và hỗ trợ chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời; đỡ đẻ thường ngôi chỏm cho phụ nữ có thai khi chuyển dạ không thể đến hoặc không kịp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sinh đẻ; hướng dẫn gia đình xử lý chất thải y tế phù hợp với điều kiện thực tế của thôn, bản;

+ Khám và xử trí, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà sau đẻ:

Đối với bà mẹ: Quan sát toàn thân và trạng thái tinh thần; đo mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở; hỗ trợ bà mẹ xử trí tụt núm vú, cương đau vú, tắc tia sữa, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến cho con bú; khám nắn bụng, kiểm tra co hồi tử cung; kiểm tra tầng sinh môn, sản dịch; phát hiện các dấu hiệu bất thường của bà mẹ và chuyển đến cơ sở y tế khi cần thiết;

Đối với trẻ sơ sinh: Cân trẻ, theo dõi sự phát triển của trẻ; tình trạng bú sữa mẹ; khám đánh giá tình trạng toàn thân: mạch, tần số thở, tiếng thở của trẻ; quan sát phát hiện các bất thường hoặc dị tật bẩm sinh ngoài về toàn thân, da, miệng, tai, mắt, chân, tay, bộ phận sinh dục, hậu môn...; khám da, vệ sinh thân thể và chăm sóc da cho trẻ; khám rốn và chăm sóc rốn; phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường của trẻ và chuyển đến cơ sở y tế khi cần thiết.

+ Hướng dẫn, tư vấn vệ sinh phụ nữ, các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục;

+ Hướng dẫn, tư vấn chế độ ăn bổ sung hợp lý cho trẻ;

+ Cấp phát các sản phẩm chứa sắt/axit folic cho phụ nữ mang thai, bà mẹ, các sản phẩm phòng, chống và điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em theo hướng dẫn của Trạm y tế xã (nếu có), kết hợp hướng dẫn, kiểm tra theo dõi tại hộ gia đình.

- Quản lý và sử dụng hiệu quả Túi dụng cụ cô đỡ thôn, bản; hỗ trợ trạm y tế xã hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc thiết yếu an toàn, hợp lý và hiệu quả.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 
024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC 
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.