Câu hỏi: Tôi là bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động 61%. Xin hỏi con tôi năm sau vào học lớp 1 thì có được có được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí không và được cấp đến bao giờ? Mức hưởng như thế nào?
Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:
Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) do ngân sách nhà nước đóng theo quy định tại điểm k khoản 3 Điều 12 Luật BHYT sửa đổi 2014 bao gồm thân nhân của người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi năm 2012 và điểm a khoản 12 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP cũng quy định: “Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được Nhà nước mua bảo hiểm y tế cho con từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng”.
Như vậy, con của anh/chị sẽ được Nhà nước cấp thẻ BHYT đến 18 tuổi, nếu sau 18 tuổi mà cháu tiếp tục đi học thì sẽ được cấp đến hết thời gian đi học.
Căn cứ Điều 17 Luật BHYT sửa đổi năm 2014 thì thủ tục cấp thẻ BHYT cho con của anh/chị sẽ được thực hiện như sau:
- Gia đình điền vào tờ khai tham gia BHYT của con (trường hợp con tham gia BHYT lần đầu) rồi gửi tới UBND xã nơi người khuyết tật cư trú.
- UBND cấp xã thu thập tờ khai, tổng hợp, lập danh sách thân nhân của người có công với cách mạng tại địa phương, hoàn thiện danh sách và gửi về cơ quan/tổ chức BHYT.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ UBND cấp xã, tổ chức BHYT sẽ chuyển thẻ BHYT cho UBND cấp xã nơi gia đình anh/chị cư trú và UBND cấp xã sẽ chuyển BHYT cho con của anh/chị.
Về phạm vi hưởng BHYT, con của anh/chị sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí trong các trường hợp sau đây:
- Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng;
- Vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Về mức hưởng BHYT, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi năm 2014, con của anh chị sẽ được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán:
- 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến;
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến xã trong cùng địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi năm 2014, trường hợp anh/chị tự đưa con đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến, sau đó được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác (trừ các trường hợp: cấp cứu; đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) thì vẫn được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức hưởng theo tỷ lệ như sau:
- Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước.