Câu hỏi: Hiện tại tôi đang đi thuê nhà để ở và tôi có nguyện vọng đăng ký thường trú tại đây. Tôi muốn đăng ký thường trú tại tại chỗ ở do thuê, mượn thì cần đáp ứng những điều kiện gì và giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp như thế nào? Mong được giải đáp.
Phòng Luật – ACDC tư vấn:
1. Điều kiện người thuê nhà được đăng ký hộ khẩu
Theo Điều 20 Luật Cư trú 2020, để được đăng ký hộ khẩu tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng hộ khẩu tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký hộ khẩu vào cùng hộ gia đình đó;
- Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2 sàn/người.
2. Hồ sơ đăng ký hộ khẩu đối với người thuê nhà
Theo khoản 3 Điều 21 Luật Cư trú, hồ sơ đăng ký hộ khẩu đối với người thuê nhà gồm:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký hộ khẩu của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
- Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký hộ khẩu theo quy định:
Cụ thể hơn, khoản 2 Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú thì giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú gồm: Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở có thể hiện thông tin về diện tích nhà ở đang sử dụng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Thủ tục đăng ký hộ khẩu.
Căn cứ Điều 22 Luật Cư trú năm 2020 quy định về thủ tục đăng ký thường trú như sau:
Bước 1: Người đăng ký hộ khẩu nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.
Cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (khoản 4 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020)
Bước 2: Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ khẩu, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.
Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký (khoản 4 Điều 22 Luật Cư trú năm 2020).
Như vậy, điều kiện, hồ sơ, thủ tục giấy tờ khi đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ được pháp luật quy định như trên.
----------------------------------------------------------------------------------------------
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.