Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Thủ tục tiếp nhận đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp vào chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 13/08/2021

Câu hỏi: Cho tôi hỏi, để tiếp nhận các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp vào chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội cần phải thực hiện trình tự, thủ tục như thế nào? Xin cảm ơn!

Phòng Luật - ACDC tư vấn:

Căn cứ các quy định tại khoản 3 Điều 27, khoản 2 Điều 28 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/03/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, hồ sơ, trình tự thủ tục tiếp nhận các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp để chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội được thực hiện như sau:

* Hồ sơ tiếp nhận vào cơ sở đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp:

(1) Tờ khai đề nghị tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội của đối tượng hoặc người giám hộ (Mẫu số 07 ban hành kèm theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP);

(2) Bản sao chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân của đối tượng (nếu có);

(3) Biên bản đối với trường hợp khẩn cấp có nguy cơ đe dọa đến an toàn của đối tượng;

(4) Văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đối tượng đang ở hoặc nơi phát hiện thấy cần sự bảo vệ khẩn cấp;

(5) Văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi cơ quan quản lý cơ sở (nếu vào cơ sở của tỉnh);

(6) Quyết định tiếp nhận của người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội.

* Thủ tục tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp:

Cơ sở trợ giúp xã hội có trách nhiệm tiếp nhận ngay các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp để chăm sóc, nuôi dưỡng hoàn thiện các thủ tục theo quy trình sau:

Bước 1. Lập biên bản tiếp nhận có chữ ký của cá nhân hoặc đại diện cơ quan, đơn vị phát hiện ra đối tượng (nếu có), chính quyền (hoặc công an) cấp xã, đại diện cơ sở trợ giúp xã hội. Đối với đối tượng là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán và nạn nhân bị cưỡng bức lao động, biên bản tiếp nhận có chữ ký của đối tượng (nếu có thể);

Bước 2. Đánh giá về mức độ tổn thương, khả năng phục hồi và nhu cầu trợ giúp của đối tượng để có kế hoạch trợ giúp đối tượng;

Bước 3. Bảo đảm an toàn và chữa trị những tổn thương về thân thể hoặc tinh thần cho đối tượng kịp thời; đối với trẻ em bị bỏ rơi, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 25 ngày làm việc;

Bước 4. Quyết định trợ giúp đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc chuyển đối tượng về gia đình, cộng đồng;

Bước 5. Hoàn thành các thủ tục, hồ sơ của đối tượng theo quy định, Trường hợp là trẻ em bị bỏ rơi, cơ sở thực hiện các thủ tục khai sinh cho trẻ theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

* Thời gian hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ:

Các thủ tục, hồ sơ phải hoàn thiện trong 10 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận đối tượng, trường hợp kéo dài quá 10 ngày làm việc, phải do cơ quan quản lý cấp trên xem xét quyết định.

----------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 
024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.