Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Mức trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động một lần

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 05/03/2023

Câu hỏi: Tôi là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được 01 năm với tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 5 triệu đồng. Cuối năm 2022, tôi bị tai nạn lao động, đến đầu năm nay, sau khi được điều trị ổn định, tôi đã được giám định thương tật tại Hội đồng giám định y khoa với kết luận là tôi bị suy giảm khả năng lao động 20%. Tôi đã nộp các hồ sơ, giấy tờ cho công ty nơi làm việc để hưởng chế độ tai nạn lao động và đang chờ giải quyết. Cho tôi hỏi các khoản trợ cấp mà tôi có thể nhận được sẽ bao gồm những khoản nào? Xin cảm ơn!

Phòng Luật - ACDC tư vấn:

Theo quy định pháp luật hiện hành, anh/chị là người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) bị suy giảm khả năng lao động 20% do bị tai nạn và đáp ứng các điều kiện tại khoản 1, khoản 3 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì sẽ được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được xác định theo khoản 2 Điều 48 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, khoản 1 Điều 9 Thông tư số 28/2021/TT-BLĐTBXH, bao gồm các khoản sau:

(1) Khoản trợ cấp tính theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

Công thức tính:

Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động = 5 x Lmin + (m-5) x 0,5 x Lmin

(Trong đó:

Lmin: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.

m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (lấy số tuyệt đối 5 ≤ m ≤ 30))

(2) Khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN:

+ Tham gia đóng vào quỹ từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương này;

+ Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

Công thức tính:

Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN = {0,5 x L + (t-1) x 0,3 x L}

 (Trong đó:

- L: Mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định tại khoản 7 Điều 11 Nghị định số 88/2020/NĐ- CP.

- t: tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ TNLĐ, BNN theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP).

Đối chiếu quy định trên, trong trường hợp của anh/chị:

+ Anh/chị bị suy giảm khả năng lao động 20%, mức lương cơ sở tính đến thời điểm cuối năm 2022 là 1.490.000 đồng/tháng thì anh/chị được hưởng: 5 x 1.490.000 + (20 - 5) x 0,5 x 1.490.000 = 18.625.000 đồng.

+ Anh/chị có tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ TNLĐ, BNN là 01 năm, mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN tại tháng liền kề trước khi bị tai nạn lao động cuối năm 2022 là 5.000.000 đồng thì khoản trợ cấp anh/chị nhận được là: 0,5 x 5.000.000 = 2.500.000 đồng.

Như vậy, mức trợ cấp một lần của anh/chị là: 18.625.000 + 2.500.000 = 21.125.000 (đồng).

----------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 
024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.