Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Điều kiện để Tòa án có quyền tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự

  • Thực hiện: Mỹ Hạnh
  • 28/10/2021

Câu hỏi: Tôi muốn hỏi điều kiện để Tòa án có quyền tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự được quy định như thế nào? Xin cảm ơn!

Phòng Luật – ACDC tư vấn:

Căn cứ khoản 3 Điều 111 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau: Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quy định tại Điều 135 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 114 của Bộ luật này trong trường hợp đương sự không yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Cụ thể hơn, tại Điều 5 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24 tháng 9 năm 2020 của Hội đồng thẩm phán nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:

Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó liên quan đến vụ án đang giải quyết;

2 Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là thực sự cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách và thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 114 và các điều từ Điều 115 đến Điều 119 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Theo đó, các khoản 1,2,3,4 và 5 Điều 114 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015  quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Các điều từ Điều 115 đến Điều 119 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định cụ thể hơn về áp dụng từng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo đó:

- Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục được áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến những người này mà họ chưa có người giám hộ. Việc giao người chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người đó (Điều 115 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

- Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu cấp dưỡng và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ và nếu không thực hiện trước ngay một phần nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của người được cấp dưỡng (Điều 116 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

- Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm được áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm (Điều 117 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

- Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động được áp dụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động về tiền lương, tiền bảo hiểm, tiền bồi thường, tiền trợ cấp, chăm sóc sức khỏe theo quy định của pháp luật (Điều 118 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

- Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động được áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải người lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc không được xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động (Điều 119 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

3. Đương sự không làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì có lý do chính đáng hoặc trở ngại khách quan.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP quy định: Khi tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể, ngoài việc phải thực hiện đúng quy định tại điều luật tương ứng của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan để ra quyết định.

Như vậy, điều kiện để Tòa án có quyền tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự được quy định như trên.

----------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 
024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.