Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015, có khá nhiều điểm mới so với Luật BHYT năm 2008, như quyền lợi bảo hiểm y tế của người dân được mở rộng, như đối với người dân đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng cũng được nhà nước mua thẻ BHYT.
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2015, người khuyết tật đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, khi đi khám chữa bệnh sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Điều này phần nào đáp ứng được quyền của những người dân đang sinh sống tại những nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, cũng như đảm bảo quyền của người khuyết tật, những người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội.
Một trong những điểm đáng chú ý trong luật BHYT sửa đổi lần này là quy định bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình. Quy định này đã dẫn tới không ít những khó khăn cho người tham gia bảo hiểm.
Theo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2008 thì BHYT là “hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”. Đối tượng tham gia BHYT được sắp xếp lại theo 5 nhóm dựa vào chủ thể phải trả tiền mua BHYT, trong đó bổ sung thêm đối tượng tham gia BHYT là hộ gia đình. Cũng theo quy định này thì hộ gia đình được định nghĩa là “bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú”. Điều này cũng có nghĩa tất cả các thành viên trong gia đình đều phải mua BHYT, nói cách khác là 1 thành viên trong gia đình chỉ có thể có thẻ BHYT nếu tất cả những thành viên khác trong gia đình cùng mua.
Trong khi đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy, mức sống của người khuyết tật không cao, tình hình tài chính lại có hạn, trong khi chi phí đi khám, chữa bệnh lại không hề nhỏ chút nào. Đây là rào cản để một bộ phận không nhỏ người khuyết tật không thể sử dụng thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện (khoảng 61,7% người khuyết tật tham gia nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển xã hội năm 2013 nhận định như vậy), trong khi theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, chỉ những trường hợp người khuyết tật đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội mới thuộc diện được cấp thẻ BHYT miễn phí. Vậy còn những người khuyết tật không thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội sẽ phải tự mình mua BHYT, và sẽ thuộc diện mua BHYT theo hộ gia đình. Cụ, thể sẽ được tính như sau:
- Người thứ nhất đóng bằng 4.5% mức lương cơ sở
- Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Hộ gia đình phải đóng đủ số tiền BHYT theo định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng.
Như vậy, nếu 1 hộ gia đình có 3 người, trong đó có 01 thành viên là người khuyết tật thì 3 thành viên này sẽ phải cùng mua BHYT và sẽ phải đóng khá nhiều tiền cho việc mua được thẻ BHYT theo như hướng dẫn ở trên, trong khi mức sống của đại đa số gia đình có người khuyết tật lại rất khó khăn. Điều này có thể dẫn tới việc hộ gia đình không cỏ đủ chi phí để mua BHYT cho các thành viên trong gia đình, trong khi Luật lại quy định việc toàn dân tham gia BHYT là điều bắt buộc. Hơn nữa, nếu 1 thành viên trong gia đình không ở nhà thì sẽ rất khó để hộ gia đình có thể hoàn tất hồ sơ mua BHYT, vì một trong những yêu cầu của hồ sơ mua BHYT là phải có giấy xác nhận tạm vắng của cơ quan công an đối với trường hợp thành viên không có mặt tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì những thành viên còn lại mới có thể mua BHYT…
Không chỉ khó khăn về thủ tục mà còn khó khăn đối với việc khám không đúng tuyến. Theo quy định của Luật này, thẻ BHYT sẽ được cấp tại nơi người mua có hộ khẩu thường trú. Trên thực tế, có rất nhiều người, trong đó có người khuyết tật đăng ký hộ khẩu ở một nơi nhưng làm việc ở một nơi khác. Nếu muốn khám chữa bệnh theo đúng BHYT thì có khi phải về quê, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; nếu khám chữa bệnh không đúng BHYT thì sẽ bị hạn chế khá nhiều quyền lợi, như sẽ không được miễn phí chi phí khám nếu khám trái tuyến tại bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, cụ thể như:
“Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này:
a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trong phạm vi cả nước;
c) Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.”
Trên đây chỉ là một số rất nhỏ những bất cập mà người viết muốn gợi mở để thảo luận. Đây cũng là những bất cập mà chính những cơ quan nhà nước có liên quan khẳng định kể từ khi thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT. Chúng ta vẫn đang chờ đợi phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là các cơ quan liên quan tới lĩnh vực BHYT đưa ra những giải pháp cụ thể giải quyết những bất cập này.
Nguyễn Ngọc Lan
Trưởng phòng Luật, ACDC
_______________________________________________
Chú thích
1: Điểm g, h Khoản 6 Điều 1 Luật BHYT năm 2014 sửa đổi, bổ sung Điều 12 Luật BHYT 2008
2: Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT
3: Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT
4: Chi phí kinh tế của sống với Người khuyết tật và kỳ thị ở Việt Nam_Nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển xã hội thực hiện năm 2013 tại 8 tỉnh.
5: Điểm g, Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT
6: Khoản 15 Điều 1 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, sửa đổi Điểm 3 Điều 22 Luật BHYT năm 2008