Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Giải quyết trường hợp một người khuyết tật đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 01/03/2023

Câu hỏi: Tôi là người khuyết tật vận động nặng, đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Năm ngoái, tôi đã lắp chân giả và được nhận vào làm tại một doanh nghiệp. Khi ký hợp đồng lao động, đại diện công ty cho biết, do ký hợp đồng một năm nên tôi sẽ phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc. Cho tôi hỏi tôi đang có Bảo hiểm y tế của người khuyết tật rồi thì có phải đóng bảo hiểm y tế tại công ty không? Hơn nữa, nếu đóng bên công ty thì tôi có tiếp tục được dùng bảo hiểm y tế của người khuyết tật không vì theo tôi được biết thì bảo hiểm y tế của người lao động chỉ được hưởng 80% trong khi bảo hiểm y tế người khuyết tật của tôi được hưởng 100%. Xin cảm ơn!

Phòng Luật - ACDC tư vấn:

* Về trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế:

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, anh/chị là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Anh/chị phải tham gia đóng bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Bảo hiểm y tế).

Khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế quy định: “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”.

Đối chiếu quy định trên đây với trường hợp của anh/chị: Khi anh/chị ký hợp đồng lao động xác định thời hạn với công ty, anh chị tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc theo diện Nhóm 1 – Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế). Trong khi đó, anh/chị được cấp bảo hiểm y tế miễn phí đối với người khuyết tật hưởng trợ cấp hàng tháng thuộc Nhóm 3 - Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng (quy định tại điểm g khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế).

Như vậy, anh/chị phải đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà anh chị được xác định theo thứ tự của các đối tượng theo quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế, tức là tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm 1 (do người lao động và người sử dụng lao động đóng) và thẻ bảo hiểm y tế theo nhóm 3 (Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng) được cấp trước đó sẽ được báo giảm.

* Về mức hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế:

Khoản 2 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế quy định: Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.

Căn cứ quy định trên đây, anh/chị tham gia bảo hiểm y tế theo đối tượng người lao động với mức hưởng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, anh/chị cũng là người khuyết tật nặng, được cấp bảo hiểm y tế với mức hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Như vậy, anh/chị sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất. Để được đổi quyền lợi bảo hiểm y tế cao hơn, anh/chị cần liên hệ với nhân viên phụ trách công tác bảo hiểm xã hội của công ty, cung cấp được Giấy xác nhận khuyết tật để làm hồ sơ nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ bảo hiểm y tế để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

----------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 
024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.