Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chuyển đến nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 08/11/2022

Câu hỏi: Tôi là người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại thành phố H.N. Nay do có việc gia đình nên tôi phải về quê và muốn chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp về quê nhà là tỉnh N.B. Cho hỏi tôi có thể chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp từ thành phố H.N về tỉnh N.B được không? Thủ tục như thế nào? Xin cảm ơn!

Phòng Luật - ACDC tư vấn:

Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp quy định:

“1. Người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp”.

Căn cứ vào quy định trên đây, anh/chị là người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại thành phố H.N mà có nhu cầu thì có thể chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh N.B khi đáp ứng đủ điều kiện đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp tại nơi đã đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp trước đó (thành phố H.N) theo quy định.

Trình tự, thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 10 Điều 1, Điều 2 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP) như sau:

Bước 1: Người lao động làm Đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo Mẫu số 10 Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH) và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của người lao động, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm cung cấp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động và gửi Giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động chuyển đến.

Hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:

- Đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động;

- Giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Bản chụp quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Bản chụp các quyết định hỗ trợ học nghề, quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có);

- Bản chụp thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng (nếu có), các giấy tờ khác có trong hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bước 3: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cung cấp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động chuyển đi gửi thông báo về việc chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để dừng việc chi trả trợ cấp thất nghiệp.

Bước 4: Người lao động gửi hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp tới Trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đến.

Bước 5: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp do người lao động chuyển đến, trung tâm dịch vụ việc làm gửi văn bản đề nghị Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nơi chuyển đến để tiếp tục thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động kèm theo bản chụp quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Bước 6: Tổ chức bảo hiểm xã hội nơi người lao động chuyển đến hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định của pháp luật.

----------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 
024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.