Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quy định của pháp luật về ban vận động thành lập hội

  • Thực hiện: Mỹ Hạnh
  • 16/08/2022

Câu hỏi: Tôi nghe nói, nếu muốn thành lập hội thì những người sáng lập phải thành lập Ban vận động thành lập hội. Xin hỏi như vậy có đúng không? Hiện nay pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này? Xin cảm ơn!

Phòng Luật - ACDC tư vấn:

Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội quy định như sau:

“1. Muốn thành lập hội, những người sáng lập phải thành lập ban vận động thành lập hội. Ban vận động thành lập hội được cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động công nhận.”.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì muốn thành lập hội, những người sáng lập phải thành lập ban vận động thành lập hội.

Bên cạnh đó, căn cứ các khoản 2,3,4,5 và 6 Điều 6 Nghị định số 45/2010/NĐ-CPKhoản 1 Điều 1 Nghị định 33/2012/NĐ-CP quy định một số vấn đề về ban vận động thành lập hội như sau:

Thứ nhất, về người đứng đầu ban vận động thành lập hội là công dân Việt Nam, sống thường trú tại Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khoẻ và có uy tín trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động.

Thứ hai, số thành viên trong ban vận động thành lập hội được quy định như sau (phụ thuộc vào phạm vi hoạt động của Hội):

- Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất mười thành viên;

- Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, có ít nhất năm thành viên;

- Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã, có ít nhất ba thành viên;

- Hiệp hội của các tổ chức kinh tế có phạm vi hoạt động cả nước có ít nhất năm thành viên đại diện cho các tổ chức kinh tế; đối với hiệp hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất ba thành viên đại diện cho các tổ chức kinh tế trong tỉnh.

Thứ ba, hồ sơ đề nghị công nhận ban vận động thành lập hội lập thành hai bộ, hồ sơ gồm:

- Đơn xin công nhận ban vận động thành lập hội, trong đơn nêu rõ tên hội, tôn chỉ, mục đích của hội, lĩnh vực mà hội dự kiến hoạt động, phạm vi hoạt động, dự kiến thời gian trù bị thành lập hội và nơi tạm thời làm địa điểm hội họp;

- Danh sách và trích ngang của những người dự kiến trong ban vận động thành lập hội: họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; trú quán; trình độ văn hóa; trình độ chuyên môn.

Thứ tư, về công nhận ban vận động thành lập hội:

- Về cơ quan có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội (phụ thuộc vào phạm vi hoạt động của hội). Theo đó:

+ Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh;

+ Sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh;

+ Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã.

Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ủy quyền cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất, giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã, thì phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong xã;

- Về thời hạn công nhận ban vận động thành lập hội: Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định như trên có trách nhiệm xem xét, quyết định công nhận ban vận động thành lập hội; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Thứ năm, về nhiệm vụ của ban vận động thành lập hội sau khi được công nhận:

- Vận động công dân, tổ chức đăng ký tham gia hội;

- Hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập hội theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP. Sau khi đã hoàn tất việc trù bị thành lập hội, ban vận động thành lập hội gửi một bộ hồ sơ đến: Bộ Nội vụ đối với hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh; Sở Nội vụ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, huyện, xã; Phòng Nội vụ (trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập hội có phạm vi hoạt động trong xã).

Lưu ý: Ban vận động thành lập hội tự giải thể khi đại hội bầu ra ban lãnh đạo của hội.

----------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 
024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.