Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Những trường hợp được nhận bảo hiểm xã hội một lần mà người khuyết tật cần biết?

  • Thực hiện: Lê Thảo
  • 07/07/2022

Câu hỏi: Đối với những lao động là người khuyết tật có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì trong những trường nào thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần? Mong sớm được tư vấn, xin cảm ơn!

Phòng Luật - ACDC tư vấn:

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người lao động (bao gồm người khuyết tật) là công dân Việt Nam có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nếu đáp ứng một trong các điều kiện được quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì họ sẽ được nhận bảo hiểm xã hội một lần, cụ thể:

Trường hợp 1: Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong đó:

(1) Người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:

- Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

- Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

- Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

- Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

- Người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí nghỉ việc thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi;

+ Nam từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

+ Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

(2) Người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu.

Trường hợp 2: Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 4 Thông tư 56/2017/TT-BYT về hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế bao gồm:

- Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

- Các bệnh, tật ngoài các bệnh thuộc trường hợp đã liệt kê trên có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

Trường hợp 3: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Trường hợp 4: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc một trong các trường hợp sau đây khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu:

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.

- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.

Trường hợp 5: Ra nước ngoài để định cư.

----------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 
024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.