Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Giải quyết trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT

  • Thực hiện: Hương Thảo
  • 22/01/2019

Câu hỏi: Tôi là người khuyết tật nặng được nhà nước cấp BHYT miễn phí. Nhưng vừa rồi tôi có ký hợp đồng lao động với một doanh nghiệp, họ nói tôi cũng phải đóng BHYT hàng tháng. Vậy tôi không đóng BHYT ở doanh nghiệp vì đã có thẻ BHYT của người khuyết tật rồi thì có được không? Xin giải đáp giúp cho tôi.

Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi năm 2014: Một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng tham gia BHYT được quy định tại Điều 12 Luật BHYT sửa đổi năm 2014 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Theo đó, Điều 12 Luật BHYT sửa đổi năm 2014 và Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định có 06 nhóm đối tượng đóng BHYT theo thứ tự như sau:

  1. Nhóm do người lao động đóng và người sử dụng lao động đóng;
  2. Nhóm do tổ chức BHXH đóng;
  3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng (trong đó có người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng tại điểm g khoản 3 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi năm 2014);
  4. Nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ;
  5. Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình;
  6. Nhóm do người sử dụng lao động đóng.

Theo thứ tự này, anh/chị là người khuyết tật tham gia lao động có hợp đồng lao động thì bắt buộc phải đóng BHYT và không được ngân sách nhà nước đóng nữa. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 7 và điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT thì mức đóng BHYT hàng tháng của anh/chị theo đối tượng là người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động ghi trong hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, căn cứ khoản 2 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi năm 2014, trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất. Cũng tại Điều 22 quy định: Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng (trong đó có người khuyết tật nặng) được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quỹ BHYT chi trả, còn người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quỹ BHYT chi trả. Do đó, anh/chị sẽ được hưởng mức cao nhất là 100% do quỹ BHYT chi trả.

Như vậy, anh/chị sẽ vẫn phải đóng BHYT hàng tháng theo diện người lao động nhưng được hưởng mức 100% do BHYT chi trả theo diện người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng.