Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Bảo đảm quyền tiếp cận công lý, quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật, sự tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế

  • Thực hiện: Administrator
  • 30/11/2016

""Bảo đảm quyền tiếp cận công lý, quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật, sự tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế" "

Ghi nhận quyền bình đẳng trước pháp luật của người khuyết tật (NKT), tuyên bố NKT có năng lực pháp lí trên cơ sở bình đẳng như những người khác trong tất cả các mặt của đời sống xã hội, Công ước về quyền của NKT đã quy định quyền tiếp cận công lí (TCCL)của NKT tại Điều 12 vàĐiều13.([1])Nghiên cứu, so sánh, đánh giá sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế về bảo đảm quyền TCCL, quyền được TGPL của NKT có ý nghĩa cả về học thuật và thực tiễn, trên bình diện quốc tế cũng như ở Việt Nam hiện nay.

Thông qua nội dung, tinh thần các quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, nghiên cứu này chỉ rõ những điểm khác biệt giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế, đặc biệt là những quy định của Công ước về quyền của NKT trong việc bảo đảm quyền TCCL, quyền được TGPL của NKT, từ đó đề xuất một số ý kiến nhằm hoàn thiện pháp luật, thực hiện tròn vẹn nghĩa vụ quốc gia khi Việt Nam phê chuẩn và trở thành thành viên chính thức của Công ước.

1. Quyền tiếp cận công lí của người khuyết tật theo pháp luật quốc tế

1.1. Khái niệm quyền TCCL của NKT

TCCL với tính cách là quyền cơ bản của con người đã được pháp luật quốc tế hiện đại ghi nhận.([2]) Từ thời cổ đại, quyền TCCL được hình thành, phát triển theo tiến trình vận động của lịch sử văn minh nhân loại,nền dân chủ, sự tiến bộ và công bằng xã hội.([3])Ngày nay, tuy khái niệm quyền TCCL theo giới khoa học pháp lí ở các quốc gia trên thế giới có những nét riêng tuỳ theo đặc điểm xã hội, bản sắc văn hoá chính trị-pháp lí của mỗi quốc gia, dân tộc nhưng đều mang những giá trị chung với ý nghĩa là quyền của tất cả mọi người được tôn trọng phẩm giá, được thụ hưởng hoặc đối xử theo lẽ phải, chính nghĩa, công bằng, bình đẳng, hợp lí và nhân văn. Công lí còn là các giá trị hay cách hành xử đúng đắn, mang tính người như nghiêm minh, chính trực, là lương tâm, lòng nhân ái, bao dung… Có thể nói tiếp cận công lí là tiếp cận được để thụ hưởng các giá trị nhân bản, tiến bộ, văn minh, đạo đức trong đời sống xã hội loài người. Công lí, đó là khát vọng vĩnh cửu của con người và cũng là mục tiêu phấn đấu không ngừng của mỗi quốc gia, dân tộc và cộng đồng quốc tế để tồn tại và phát triển bền vững, nhất là trong điều kiện toàn cầu hoá hiện nay. Với ý nghĩa đó mà nói thì công bằng, bình đẳng…. là các biểu hiện cụ thể của công lí, mặt khác tuy pháp luật đóng vai trò là phương thức ghi nhận, phản ánh, hàm chứa, bảo đảm công lí nhưng cũng không đồng nhất với công lí. Do vậy, để bảo đảm, bảo vệ, hiện thực hoá quyền con người nói chung, quyền của NKT nói riêng chúng ta không chỉ dựa vào pháp luật mà điều quan trọng hơn là phải thông qua xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thực hiện pháp luật để tiến đến mục tiêu cao hơn là củng cố, duy trì, bảo vệ, vun đắp cho nền công lí. Bởi lẽ trên phương diện nhất định, chỉ có công lí mới có thể được coi là giá trị tương đồng với phẩm giá, các quyền và tự do của con người. Công lí được quan niệm là hệ giá trị tự nhiên, vốn có, còn pháp luật là sản phẩm của con người (chính quyền nhà nước) làm ra trong những điều kiện kinh tế-xã hội nhất định. Tuy nhiên, nếu pháp luật tốt và thực hiện pháp luật tốt thì đó chính là điều kiện cần thiết để bảo đảm cho mọi người tiếp cận được công lí. Từ những quan niệm như vậy, qua nghiên cứu chúng tôi cho rằng công lí là phạm trù có tính khái quát cao, phản ánh hệ giá trị tổng hợp, liên quan đến đạo đức xã hội, nền chính trị, pháp luật và hoạt động của bộ máy nhà nước. Vì thế, để tiếp cận công lí thì NKT phải sử dụng được tổng thể các yếu tố như: hệ thống pháp luật (nhận thức được về quyền và pháp luật về quyền của NKT; cả luật nội dung và luật tố tụng), các thiết chế thực thi pháp luật (tư pháp, hành chính, các thiết chế bổ trợ, các tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ công). Ngoài ra, đối với NKT (là những người có đặc điểm riêng), để họ tiếp cận được đến công lí, bên cạnh sự nỗ lực vượt khó của bản thân thì nhất thiết cần có sự điều chỉnh hợp lí hoặc “thiết kế phổ cập” từ phía nhà nước, xã hội cũng như sự trợ giúp của cộng đồng. Sự điều chỉnh hay sự trợ giúp này không bị coi là vi phạm nguyên tắc công bằng, bình đẳng giữa người với người. Ngược lại, đây là cách thức, là biện pháp cần thiết của một xã hội hài hoà, văn minh để xoá bỏ mọi rào cản, loại trừ sự phân biệt đối xử nhằm bảo đảm cho công lí được hiện hữu.

1.2. Quy định của pháp luật quốc tế về quyền TCCL của NKT

Các văn bản pháp lí quốc tế về nhân quyền trước đây chưa đề cập trực tiếp đến quyền của NKT. Do vậy, cũng như mọi quyền khác, quyền tiếp cận công lí của NKT được suy ra từ những nguyên tắc chung về quyền con người (công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử). Tuy nhiên, như chúng ta biết, sự ra đời của Công ước về quyền của NKT là một sự chuyển biến mang tính cách mạng, một thành tựu lớn lao của sự nghiệp đấu tranh, thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu.

Với tiêu đề “Công nhận bình đẳng trước pháp luật” Điều 12 Công ước ghi:

“1. Các quốc gia thành viên tái khẳng định rằng NKT có quyền được công nhận ở tất cả mọi nơi là những con người trước pháp luật;

2. Các quốc gia thành viên công nhận người khuyết tật có năng lực pháp lí, trên cơ sở bình đẳng như công dân khác, trong tất cả các mặt của đời sống;

3. Các quốc gia thành viên tiến hành các biện pháp thích hợp để NKT có thể tiếp cận tới những hỗ trợ mà họ cần khi thực thi năng lực pháp lí của họ;

4. Các quốc gia thành viên đảm bảo rằng tất cả các biện pháp có liên quan đến việc thực thi năng lực pháp lí, sẽ bảo vệ thích hợp và hiệu quả, phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, để ngăn ngừa sự lạm dụng. Sự bảo vệ này sẽ bảo đảm rằng những biện pháp có liên quan tới việc thực hiện năng lực pháp lí sẽ tôn trọng quyền, ý nguyện và sở thích của NKT, không bị tranh chấp về quyền lợi và không chịu ảnh hưởng, là các biện pháp tương thích và thiết kế riêng cho hoàn cảnh của một người, áp dụng trong một thời gian ngắn nhất có thể và là đối tượng đánh giá thường xuyên của một cơ quan xét xử hay một cơ quan pháp luật có thẩm quyền, độc lập và công minh. Sự bảo vệ này phù hợp với mức độ mà các biện pháp này ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của một con người;

5. Theo các quy định trong Điều này, các quốc gia thành viên thực thi các biện pháp phù hợp và hiệu quả để đảm bảo quyền bình đẳng của NKT về sở hữu hoặc thừa kế tài sản, kiểm soát các vấn đề tài chính của họ, tiếp cận bình đẳng tới việc vay vốn ngân hàng, thế chấp và các hình thức tín dụng tài chính khác và đảm bảo rằng NKT không bị tuỳ tiện tước mất tài sản của họ.”

Điều 13 Công ước tuyên bố:

“1. Các quốc gia thành viên đảm bảo NKT tiếp cận luật pháp có hiệu quả, trên cơ sở bình đẳng với những người khác, bao gồm thông qua việc cung cấp những điều chỉnh hợp lí về thủ tục và độ tuổi, nhằm phát huy vai trò thực sự của họ như những người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp, bao gồm cả việc ra làm nhân chứng, trong tất cả các thủ tục pháp lí, bao gồm giai đoạn điều tra và các giai đoạn sơ bộ khác.

2. Nhằm đảm bảo NKT tiếp cận một cách có hiệu quả tới luật pháp, các quốc gia thành viên đẩy mạnh tập huấn thích hợp cho những người làm việc trong lĩnh vực hành chính luật pháp, bao gồm cảnh sát và các nhân viên của trại giam.”

Như vậy, theo quy định trên có thể thấy Công ước đã chú trọng ghi nhận quyền TCCL([4])của NKT theo một phương thức đặc biệt: với tính cách là những người thuộc nhóm xã hội dễ bị tổn thương, họ không chỉ có quyền bình đẳng trước pháp luật như những thành viên khác mà còn có quyền được trợ giúp để thực hiện các quyền năng pháp lí của họ. Đối với NKT,quyền TCCL là quyền có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi lẽ đây là công cụ pháp lí thiết yếu để ghi nhận, tôn trọng, đảm bảo, bảo vệ có hiệu quả cácquyền, lợi ích, giá trịnhân phẩm của họvới tính cách là nhóm người dễ bị tổn thươngtrong cộng đồng xã hội. Ở góc độ luật nhân quyền quốc tế, ngày nay,quyền TCCL đã được cộng đồng quốc tếphát triển vàghi nhận với nội dung sâu sắc và rộng lớn hơnnhiều so với trước đây. Quyền TCCLkhông chỉ là quyền được xét xử công bằng mà còn làquyền được đền bù hay khắc phục những bất công, thiệt thòi mà cá nhân, nhómcá nhân, đặc biệt là nhóm xã hội dễ bị tổn thương phải gánh chịu trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự đền bù hay khắc phục đó được thực hiện thông qua cơ hội tiếp cận một cách bình đẳng tới pháp luật và các thiết chế tư pháp chính thống (các cơ quan tư pháp của Nhà nước như cơ quan điều tra, công tố, toà án…) và không chính thống (luật tục, cơ chế hoàgiải dựa trên cộng đồng…).([5])

Cho đến nay, Liên hợp quốc cũng chưa có giải thích, bình luận chung nào liên quan đến khái niệm quyền TCCL của NKT.([6]) Nhưng trên tinh thần các quy định củaluật nhân quyền quốc tế nói chung vàCông ướcvề quyền của NKT nói riêng, có thể hiểuquyền TCCL của NKT mang hai nội dung cơ bảnsau:Một là NKT được cung cấpdịch vụ tư vấnpháp luật;Hai làNKT được trợgiúptham gia tố tụng(xét xử), thủ tục hành chính, thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính và các hoạt động khác liên quan đến pháp luật nhằm bảo vệcácquyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Từ góc độ trách nhiệm của Nhà nướcvà xã hội, đây cũng chính là nghĩa vụ, trách nhiệmcủa mỗi quốc gia thành viên Công ước, mỗi cộng đồng xã hộiphải bảođảm, thực thi và bảo vệquyền TCCLcủa NKT một cáchthực chất, hiệu quả.

2. Quyền được trợ giúp pháp lí của người khuyết tật theo pháp luật Việt Nam

Từ sau khi Việt Namkítham gia Công ước về quyền của NKT, về căn bản, quá trình xây dựng và ban hành Luật NKTnăm 2010và các văn bản quy phạm pháp luật kháccó liên quanđã được dựa trên cách nhìn mới, nhận thức mới về NKT. Đó là quá trình chuyển nhận thứcvề quyền của NKTtừ chỗmang tính bảo trợ,nhân đạo,ưu tiên sang ghi nhận, tôn trọng, đảm bảo quyền của NKT với tính cách làsựbiểu hiện cụ thể, sinh động về quyềncon người.

Trong khoa học pháp lí và luật nhân quyền quốc tế, quyền TCCL là khái niệm có ý nghĩa rộng lớn và phong phú. Tuy vậy, với tư cách là thành viên của các công ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam luôn coi trọng nghĩa vụ của mình trong bảo đảm và thực thi các quyền con người. Theo đó, các quyền cơ bản của công dân Việt Nam đã thể hiện được tinh thần chung trong các quy định về quyền TCCL mà pháp luật quốc tế ghi nhận. Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 kế thừa, phát huy truyền thống hiến pháp Việt Nam và cũng thể hiện thành tựu mới rất căn bản và quan trọng trong việc tuyên bố ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy không trực tiếp đề cập quyền TCCL nhưng tinh thần, tư tưởng chung của Hiến pháp là đề cao giá trị quyền con người, quyền công dân, đề cao giá trị dân chủ, nguyên tắc bình đẳng, công bằng và tiến bộ, không phân biệt đối xử trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Đối với NKT, Hiến pháp ghi nhận trực tiếp và bảo đảm quyền được hưởng phúc lợi, an sinh xã hội, quyền được trợ giúp (khoản 2 Điều 59), được giáo dục, học nghề (khoản 3 Điều 61). Từ trước, mặc dù chưa phê chuẩn Công ước về quyền của NKT nhưngvới tư cách là nước đã kí tham gia Công ước, Việt Nam cũng đã ghi nhận quyền được TGPL của NKT với tính cách làmột trong nhữngbiểu hiện cụ thể của quyền TCCL theotinh thần củaluật nhân quyền quốc tế.([7])

Ở Việt Nam, TGPL là loại hình dịch vụ được cung cấp miễn phí, có tính nhân văn sâu sắc nhằm hỗ trợ người được trợ giúplà những đối tượng thuộc chính sách xã hội của Nhà nướcnói chung và NKTnói riêng, tạo cơ hội cho họvươn lên hoà nhập bình đẳng, có hiệu quả vào đời sốngxã hội và đời sốngpháp lí nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ. Thông qua đó, nhận thức của xã hội về NKT, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức nhà nước đối với NKT cũng được nâng lên cao hơn.

Pháp luật Việt Namkhông trực tiếp ghi nhận “quyền tiếp cận công lí”([8])mà chỉ tuyên bố “quyền được trợ giúp pháp lí”. Luật NKT năm 2010 ghi rõ: “NKT được đảm bảo thực hiện quyền TGPL” (điểm d khoản 1 Điều 4 Luật NKT). Khái niệm TGPL ở Việt Nam được hiểu là hoạt độngcung cấp dịch vụpháp lí(miễn phí) cho một số đối tượngchính sách xã hội(trong đó có NKT)([9])nhằm hỗ trợ họ trong nhận thức pháp luật; tham gia tố tụng, thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại hành chính và các dịch vụ khác liên quan đến pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Theo Luật TGPL năm 2006 được ban hành từ trước khi Việt Nam kí tham gia Công ước về quyền của NKT, TGPL“là việc cung cấp dịch vụ pháp lí miễn phí cho người được TGPL theo quy định của Luật này, giúp người được TGPL bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lí, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật” (Điều 3 Luật TGPL). Khoản 3 Điều 10 Luật TGPL quy định “người tàn tậtvà trẻ emkhông nơi nương tựa”là một trong những đối tượngđược hưởng sự TGPL. Như vậy, quyền được TGPL là quyền của NKT với tính cách là một trong những nội dung(hoặc quyền) cụ thểthuộc quyền TCCL quy định trong Công ước về quyền của NKT đã được pháp luật Việt Nam ghi nhận từ trước và vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện theo tinh thần của Công ước.

Theo Luật TGPLnăm 2006 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, việc bảo đảm quyền này đối với NKTđược thể hiện trên những khía cạnh chủ yếu sau:

Thứ nhất,về hình thức TGPL, theo quy định từĐiều 27 đến Điều31 Luật TGPL, các hình thức TGPL gồm có:

Một là tư vấn pháp luật

Trợ giúp viên pháp lí, cộng tác viên, luật sư, tư vấn viên pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật cho người được TGPL bằng việc hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc TGPL.

Hai là tham gia tố tụng

Trợ giúp viên pháp lí, luật sư tham gia tố tụng hình sự để bào chữa cho người được TGPL là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc để bảo vệ quyền lợi của người được TGPL là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Trợ giúp viên pháp lí, luật sư tham gia tố tụng dân sự, tố tụng hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Ba là đại diện ngoài tố tụng

Trợ giúp viên pháp lí, luật sư thực hiện đại diện ngoài tố tụng cho người được TGPL khi họ không thể tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc đại diện ngoài tố tụng được thực hiện trong phạm vi yêu cầu của người được TGPL.

Bốn là các hình thức TGPL khác

Trợ giúp viên pháp lí, luật sư thực hiện các hình thức TGPL khác cho người được TGPL bằng việc giúp đỡ họ hoà giải, thực hiện những công việc liên quan đến thủ tục hành chính, khiếu nại và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

Thứ hai,về đối tượng được TGPL

Theo khoản 4 Điều 2 Nghị định của Chínhphủ số 70/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 quyđịnh chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điềucủa Luật TGPL: “Người tàn tật được TGPL quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật TGPL là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn hoặc là người bị nhiễm chất độc hoá học, bị nhiễm HIV hoặc bị các bệnh khác làm mất năng lực hành vi dân sự mà không có nơi nương tựa.”Quy định trên đây đã được sửa đổithành: “NKT theo Luật NKT là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn; người bị nhiễm chất độc hoáhọc, bị nhiễm HIV mà không có nơi nương tựa”.([10])

Để triển khai thực thi các quy định của LuậtTGPLvề vấn đề TGPL trong hoạt động tố tụng, năm 2007,Bộ tư pháp, Bộ công an, Bộ quốc phòng, Bộ tài chính, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTCngày 28/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng. Thông tư này tạo cơ sở pháp lí để triển khai ápdụng các quy định của Luật TGPL về TGPL trong hoạt động tố tụng.([11]) Về TGPL trong việc khiếu nại đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính, Bộ tư pháp và Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2011/TTLT-BTP-TTCP ngày 06/6/2011 hướng dẫn TGPL trong việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính.Nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động TGPL nói chung, năm 2008, Bộ trưởng Bộ tư pháp cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ TGPL, quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ TGPL.([12])

Sau khi Luật TGPL được ban hành, để thực thi quyền được TGPL của các đối tượng theo quy định, trong đó có NKT, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị về việc triển khai thi hành Luật TGPL.([13])Chỉ thị giao nhiệm vụ cho các bộ,ngành có trách nhiệm rà soát các quy định pháp luật về TGPL, xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành LuậtTGPL, xây dựng quy hoạch tổ chứcmạng lưới tổ chức TGPL; đào tạo,bồi dưỡng, phát triển đội ngũ trợ giúp viên pháp lí…Về chiến lược tổng thể, dài hạn phát triển lĩnh vực TGPL, ngày 10/5/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.([14]) Một trong những mục tiêu được nhấn mạnh ở đây là phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TGPL nhằm đảm bảo đủ năng lực thực hiện TGPL cho các đối tượng theo luật, trong đó có NKT.

Để trợ giúp NKT vượt qua các rào cản, khó khăn vươn lên hoà nhập cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 -2020. Với mục tiêu chung là “hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội”, Đề án xác định một số mục tiêu cụ thể trong lĩnh vựcTGPL, theo đó trong giai đoạn 2012 -2015có90% NKT được TGPL khi có nhu cầu, đến giai đoạn 2016 -2020có 100% NKT được TGPL khi có nhu cầu.([15]) Thực hiện Đề án, Bộ trưởng Bộ tư pháp cũng đã ra Quyết định ban hành Kế hoạch năm 2013 triển khai chính sách TGPL cho NKT, trong đó xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan, tổ chức có liên quan theo tiến độ thời gian.([16])

Bên cạnh những thành tựu bước đầu, về hoạt động TGPL nói chung, theo Báo cáo của Cục TGPL Bộ tư pháp, ở một số địa phương, chất lượng vụ việc TGPL còn nhiều hạn chế, nhất là vụ việc tư vấn và vụ việc tham gia tố tụng; hiệu quả TGPL lưu động chưa cao, sinh hoạt câu lạc bộ còn hình thức.([17]) Về diện đối tượng, đến nay người được TGPL chủ yếu là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với Cách mạng, người già cô đơn, NKT, trẻ em không nơi nương tựa. Về hình thức TGPL, các vụ việc chủ yếu được thực hiện bằng hình thức tư vấn pháp luật, hình thức tham gia tố tụng còn chưa cao so với tỉ lệ án đã thụ lí; lĩnh vực pháp luật chủ yếu là đất đai và dân sự, tỉ lệ số vụ việc lao động và hành chính còn thấp.([18]) Đối với công tác TGPL cho NKT, những hạn chế, bất cập hiện nay thể hiện ở những điểm sau:

Một là về tư vấn pháp luật, thông qua TGPL, NKT chủ yếu được tư vấn về các chế độ liên quan đến quyền, lợi ích của mình thông qua chính sách, pháp luật của Nhà nước, phần lớn là nhu cầu được giải đáp, tư vấn về chế độ chính sách bảo trợ xã hội, lao động, học nghề, đất đai, nhà ở.Quyền của NKT trên các lĩnh vực chính trị, văn hoá, giáo dục, du lịch, tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội; quyền TCCL, được TGPL chưa được quan tâm tương xứng.

Hai là về các hình thức TGPL khác như TGPL trong hoạt động tố tụng, ngoài tố tụng; thủ tục hành chính, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính… còn ít so với số vụ án đã thụ lí. Đặc biệt, số NKT được trợ giúp pháp lí trong hoạt động tố tụng lại càng ít hơn.

Trên thực tế, sự hoà nhập, tham gia bình đẳng của NKT vào đời sống xã hội nói chung cũng như đời sống pháp lí nói riêng ở Việt Nam hiện nay đã được cải thiện hơn so với trước khi có Luật NKT. Tuy nhiên, là nhómdễ bị tổn thươnglớn nhất, điều kiện sống của nhiềuNKT cònkhó khăn, phần lớn họsống ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; trình độ văn hoá thấp, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định. Bên cạnh đó sự kì thị, phân biệt đối xử vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Nhận thức của người dân nói chung và nhất là của nhiều cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức nhà nước về quyền của NKT chưa có sự chuyển biến căn bản. Chính những NKT cũng chưa hiểu biết đầy đủ, đúng đắn về quyền của mình. Các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NKT chưa được triển khai kịp thời và sâu rộng trong thực tiễn. Do vậy, sự tiếp cận của NKT nói chung và quyềnTCCL, quyền được TGPL nói riêng còn nhiều khó khăn. Quyền của họ trong lĩnh vực này chưa được đảm bảo thực thi một cách vững chắcvàcó hiệu quả.

3. Đánh giá sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế về quyền tiếp cận công lí và quyền được trợ giúp pháp lí của người khuyết tật

3.1. Về các quy định chung

- Quan điểm tiếp cận vấn đề khuyết tật, quyền của NKT theo pháp luật quốc tế (Công ước về quyền của NKT) mang tính triệt để, toàn diện và cơ bản hơn, xét từ góc độ tiếp cậnxã hội, dựatrên quyền con người. Điều này trước hết được thể hiện ngay ở khái niệm NKT. Theo quy định tại Điều 3 Công ướcvề quyền của NKT, “NKTbao gồm những người bị suy giảm về thể chất, thần kinh, trí tuệ hay giác quan trong một thời gian dài, có ảnh hưởng qua lại với hàng loạt những rào cản có thể cản trở sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác”.Trong khi đó, theo Luật NKT Việt Nam, “NKTlà người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.Định nghĩa này của Luật NKT Việt Nam tuy mang tính thực tế nhưng chưa thật sự đứng trên quan điểm, góc nhìn vấn đề khuyết tật từ phía xã hội mà thiên về phía bản thân người khuyết tật, có ý nhấn mạnh điều kiện, hoàn cảnh cá nhân, thân trạng yếu thế hay bất lợi của họ (người bị khiếm khuyết, suy giảm… gặp khó khăn…). Hơn nữa, định nghĩa NKT của Luật NKT Việt Nam cũng chưa nêu bật được yếu tố quyền của NKT là quyền được tham gia đầy đủ, có hiệu quả, một cách bình đẳng với những người khác vào đời sống xã hội).

- Để bảo đảm quyền của NKT được hoà nhập, tham gia một cách đầy đủ, bình đẳng với những người khác vào đời sống xã hội, bên cạnh những nguyên tắc chung, Công ước về quyền của NKT còn ghi nhận một cách cụ thể, rõ ràng quyền tiếp cận với tính cách là quyền đặc thù của NKT (quyền này tạo nên sự cân bằng, bình đẳng về cơ hội nhằm tạo điều kiện để NKT hoà nhập cộng đồng). Tiếp cận theo quan điểm của Công ước có tính sâu sắc, toàn diện hơn, không chỉ là tiếp cận môi trường vật chất, các dịch vụ thông dụng mà còn là tiếp cận pháp luật, TCCL, tiếp cận đến các quyền của mình một cách đầy đủ, bình đẳng. Trong khi đó, Luật NKT Việt Nam quan niệm tiếp cận tuy cũng với ý nghĩa là “sử dụng được” nhưng ở phạm vi hẹp hơn, chủ yếu đối với môi trường vật chất và các dịch vụ thông dụng như nhà chung cư, công trình xây dựng, giao thông công cộng, công nghệ thông tin, các dịch vụ văn hoá, thể thao, du lịch… Khái niệm tiếp cận như vậy chưa bao hàm hết ý nghĩa của nguyên tắc tiếp cận đã được ghi nhận trong Công ước về quyền của NKT (điểm f Điều 3).

- Về phạm vi các quyền của NKT được tuyên bố, ghi nhận, Công ước về quyền của NKT mang tính đầy đủ, trọn vẹn và sâu sắc hơn. Trên cơ sở Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người, các công ước về quyền dân sự, chính trị, công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá năm 1966, Công ước về quyền của NKT đã tiếp tục cụ thể hoá, phát triển những nguyên tắc chung thành các quy định đặc thù thích hợp với đối tượng hưởng quyền là những NKT. Trước hết, với tính cách là một trong những nhóm xã hội dễ bị tổn thương, là một bộ phận cấu thành khách quan của cộng đồng xã hội mang tính đa dạng, những NKT được thừa nhận, tôn trọng phẩm giá, các quyền và tự do của họ theo nguyên tắc bình đẳng với mọi người khác, không phân biệt đối xử trên tất cả các lĩnh vực. Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam cũng đã ghi nhận nguyên tắc này. Tuy nhiên, đó mới là nguyên tắc Hiến pháp (có tính khái quát rất cao), chúng ta chưa có đủ các quy định cụ thể của luật để triển khai thi hành hiến pháp. Công ước về quyền của NKT ghi nhận một cách trực tiếp, toàn diện, cụ thể các quyền của NKT hơn so với pháp luật Việt Nam. Chẳng hạn, quyền tham gia đời sống chính trị và cộng đồng (Điều 29); quyền TCCL (Điều 13); quyền di chuyển cá nhân (Điều 20)… Ngoài ra, nhiều quyền trên các lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm, giáo dục, học nghề, an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, văn hoá, thể thao, du lịch, giải trí… được ghi nhận và bảo đảm ở mức độ cao hơn, chẳng hạn quyền được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đạt tiêu chuẩn cao nhất (Điều 25), quyền có mức sống và bảo trợ xã hội đầy đủ cho bản thân và gia đình NKT (Điều 28).([19])

Những vấn đề chung nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng vì chúng định hướng, tạo lập nguyên tắc thống nhất các quy định cụ thể về quyền TCCL và quyền được TGPL của NKT. Chúng xác định phạm vi chủ thể có quyền; nội dung, tính chất các quyền vốn có của họ được ghi nhận, trên cơ sở đó mới xác định được đầy đủ ý nghĩa quyền TCCL, quyền được TGPL (theo những lĩnh vực nào, có đầy đủ, toàn diện và bình đẳng không…).

3.2. Các quy định về quyền TCCL, được TGPL của NKT

- Luật NKT năm 2010 Việt Nam chỉ quy định quyền được TGPL, khôngtrực tiếpquy định quyền TCCL. Xét về mục đích, quyền TGPL nhìn chung chưa thể hiện một cách thật sự đầy đủ ý nghĩa của quyền tiếp cận (quyền đặc trưng, có ý nghĩa bao trùm và sâu sắc nhất để giải quyết vấn đề khuyết tật và quyền của NKT), đó là tiếp cận để thụ hưởng các giá trị cao cả, nhân văn của công lí. Trong khi đó, như trên đã đề cập, bên cạnh ghi nhận NKT có quyền TCCL một cách bình đẳng, việc bảo đảm quyền được hỗ trợ để NKT thực thi năng lực pháp lí của mình cũng được Công ước đặt thành trách nhiệm pháp lí của mọi thành viên.

- Trong pháp luật quốc tế, tất cả những NKT đều có quyền được hưởng sự hỗ trợ TCCL.([20]) Trước đây, chính sách TGPL đối với NKT còn có sự hạn chế ở phạm vi đối tượng được hưởng quyềnhẹp hơn so với quy định về quyền TCCL của NKT đã được ghi nhận trong Công ước về quyền của NKT và quyền được TGPL của NKT được quy định trong Luật NKT. Theo đó, cách quy định như Luật TGPL và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được hiểu là chỉ có NKT “không có nơi nương tựa” mới được TGPL.([21]) Nghị định của Chính phủ số 14/2013/NĐ-CPngày 05/02/2013về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định của Chính phủ số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/10/2007 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TGPL được ban hành đầu năm 2013 đã thể hiện rõ hơn về quyền được TGPL của tất cả những NKT như tinh thần Công ước và Luật NKT năm 2010.([22])Các chính sách của Nhà nước thể hiện qua các đề án của Chính phủ, kế hoạch của Bộ tư pháp về TGPL cho NKT được ban hành và triển khai gần đây cũng mới thể hiện đượcrõ ràng quan điểm thừa nhận và đảm bảo thực thi quyền được TGPL của mọi NKT. Rõ ràng ở đây chính sách, pháp luật về TGPL đã có độ “trễ” và “vênh” so với Luật NKT trong một thời gian. Tuy đã được khắc phục về nội dung nhưng theo quan điểm của chúng tôi, cần khẳng định quyền này của NKT một cách trực tiếp, rõ ràng, minh bạch trong văn bản luật chứ không phải nghị định.

- Vấn đề quan trọng khác là pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng cũng như trong hoạt động giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính vẫnchưa có quy định riêng dành cho NKT với tính cách là đối tượng đặc thù cần được sự hỗ trợ ở mức độ nhất định của Nhà nước, của xã hội để họ có thể tiếp cận được,hoà nhập vàođời sống tư pháp, tham gia một cách bình đẳng vào quá trình tố tụng cũng như các thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại hành chính…([23]) Tinh thần chung trong các quy định của pháp luật quốc tế là quyền TCCL, quyền được TGPL của NKT không bị giới hạn ở bất cứ lĩnh vực nào. Hiến pháp năm 2013 cũng đã khẳng định nguyên tắc không ai không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội (Điều 16). Có thể nói, ở góc độ TGPL cho các đối tượng chính sách nói chung, pháp luật Việt Nam đã có quy định khá đầy đủ, cụ thể và tương đối toàn diện. Nhưng đối với NKT, pháp luật về TGPL vẫn còn thiếu những quy định cụ thể thích hợp với loại đối tượng này.

4. Một số ý kiến đề xuất

Qua nghiên cứu những quy định của pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế về quyền TCCL, quyền được TGPL của NKT cũng như thực tiễn bảo đảm thực thi các quyền của NKT ở Việt Nam, từ bình diện so sánh, đánh giá sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế, trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam (Khoá XIII) sẽ xem xét phê chuẩn Công ước về quyền của NKT trong kì họp thứ 8 sắp tới, tác giả xin nêu một số kiến nghị, đề xuất sau:

Thứ nhất, để thực hiện cam kết chính trị của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, cần khẩn trương hoàn tất công việc chuẩn bị trình Quốc hội phê chuẩn Công ước về quyền của NKT. Có thể nói phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước về quyền của NKT là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay. Theo thông tin cập nhật đến ngày 24 tháng 9 năm 2014 đã có 159 nước kí, 151 nước phê chuẩn hoặc gia nhập. Thậm chí đối với Nghị định thư không bắt buộc cũng đã có 92 nước kí, 85 nước đã phê chuẩn hoặc gia nhập.([24])

Thứ hai, tiếp tục tiến hành nội luật hoá, đảm bảo đầy đủ, toàn diện các quyền của NKT đã được ghi nhận trong Công ước về quyền của NKT, trong đó có quyền TCCL, quyền được TGPL theo quan điểm tiếp cận vấn đề khuyết tật, quyền của NKT dựa trên các nguyên tắc căn bản về quyền con người. Cần sửa đổi quy định của Luật TGPL, đặt trong mối liên hệ phối hợp với Luật NKT, theo hướng khẳng định trực tiếp, rõ ràng: NKT có quyền được TGPL và NKT là đối tượng được TGPL. Mặt khác, thứ tự sắp xếp các đối tượng được TGPL trong Luật TGPL cũng nên thay đổi cho phù hợp hơn, không nên xếp các đối tượng là những người có công với cách mạng, những đối tượng thuộc nhóm dễ bị tổn thương (trong đó có NKT) sau người nghèo, mặc dù chính sách của Nhà nước về xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ đối với người nghèo vẫn là nội dung lớn, có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống chính sách xã hội của Việt Nam.

Thứ ba, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo cơ sở pháp lí toàn diện, đầy đủ, phù hợp, vững chắc nhằm đảm bảo quyền TCCL và quyền được TGPL của NKT trên tất cả các lĩnh vực (tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, tham gia thủ tục hành chính, thủ tục giải quyết khiếu kiện hành chính và các thủ tục khác) của hoạt động này. Hoàn thiện pháp luật TGPL nhằm đảm bảo về mặt pháp lí hỗ trợ NKT tham gia một cách bình đẳng vào đời sống xã hội và tiếp cận có hiệu quả với hệ thống pháp luật, hoạt động hành chính, tư pháp… bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Thứ tư, về việc triển khai các chương trình kế hoạch thực thi, cần có sự đầu tư nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các quốc gia tiên tiến về vấn đề TGPL cho NKT; cần đẩy nhanh quá trình điều tra khảo sát, xây dựng mô hình thích hợp để thực hiện việc TGPL có hiệu quả đối với từng loại khuyết tật; đặc biệt cần khẩn trương xây dựng và thực hiện nghiêm túc cơ chế phối hợp liên ngành trong quá trình TGPL cho NKT trong hoạt động tố tụng, trong thủ tục hành chính, giải quyết khiếu kiện hành chính; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và chính NKT về pháp luật NKT nói chung cũng như quyền được TGPL của NKT nói riêng.

Thứ năm, cần nghiên cứu, áp dụng các giải pháp đồng bộ để đảm bảo chất lượng, hiệu quả TGPL nói chung và TGPL cho NKT nói riêng. Bên cạnh lực lượng nòng cốt là các trung tâm TGPL nhà nước và các chi nhánh của trung tâm, cần mở rộng thêm, tạo điều kiện hỗ trợ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ và các mặt khác để các cá nhân, tổ chức, nhất là tổ chức của NKT và vì NKT có đủ điều kiện được tham gia hoạt động TGPL cho NKT.([25])

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức về quyền con người, quyền công dân, quyền của NKT (trong đó có quyền TCCL và quyền được TGPL); bên cạnh cơ chế giám sát việc thực thi Hiến pháp và pháp luật, khi đã trở thành thành viên chính thức của Công ước về quyền của NKT chúng ta cũng nên coi trọng giám sát việc thực thi Công ước, trong đó có sự giám sát của cộng đồng, của các tổ chức xã hội của và vì NKT./.

TS. TRẦN THÁI DƯƠNG

(Trường Đại học luật Hà Nội)

Bài viết đã đăng trên Tạp chí Luật học số ra tháng 10 năm 2014, trang 12

([1]). “Access to justice”, tuỳ theo văn cảnh có thể hiểu là tiếp cận công lí/pháp luật/tư pháp/công bằng.

([2]).Xem: Văn phòng Cao uỷ Liên hợp quốc về quyền con người, Hội luật sư quốc tế, Quyền con người trong quản lí tư pháp - Tài liệu hướng dẫn quyền con người dành cho thẩm phán, công tố viên và luật sư (sách tham khảo), Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người và cơ chế thực hiện (Chương 2), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009.

([3]).Xem: ThS. Nguyễn Xuân Tùng, Về khái niệm cônglí trong Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tại Việt Nam, nguồn: http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=4524(truy cập ngày 19/9/2014).

([4]). Justice là từ có nguồn gốc Latin (justio), nghĩa là “công lí”/”công bằng”, “tư pháp” (xét xử). Cũng có tài liệu dịch“access to justice” trong Điều 13 Công ước về quyền của NKT là “quyền tiếp cận các dịch vụ tư pháp”. Xem: Hội đồng phối hợp công tác giáo dục, phổ biến pháp luật của Chính phủ, Đặc san tuyên truyền pháp luật số 5 - chủ đề Luật NKT, Hà Nội, 2010, tại trang thông tin về phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ tư pháp, nguồn: http://moj.gov.vn/pbgdpl/AnPham/Lists/ TapSan/View_Detail.aspx?ItemID=47(truy cập ngày 20/9/2014).

Xem: TS. Nguyễn Văn Thảnh, ThS. Nguyễn Thị Hạnh, Tổng hợp các quy định tố tụng hình sự, dân sự, hành chính về quyền tiếp cận công bằng; Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 107 (tháng 10 năm 2007). Nguồn: http://www.nclp.org.vn (truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2014).

([5]).Xem: Vũ Công Giao, “Tiếp cận công lí và các nguyên lí của nhà nước pháp quyền”, Tạp chí khoa học Đại học quốc gia Hà Nội, Luật học, số25/2009, tr. 188-194.

([6]). Tuy vậy, chúng ta có thể tham khảo cách giải thích của ông Victor Santiago Pineda - người sáng lập Quỹ Victor Pineda và là đại biểu trẻ nhất thuộc khối chính phủ của Uỷ ban đặc biệt có nhiệm vụ soạn thảo Công ước về quyền của NKT, như sau: “Nếu bạn bị thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của người khác, bạn chứng kiến người khác bị thiệt hại hoặc bạn bị cáo buộc đã vi phạm pháp luật, bạn có quyền được đối xử công bằng trong suốt quá trình vụ án liên quan đến bạn được điều tra, xử lí. Bạn có quyền được hỗ trợ bày tỏ ý kiến của mình trong tất cả các quá trình tư pháp”. Như vậy, cách giải nghĩa này tập trung vào khía cạnh tiếp cận hoạt động tư pháp, theo quá trình tố tụng xét xử và ở góc độ quyền được đối xử công bằng. Xem: Victor Santiago Pineda, Chúng ta có thể! Giải thích Công ước về quyền của NKT,sách do Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc xuất bản, 2008, tr.12.

Nguồn: http://www.unicef.org/vietnam/vi/resources_12638.html(truy cập ngày 18/8/2013).

([7]). Ngày 20/12/2012, Đại hội đồng Liên hợp quốccũng đã ra Tuyên bố mới nhất về tiếp cận TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự, theo đó 2 nguyên tắc (trong số 14 nguyên tắc) được đề cập trước tiên là: “Nhà nước cần bảo đảm quyền được TGPL trong hệ thống pháp luật quốc gia ở mức độ cao nhất có thể” (nguyên tắc 1); “Nhà nước cần coi TGPL như trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, cần quan tâm đến việc ban hành các văn bản pháp luật cụ thể và các hướng dẫn để bảo đảm có một hệ thống TGPL phù hợp để có thể tiếp cận, hiệu quả và đáng tin cậy. Nhà nước cần bố trí nguồn lực con người và tài chính cần thiết cho hệ thống TGPL”. (nguyên tắc thứ 2).Nguồn: http://trogiupphaply.gov.vn(truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2014).

([8]). Cụm từ “tiếp cận công lí”được sử dụng trong Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (ban hành theo Nghị quyết của Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng số 49-NQ/TƯ ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

([9]). Theo quy định tại Điều 10 Luật TGPL năm 2006, các đối tượng được TGPL gồm: Người nghèo; người có công với Cách mạng; người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

([10]).Xem: Nghị định của Chính phủ số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định của Chính phủ số 70/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL.

([11]). Hiện nay, Thông tư này được thay thế bằng Thông tư liên tịch của Bộ tư pháp, Bộ công an, Bộ quốc phòng, Bộ tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTCngày 04/7/2013hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng.

([12]).Xem: Thông tư của Bộ tư pháp số 05/2008/TT-BTPngày 23/9/2008 hướng dẫn về nghiệp vụ TGPL và quản lí nhà nước về TGPL, Quyết định của Bộ tư pháp số 11/2008/QĐ-BTP ngày 29/12/2008 ban hành Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, Quyết định số 03/2008/QĐ-BTP ngày 28/02/2008 ban hành Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ TGPL…

([13]). Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 35/2006/CT-TTgngày 13/10/2006 về việc triển khai thi hành Luật TGPL.

([14]).Xem: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 678/2011/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 về phê duyệt Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

([15]).Xem: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1019/2012/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 về việc phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020.

([16]).Xem: Quyết định của Bộ trưởng Bộ tư pháp số 3888/2012/QĐ-BTP ngày 18/12/2012 quyết định về việc ban hành kế hoạch năm 2013 triển khai thực hiện chính sách TGPL cho NKT.

([17]).Xem: Cục TGPL, Bộ tư pháp,Những thành tích nổi bật trong công tác TGPL năm 2012, tlđd.

([18]).Xem: Cục TGPL, Bộ tư pháp, Những thành tích nổi bật trong công tác TGPL năm 2012, tlđd.

([19]).Ví dụ: “Các quốc gia thành viên công nhận quyền của người khuyết tật có được mức sống đầy đủ cho bản thân và gia đình họ, bao gồm có đủ thức ăn, quần áo và nhà ở, và có quyền không ngừng cải thiện điều kiện sống.”(khoản 1 Điều 28Công ước về quyền của NKT)

([20]). Nguyên tắc thứ 10 trong Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 20 tháng 12 năm 2012 về tiếp cận TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự có đoạn ghi rõ:“Các biện pháp đặc biệt nên được áp dụng để bảo đảm tiếp cận TGPL có ý nghĩa đối với phụ nữ, trẻ em và nhóm người có nhu cầu đặc biệt, bao gồm người già, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật…”. Nguồn: tlđd ở chú thích số (7).

([21]). Khoản 3 Điều 10 Luật TGPL, khoản 4 Điều 2 Nghị định của Chính phủ số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL,nội dung hướng dẫn về người được TGPL đăng trên trang thông tin điện tử của Cục TGPL,Bộ tư phápnhư sau: “Người tàn tật không nơi nương tựa:

Người tàn tật không nơi nương tựa là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn hoặc là người bị nhiễm chất độc hoá học, bị nhiễm HIV hoặc bị các bệnh khác làm mất năng lực hành vi dân sự mà không có nơi nương tựa”, nguồn: http://tgpl.gov.vn/Nguoi-duoc-tro-giup-phap-ly-newsview.aspx?cate=123&id=128 (truy cập ngày 20/6/2011).

([22]).Xem: Điều 1 Nghị địnhcủa Chính phủ số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị địnhcủa Chính phủsố 07/2007/NĐ-CPngày 12/01/2007về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TGPL.

([23]). Có thể thấy rõ điều này qua Thông tư liên tịch của Bộ tư pháp, Bộ công an, Bộ quốc phòng, Bộ tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định TGPL trong hoạt động tố tụng; Thông tư liên tịch của Bộ tư pháp, Bộ công an, Bộ quốc phòng, Bộ tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTCngày 04/7/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng thay thế cho Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT; Thông tư liên tịch của Bộ tư pháp, Thủ tướng Chính phủ số 10/2011/TTLT-BTP-TTCPngày 06/6/2011 về hướng dẫn thực hiện TGPL trong giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính.   

([24]). Samoa kí ngày 24/9/2014; Guinea-Bissau phê chuẩn 24/9/2014; Guyana phê chuẩn ngày 10/9/2014; Congo (Republic of the) phê chuẩn ngày 2/9/2014.Nguồn: http://www.un.org/disabilities/latest.asp?id=169

([25]). Nguyên tắc thứ 14 trong Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc về tiếp cận TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự ngày 20 tháng 12 năm 2012 đã ghi: “Nhà nước nên thừa nhận và khuyến khích sự đóng góp của hiệp hội luật sư, trường đại học, xã hội dân sự và các tổ chức khác tham gia TGPL.

Khi thấy phù hợp, các hình thức đối tác công - tư nên được thiết lập để mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ TGPL.”