Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Cản trở người khuyết tật kết hôn có vi phạm pháp luật không?

  • Thực hiện: Lê Thảo
  • 10/07/2022

Câu hỏi: Tôi là một người khuyết tật vận động. Sắp tới tôi có dự định kết hôn, nhưng tôi đang lo lắng rằng việc kết hôn của mình sẽ bị mọi người ngăn cản. Vậy cho hỏi việc cản trở kết hôn đối với người khuyết tật có vi phạm pháp luật không? Nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào? Xin cảm ơn!

Phòng Luật - ACDC tư vấn:

Căn cứ quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì cản trở kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Trong đó, điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 bao gồm các điều kiện sau:

(1) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

(2) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

(3) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

(4) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn.

Như vậy, nếu trong trường hợp, anh/ chị là người khuyết tật nhưng đáp ứng đủ bốn điều kiện trên thì anh/chị có thể kết hôn theo quy định mà không ai được đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của mình. Trong trường hợp có người cản trở kết hôn thì hành vi này được xem là vi phạm pháp luật, tương ứng với từng hành vi và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

* Xử phạt vi phạm hành chính:

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em thì người có hành vi cản trở quyền kết hôn của người khuyết tật sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

* Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Căn cứ Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện như sau:

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm”.

Như vậy, hành vi cản trở người khuyết tật đăng ký kết hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

----------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 
024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.