Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Các tranh chấp lao động cá nhân không phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên

  • Thực hiện: Lê Thảo
  • 09/08/2023

Câu hỏi: Khi phát sinh tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động thì người lao động có thể lựa chọn cơ quan nào để giải quyết tranh chấp lao động cho mình? Theo tôi tìm hiểu được thì các tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động. Vậy có trường hợp nào mà tranh chấp lao động cá nhân không phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên không? Cảm ơn đã tư vấn!

Phòng Luật - ACDC tư vấn:

Căn cứ Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:

(1) Hòa giải viên lao động;

(2) Hội đồng trọng tài lao động;

(3) Tòa án nhân dân.

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động như sau:

1. Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại”.

Như vậy, theo quy định trên, các tranh chấp lao động cá nhân đều phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết. Trong trường hợp các tranh chấp lao động cá nhân thuộc một trong các trường hợp được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu trên thì tranh chấp đó không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline:
 024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.