Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Bài học đắt giá

  • Thực hiện: Mỹ Hạnh
  • 23/08/2022

Mấy năm trước, khi anh Tùng - chồng chị Thu còn khỏe mạnh thì anh làm lái xe chở hàng thuê. Chị sức khỏe yếu do mất một chân trái nên ở nhà lo quan xuyến gia đình, vốn khéo tay nên chị được tuyển vào làm thợ ở xưởng thêu gần nhà. Gánh nặng kinh tế đè nặng lên đôi vai gầy guộc của chị kể từ khi chồng chị bị tai nạn và không còn khả năng lao động. Đêm nào cũng vậy, nằm trên giường chị cứ trằn trọc mãi không thôi. Đã rất nhiều lần đứa con gái lớn đang học lớp 11 xin mẹ nghỉ học để phụ mẹ kiếm tiền nhưng chị kiên quyết không đồng ý.

Biết chị đang trăn trở rất nhiều về kinh tế nên chị Hiền- đồng nghiệp đã gợi ý chị Thu làm cộng tác viên cho các trang thương mại điện tử để tăng thêm thu nhập. Chị Hiền kể hiện chị đang làm cộng tác viên cho một số trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…theo hình thức mua hàng đặt đơn “ảo” rồi được nhận lại tiền đã thanh toán khi lên đơn và tiền hoa hồng. Chị Hiền cho biết chị đã làm công việc này được hơn một tháng, đã hoàn thành được 10 đơn hàng “ảo”, tiền hoa hồng nhận về là 1 triệu đồng. Vừa lấy điện thoại, chị Hiền vừa nói: “Đây! Chị cho số của người đã tuyển chị nhé! Nếu em muốn đăng ký thì cứ nhắn tin hỏi người ta”.

Ngay tối ấy, chị Thu chủ động nhắn tin và kết bạn zalo cho người được chị Hiền giới thiệu- tên Dũng. Dũng tự xưng là nhân viên của công ty tuyển dụng cộng tác viên cho các trang thương mại điện tử. Sau một hồi tìm hiểu, chị Thu được Dũng quảng cáo đây là hình thức hợp tác giữa các trang thương mại điện tử như: Sendo, Shopee, Lazada, Tiki… và các chủ gian hàng nhằm tăng lượt mua và đánh giá cho sản phẩm dưới hình thức tuyển cộng tác viên lên đơn và đánh giá sản phẩm. Khi chị Thu hỏi kỹ hơn, Dũng nói một lèo: Cộng tác viên sẽ được cấp mã đăng nhập vào các app, đường link mang tên nhiều sàn thương mại điện tử lớn. Hằng ngày, hệ thống sẽ gửi cho cộng tác viên đơn hàng ngẫu nhiên và cộng tác viên sẽ phải lên đơn và ứng tiền bằng cách chuyển khoản để chốt đơn, giả vờ mua hàng để tăng lượt tương tác và uy tín cho các gian hàng. Gọi là giả vờ vì cộng tác viên không phải mua gì, số tiền ứng trước ấy sẽ được hoàn trả cùng với hoa hồng.

Để có thể trở thành cộng tác viên, chị Thu cần đáp ứng hai điều kiện: một là, có điện thoại thông minh để truy cập vào đường link được công ty cung cấp rồi tiến hành đặt đơn hàng “ảo” và ứng trước tiền mua hàng; hai là, có tài khoản ngân hàng nhằm mục đích ứng trước tiền để thanh toán đơn “ảo” rồi nhận lại tiền đã ứng trước để mua đơn “ảo” và tiền hoa hồng. Sau khi chuyển khoản thanh toán, hệ thống sẽ tự động hoàn trả tiền gốc và phần trăm hoa hồng. Dũng nhiều lần nhấn mạnh: Tiền hoa hồng chính là thu nhập của cộng tác viên, nó phụ thuộc vào giá trị đơn hàng, có nghĩa là giá trị đơn hàng càng cao thì tiền hoa hồng sẽ càng nhiều, dao động từ 10% đến 20% giá trị đơn hàng. Để lấy sự tin tưởng từ chị Thu, Dũng gọi điện video cho chị và chụp thẻ căn cước công dân gửi chị. Thấy người gọi video và ảnh trên căn cước công dân giống nhau nên chị Thu cũng chẳng mảy may nghi ngờ. Chị Thu nói khó với Dũng về số vốn ban đầu của chị không nhiều. Đáp lại, Dũng nhắn chị Thu yên tâm và hứa sắp xếp để chị Thu chốt đơn ảo có giá trị thấp. Dũng mách nước, nếu chị Thu không có nhiều vốn thì dùng chiến thuật lấy “mỡ nó rán nó”.Tức là sau khi nhận lại được tiền đã thanh toán để chốt đơn “ảo” và tiền hoa hồng của đơn hàng trước thì chị lấy chính số tiền này để đặt đơn “ảo” tiếp theo. Như vậy, vốn chị bỏ ra không cần nhiều. Dũng nhắc đi nhắc lại về công việc này gói gọn chỉ trong hơn hai mươi từ: Dễ dàng; thu nhập cao; ngồi ở đâu cũng làm được; không giới hạn độ tuổi, kĩ năng hay học vấn. Công việc nghe qua đã cảm thấy quá là hời!!!

Mấy hôm trước, bà chủ nhà nơi chị thuê trọ hối chị đóng tiền nhà. Chẳng có tiền chị đành khất lần thêm mấy hôm. Trước khi về, bà chủ trọ cau có “Tháng nào cũng chậm cả gần chục hôm, tháng này tôi cho chị thêm mấy hôm để chị thu xếp tiền liệu trả cho tôi. Tháng sau mà chậm trễ như này thì tôi không cho ở nữa!”. Đến chỗ làm, chị Thu than thở với chị Hiền. Chị Hiền động viên: “Chị là nhân chứng sống đây! Người thật việc thật! Đã từng làm và đã nhận được tiền nên em cứ yên tâm.”. Chị Thu lăn tăn lắm! Thế rồi, trong đầu chị cứ văng vẳng câu của Dũng: “Trước mắt chị chưa có nhiều vốn thì chị cứ chọn đơn hàng có giá trị thấp, lấy ít hoa hồng. Sau vài đơn hàng, khi đã có một khoản vốn thì chị chọn đơn hàng lớn, ứng trước tiền chốt đơn càng cao thì chị sẽ có thu nhập cao!!!”.. Giờ với chị, làm cộng tác viên chốt đơn “ảo” là con đường dễ nhất và nhanh nhất để chị giải quyết khó khăn nên chị quyết định đăng ký làm theo đường link đơn được Dũng gửi. Khi điền đơn xong xuôi, email của chị được hệ thống gửi mã cộng tác viên. Dũng hướng dẫn: Cứ mỗi lần chị ứng trước để thanh toán đơn “ảo” thì nội dung chuyển khoản chị phải ghi mã cộng tác viên để tránh nhầm lẫn với người khác. Thanh toán xong chị Thu phải chụp hình chuyển tiền gửi lại cho Dũng để xác thực.

Ngay hôm sau, chị Thu được hệ thống giao "nhiệm vụ" đầu tiên là vào đường link để thanh toán “combo năm chiếc mũ” trị giá 200 nghìn đồng. Khi nhận được đường link, chị làm theo hướng dẫn là tạo đơn hàng và thanh toán dưới hình thức chuyển khoản đến số tài khoản được ghi trong đường link. Sau khi hoàn thành "nhiệm vụ", 30 phút sau, chị Thu nhận được 300 nghìn đồng. Thấy dễ kiếm tiền, chị Thu mừng thầm. Càng về sau đơn hàng được phía công ty yêu cầu toàn có giá trị lớn như máy xay sinh tố, nồi chiên không dầu, nồi cơm điện mini… có giá trị từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng nhưng đổi lại hoa hồng dao động từ 200 nghìn đồng tới 1 triệu đồng cho mỗi đơn. Trong vòng hai tuần, chị đã chốt được năm đơn và đều được nhận lại tiền đã ứng để mua hàng “ảo” và tiền hoa hồng như đúng hẹn. Tới "nhiệm vụ" thứ sáu, người ta yêu cầu chị Thu thanh toán sản phẩm điện thoại có giá 3 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chị Thu thực hiện mua hàng qua link thì Dũng nói rằng "nhiệm vụ" này phải thanh toán ba lần mới hoàn thành. Chị Thu làm như hướng dẫn thì Dũng yêu cầu chị thanh toán ba liên kết và mỗi link sản phẩm đều phải thanh toán ba lần. Khi đó, chị không lường trước được càng muốn gỡ lại càng lún sâu rồi bản thân chị không thoát ra được. Thấy chị Thu còn lưỡng lự, Dũng bồi thêm: “Chị đã thanh toán 9 triệu đồng thì còn thiếu 27 triệu đồng nữa là đủ của mã này. Tiền hoa hồng cho mã này là 5 triệu đồng. Tổng chị được thu lại là 41 triệu đồng”. Với tâm lý vì lỡ thanh toán số tiền lớn rồi, vả lại cũng tiếc tiền hoa hồng Dũng nói nên chị Thu cố gắng hoàn thành đơn hàng theo yêu cầu. Để có tiền thanh toán đơn hàng “ảo” này, chị phải chạy vạy khắp nơi, vay tiền của người thân, bạn bè để hoàn thành đơn hàng. Vừa vay được 36 triệu đồng, chị Thu vội vàng lên đơn “ảo” như mọi lần. Đợi mấy ngày chẳng thấy tiền về như Dũng hứa, chị Thu gọi “cháy máy” số điện thoại của Dũng cũng như công ty nơi Dũng nói mình là nhân viên nhưng cả trăm cuộc thì cả trăm lần chỉ là tiếng “Tút…tút….”. Đến bây giờ, chị chẳng mong được hưởng mấy triệu hoa hồng như Dũng nói nữa mà chỉ mong lấy lại được số tiền đã mất mà thôi.

Hoang mang, chị Thu vội gọi ngay cho chị Hiền để hỏi tình hình. Trong điện thoại, chị Hiền mếu mếu máo máo: “Mấy hôm trước chị cũng vừa thanh toán 10 triệu đồng để chốt đơn hàng. Thanh toán xong chị được thông báo sau hai ngày, tổng tiền về tài khoản chị là 12 triệu đồng. Nhưng đã bốn ngày rồi mà tiền thì chưa thấy, gọi điện thì cứ thuê bao. Trước chị chuyển và thấy nó trả đủ và đúng hẹn lắm!”. Sau một hồi nói chuyện, hai chị em cùng thốt lên: “Thế là mình bị nó lừa rồi!”. Chị Thu khóc: “Trời ơi! Phải làm sao đây chị ơi?! Để chuyển tiền chốt đơn như nó yêu cầu, em phải đi chạy vạy khắp nơi. Giờ tiền không lấy được mà phải gánh trên mình một khoản nợ lớn. Những lần trước em thấy chúng chuyển tiền nhanh nên khi đi vay mượn em cũng hứa hai hôm sau là trả. Mấy hôm nay, có nhiều cuộc điện thoại hối em trả nợ quá!!!”. Khi định thần lại, chị Thu nói với chị Hiền: “Mình với nó chỉ là giao dịch trên mạng, qua tin nhắn, gọi điện chứ chưa lần nào gặp mặt trực tiếp. Bây giờ tìm nó như mò kim đáy bể… Nhưng nhất định phải đến trình báo công an vì dù chỉ là một chút hi vọng em vẫn mong tìm lại được số tiền đã mất!”. Nói là làm, hai chị em hẹn và chở nhau đến cơ quan công an. Với chị, chưa bao giờ một quãng đường chỉ 2 km thôi mà nó lại dài đến như vậy… Đến cơ quan công an, hai chị thuật lại sự việc mình bị kẻ xấu lừa tổng là 46 triệu đồng rồi được cán bộ công an hướng dẫn, hai chị đã làm đơn tố cáo… Trên đường trở về, ngồi sau xe máy của chị Hiền, trong lòng chị Thu rối như tơ vò. Trong đầu chị quay cuồng bao nhiêu câu hỏi: Liệu công an có bắt được kẻ lừa đảo ấy không? Bây giờ đào đâu ra được ngay một lúc số tiền hàng mấy chục triệu đồng để trả tiền nhà, trả người thân, bạn bè đây? Khi bà chủ trọ không cho thuê nữa thì cả nhà chị sẽ đi đâu về đâu? Đi đâu bây giờ khi tiền cạn kiệt? Nghĩ đến đây chị chợt thấy rùng mình.

Kiếm tiền để tăng thêm thu nhập là nguyện vọng chính đáng của mỗi người, trong đó có chị Thu. Thế nhưng! Giá như lúc đó chị tỉnh táo hơn trước những lời “đường mật” của kẻ lừa đảo và biết dừng lại đúng lúc, đúng chỗ thì đã không phải ôm “quả đắng” như bây giờ… Đây là một bài học nhưng là bài học quá đắt giá đối với chị!

******

Khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.”