Tóm tắt: Bài viết đề cập nghiên cứu một số quy định mới của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 về người được trợ giúp pháp lý, đồng thời cũng nêu lên một số vấn đề còn bất cập cần được hướng dẫn và hoàn thiện trong quá trình đưa Luật đi vào cuộc sống.
1. Quy định của pháp luật về người được trợ giúp pháp lý
Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế đất nước hiện nay, Nhà nước ta tiếp tục thực hiện sâu rộng các chính sách về xóa đói giảm nghèo, chính sách dân tộc, chính sách nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa và đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 01/01/2018) được ban hành, trong đó có các quy định về người được trợ giúp pháp lý đã được quy định theo hướng mở rộng hơn để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, đặc biệt là người được trợ giúp pháp lý.
Người được trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Ngoài những chủ thể được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp năm 2006, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã mở rộng thêm rất nhiều chủ thể, đối tượng được trợ giúp pháp lý bao gồm:
Người có công với cách mạng[1]: Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, người nhiễm chất độc da cam nếu có khó khăn về tài chính thì sẽ là người được trợ giúp pháp lý. Như vậy, chúng ta đã thấy sự khác nhau về tên gọi đó là người nhiễm chất độc da cam và người nhiễm chất độc hóa học. Thông thường, khái niệm người nhiễm chất độc hóa học với người nhiễm chất độc da cam sẽ được hiểu là đồng nhất nên việc quy định chi tiết, cụ thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác trợ giúp pháp lý.
Người thuộc hộ nghèo: Khái niệm người thuộc hộ nghèo trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã quy định khớp nối với khái niệm hộ nghèo trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ[2]. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan nhà nước thường chỉ có cấp sổ hộ nghèo hoặc giấy xác nhận là hộ nghèo, trong đó có từng thành viên trong sổ hộ nghèo. Chính vì vậy, khi người được trợ giúp pháp lý cung cấp các tài liệu, giấy tờ để chứng minh đối tượng được trợ giúp pháp lý sẽ gặp rất nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, khái niệm hộ cận nghèo cũng đã được đề cập trong các quy định của pháp luật và ranh giới để được xác định là hộ nghèo và hộ cận nghèo là không chênh lệch nhau quá lớn. Cho nên, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã quy định người thuộc hộ cận nghèo nếu có khó khăn về tài chính thì họ cũng là người được trợ giúp pháp lý. Đây là một trong những quy định rất tiến bộ, thực hiện tốt và triệt để chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Trẻ em: Khái niệm trẻ em của pháp luật về trợ giúp pháp lý chưa phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 chỉ thừa nhận quyền được trợ giúp pháp lý cho đối tượng là trẻ em không nơi nương tựa, chứ không phải là trẻ em nói chung. Trong khi đó, pháp luật quốc tế quy định rằng, trẻ em là đối tượng đặc biệt cần phải được bảo vệ và có quyền được tiếp cận tư pháp và trợ giúp pháp lý miễn phí. Điều 40 (khoản b, đoạn ii) của Công ước quốc tế về quyền trẻ em cũng khẳng định, bất cứ trẻ em nào bị khởi tố là đã vi phạm pháp luật hình sự đều có quyền được trợ giúp về pháp lý hoặc sự trợ giúp thích hợp khác cho sự biện hộ của mình[3]. Vì vậy, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã quy định trẻ em là người được trợ giúp pháp lý mà không còn phụ thuộc vào các yếu tố là có nơi nương tựa hay không có nơi nương tựa. Bên cạnh đó, Luật Trẻ em năm 2016 quy định “trẻ em là người dưới 16 tuổi”, như vậy, độ tuổi trẻ em được trợ giúp pháp lý quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý được dẫn chiếu đến Luật Trẻ em. Trong khi đó, Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 quy định trẻ em có nghĩa là những người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn. Tuy nhiên, hiện nay những người ở độ tuổi từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có nhu cầu trợ giúp pháp lý nhưng lại không được coi là trẻ em để hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Thực tiễn cho thấy, tại các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn đang giới thiệu các vụ việc có người chưa thành niên phạm tội cho các Trung tâm Trợ giúp pháp lý trên toàn quốc để thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng này và các Trung tâm cũng ban hành quyết định cử trợ giúp viên hoặc luật sư cộng tác viên tham gia bào chữa cho các chủ thể này. Chính vì vậy, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã quy định người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có nhu cầu thì họ sẽ là người được trợ giúp pháp lý và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính cũng sẽ là người được trợ giúp pháp lý nếu họ có nhu cầu. Như vậy, nhóm người được trợ giúp pháp lý là trẻ em và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định, phân hóa danh giới độ tuổi và phân định phạm vi, lĩnh vực vụ việc rất chi tiết, cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhóm người này, vừa thể hiện chính sách pháp luật của Nhà nước ta trong mối quan hệ với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, vừa thể hiện được chính sách phát triển thế hệ tương lai, thế hệ trẻ của đất nước và đặc biệt là phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội cũng như nhu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 quy định người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý khi họ là người thường trú, thường xuyên sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT ngày 17/01/2012 của Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số quy định người dân tộc thiểu số thường xuyên sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là người đã đăng ký thường trú, đã đăng ký tạm trú hoặc có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định của pháp luật.
Trên thực tế, nhiều trường hợp, người dân tộc thiểu số sinh sống lâu dài ở vùng không phải là vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhưng hộ khẩu thường trú của họ vẫn ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, dẫn đến sự nhầm lẫn khi xác định đối tượng được trợ giúp pháp lý cho những người này. Chính vì vậy, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã có quy định mới điều chỉnh và khắc phục một số điểm bất cập ở trên. Cụ thể, Luật đã quy định người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trợ giúp pháp lý là người đang thường xuyên làm ăn, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ mà không phụ thuộc việc họ có hộ khẩu thường trú ở vùng đó hoặc ở vùng khác hay không. Đây chính là quy định mang tính thực chất, phản ánh trực diện điều kiện nhu cầu của người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chứ không phải là căn cứ vào giấy tờ thủ tục hành chính hộ khẩu thường trú để xác định người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý.
2. Một số vấn đề còn bất cập cần hướng dẫn và hoàn thiện
Một là, về xác nhận có điều kiện khó khăn về tài chính
Theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thì cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và người nhiễm HIV phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc người đó có khó khăn về tài chính thì khi đó họ mới là người được trợ giúp pháp lý. Điều này, đồng nghĩa với việc chúng ta phải xây dựng, ban hành một thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xin xác nhận người có khó khăn về tài chính. Luật đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Hiện nay, các cơ quan, ban, ngành đang tập trung xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành và quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Chưa biết hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là như thế nào, nhưng thực tế trong thời gian qua, nếu người dân có nhu cầu xin xác nhận về nhân thân cá nhân, xin xác nhận về điều kiện, hoàn cảnh gia đình, người thân thì thông thường người dân làm đơn đề nghị xin xác nhận gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó thường trú để xác nhận, có trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ xác nhận ngay vào phần cuối của đơn, có trường hợp không xác nhận mà hướng dẫn người dân về thôn, xóm, bản, làng, khu phố, tổ, cụm dân cư để xin ý kiến của trưởng thôn, tổ trưởng... của nơi người dân đang thường trú, sau đó gửi về xã mới ký đóng dấu xác nhận, nhưng có nhiều trường hợp nếu quen biết, thân tình, người nhà thì sẽ có xác nhận ngay còn nếu là người có mâu thuẫn hay vì các ý do khác sẽ có thể không bao giờ địa phương xác nhận cho. Như vậy, việc quy định về điều kiện có khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý nêu tại khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 sẽ vô hình chung tạo ra cơ chế xin cho, nhờ vả và tạo ra những thủ tục hành chính, những chi phí thực tế không cần thiết cho người dân, đặc biệt họ lại là những đối tượng yếu thế trong xã hội đang cần sự trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước và của xã hội.
Hai là, quy định không tương thích với Luật Người khuyết tật năm 2010
Người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có điều kiện khi có xác nhận là người có điều kiện khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Người khuyết tật năm 2010[4], người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy, Luật Người khuyết tật quy định tất cả người khuyết tật, không phân biệt mức độ khuyết tật hay việc người khuyết tật đó có nơi nương tựa hay không, có khó khăn về tài chính hay không, đều được trợ giúp pháp lý. Như vậy, cùng một chủ thể là người khuyết tật và quy định của pháp luật về quyền được hưởng của người khuyết tật nhưng hai văn bản pháp luật lại quy định có sự khác nhau về quyền lợi của người khuyết tật. Dẫu biết rằng, đa số người khuyết tật là những người có điều kiện kinh tế khó khăn thì việc xin xác nhận người có điều kiện có khó khăn về tài chính không có gì phức tạp cả, nhưng cũng sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của người khuyết tật khi họ làm thủ tục xin trợ giúp pháp lý.
Ba là, quy định chưa phù hợp với Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và thu hẹp phạm vi áp dụng đối với chủ thể được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006
Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ được trợ giúp pháp lý khi họ có đủ điều kiện là người có điều kiện khó khăn về tài chính. Trong khi đó, theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 thì cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ đương nhiên là người được trợ giúp pháp lý, tức là khi họ có nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí, họ chỉ cần làm đơn và cung cấp tài liệu giấy tờ thuộc đối tượng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ thì khi đó họ sẽ được Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cử luật sư cộng tác viên, trợ giúp viên tham gia trợ giúp pháp lý cho họ.
Tóm lại, các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 về người được trợ giúp pháp lý đã hướng tới sự phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, sự đồng bộ, tương thích, thống nhất với hệ thống pháp luật trong nước cũng như về sự tương thích, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; đảm bảo sự phù hợp với chính sách về bình đẳng giới, chính sách dân tộc, chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa và đặc biệt là đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tiễn của Việt Nam để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn một số bất cập cần hướng dẫn và hoàn thiện để Luật đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trên thực tế.
Luật sư Nguyễn Văn Hà
Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
[1]. Xem: Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
[2]. Xem: Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 08/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.
[3]. Liên Hợp Quốc (1966), Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị,được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Có hiệu lực ngày 23/3/1976, căn cứ theo Điều 49, New York, Mỹ.
[4]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2010), Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12 ngày 17/6/2010, Hà Nội.
Link bài viết:
http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=400