Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chính sách tín dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 23/10/2023

Câu hỏi: Tôi được biết Nhà nước có chính sách cho doanh nghiệp sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn ưu đãi. Tôi muốn biết điều kiện, mức vốn và lãi suất cho vay theo chế độ này? Xin cảm ơn!

Phòng Luật - ACDC tư vấn:

Chính sách cho vay đối với cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/08/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù và văn bản Hướng dẫn nghiệp vụ số 7557/NHCS-TDSV ngày 24/09/2023 của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam như sau:

* Đối tượng và điều kiện vay vốn:

Căn cứ Điều 3 Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, cơ sở sản xuất kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện vay vốn sau đây:

(1) Là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật;

(2) Sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện nêu tại điểm a khoản 2 Điều 3 Quyết định này và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động;

Các điều kiện mà người chấp hành án phạt tù phải đáp ứng theo điểm a khoản 2 Điều 3 Quyết định này bao gồm: Có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 05 năm;

(3) Có phương án vay vốn và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận.

(4) Không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật.

* Mức vốn cho vay: Tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

* Thời hạn cho vay: Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng. Thời hạn cho vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét, quyết định trên cơ sở căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng vay vốn để thỏa thuận với khách hàng vay vốn.

* Lãi suất cho vay:

- Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ (hiện là 0,55%/tháng, 6,6%/năm theo quy định tại Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 01/6/2015).

- Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

* Bảo đảm tiền vay: Cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật và Ngân hàng Chính sách xã hội về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vay vốn.

* Phương thức cho vay: Ngân hàng chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline:
 024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC 
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.