Mấy ngày nay, khắp trong làng ngoài bản không ngừng bàn tán tin Bế Văn Sẻn bị công an huyện bắt lên đồn vì hành vi khai thác gỗ lậu. Chẳng ai rõ thực hư câu chuyện thế nào nên nguyên nhân Sẻn là “lâm tặc” trở thành chủ đề gây xôn xao trong bản vốn dĩ rất bình yên này.
Sẻn là người điếc bẩm sinh nhưng bù lại thông minh và láu lỉnh. Từ nhỏ, Sẻn đã có duyên may được học ở trường dành cho trẻ khiếm thính, được học ngôn ngữ ký hiệu. Nhưng cái nghèo đã không cho Sẻn cơ hội học lên cao mà phải về nhà làm rẫy, đi rừng với bố mẹ kiếm tiền cho các em ăn học. Về bản, chẳng ai biết ngôn ngữ ký hiệu là gì, nên Sẻn hiểu ý của mọi người chủ yếu qua ngôn ngữ hình thể. Vốn thông minh lại ghi nhớ tốt nên Sẻn là một trong những thanh niên đi rừng giỏi của bản, chỗ nào có thú dữ, chỗ nào dễ sạt lở Sẻn đều biết hết và báo lại cho bà con trong bản để tránh. Vì thế bà con trong bản ai cũng quý Sẻn và tin tưởng Sẻn.
Phiên tòa sơ thẩm diễn ra, người ta thấy Sẻn run run đứng trước vành móng ngựa. Mới có mấy tuần thôi mà Sẻn gầy đi trông thấy, đôi mắt hốc hác mệt mỏi ánh lên sự sợ hãi. Thông qua người phiên dịch, vốn là một giáo viên dạy trẻ khiếm thính, Sẻn ra hiệu bằng ngôn ngữ kí hiệu với người phiên dịch: “Thưa tòa! Bị cáo không biết mình buôn lậu gỗ trong rừng.” Phiên tòa diễn ra lâu hơn dự kiến và nhiều tình tiết bất ngờ.
Thì ra, việc Sẻn bị bắt có liên quan đến Chử, người được xem là “bạn nối khố” dù Chử hơn tuổi Sẻn. Chử sinh ra và trải qua tuổi niên thiếu ở bản này nhưng đã đi làm xa từ nhiều năm trước. Gặp lại nhau, Chử ngỏ ý nhờ Sẻn dẫn đường vào vườn quốc gia vì muốn đốn vài cây gỗ để về sửa cái nhà cho bố mẹ già. Chử cũng nói anh ta xa quê lâu nên không còn nhớ đường. Tin bạn, thấy bạn hiếu thuận nên Sẻn hăng hái dẫn Chử đi. Trên đường đi, Chứ cứ dò hỏi Sẻn về các cây gỗ to, gỗ quý của vườn quốc gia còn không và ở đâu. Sẻn thật thà chẳng nghĩ ngợi gì nên chỉ rõ ngọn ngành cho Chử, chỗ nào có cây gỗ to, chỗ nào nhiều thú dữ cần tránh, rồi đường đi lối lại. Lần đầu, Chử chỉ chặt mấy cây nhỏ nhỏ nhưng hẹn lần sau Sẻn dẫn Chử vào chặt cây to hơn để làm trụ. Lần này, Chử còn dẫn theo một vài người bạn của Chử dưới miền xuôi lên để phụ kéo gỗ ra. Không nghe được nên Sẻn không hiểu họ nói chuyện gì với nhau. Sẻn chỉ dẫn họ vào rồi về luôn. Nhưng có một điều rất lạ mà Sẻn cứ băn khoăn mãi. Tại sao Chử luôn đi vào vườn quốc gia lúc chập tối và chở gỗ vào ban đêm. Sẻn hỏi Chử thì Chử lấp liếm rằng do chỉ thuê được xe vào buổi tối thôi. Thế rồi, hôm đó, Chử nhờ Sẻn dẫn bạn vào rừng tiếp, bảo vào lấy chuyến cuối là xong gỗ cho cái nhà thì bất ngờ trên đường đi kiểm lâm ập đến, đưa tất cả về đồn. Sẻn không hiểu vì sao mình lại bị bắt đi.
Tại phiên tòa, qua phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, Sẻn mới biết Chử không chỉ là một tên buôn gỗ lậu khét tiếng ở tỉnh bên mà còn là một trùm buôn gỗ lậu dọc vùng biên giới Việt Nam – Lào. Trước Chử đã bị công an bắt “hụt” vài lần. Đợt này, Chử quay về quê để khai thác một số lượng lớn cây sưa đỏ hòng vận chuyển qua biên giới, tuồn hàng sang Lào để thu lợi nhuận. Chử nghĩ ngay đến lợi dụng Sẻn – người thông thạo đường đi lối lại ở “chốn rừng thiêng nước độc” này. Theo cáo trạng, tang vật của vụ án là 10 mét khối gỗ sưa đỏ, đây là một thực vật thuộc nhóm gỗ quý hiếm, nghiêm cấm khai thác rừng tự nhiên với mục đích thương mại. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên bố hình phạt nghiêm khắc cho Chử - kẻ chủ mưu. Còn Sẻn, dù được luật sư cố gắng hỗ trợ bào chữa nhưng Hội đồng xét xử sau khi cân nhắc vẫn tuyên bố Sẻn có tội với tư cách đồng phạm trong vụ án này. Xét thấy Sẻn là người có nhân thân tốt, là trụ cột chính trong gia đình nuôi cha mẹ già, em nhỏ lại phạm tội lần đầu, nên Tòa tuyên Sẻn ba năm tù giam. “Tình ngay lý gian”, có thể Sẻn không biết hành vi của mình đang là tiếp tay cho một tên buôn bán gỗ lậu nhưng không biết không có nghĩa là không có tội.
************************************************************
Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản như sau: Người nào khai thác trái phép rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hoặc tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép gỗ loài nguy cấp, quý bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm.