Câu hỏi: Cho tôi hỏi hồ sơ, thủ tục công nhận liệt sĩ đối với trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tử vong do vết thương tái phát sống tại gia đình? Xin cảm ơn!
Phòng Luật - ACDC tư vấn:
Căn cứ các khoản 8 Điều 17, khoản 2, 3, 4 Điều 18 và khoản 1 Điều 20 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, hồ sơ, thủ tục công nhận liệt sĩ đối với trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên tử vong do vết thương tái phát sống tại gia đình được thực hiện như sau:
* Hồ sơ:
- Đơn đề nghị
- Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án và biên bản kiểm thảo tử vong xác định nguyên nhân chính gây tử vong là do vết thương cũ tái phát của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế huyện hoặc tương đương trở lên (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an).
* Trình tự, thủ tục:
Bước 1: Đại diện thân nhân có đơn đề nghị kèm giấy tờ trên gửi Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thường trú trước khi chết.
Trường hợp không còn thân nhân thì cá nhân có đơn kèm giấy tờ trên gửi UBND cấp xã nơi thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thường trú trước khi chết.
Bước 2: Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận đơn đề nghị, có văn bản gửi UBND cấp huyện đề nghị cấp giấy chứng nhận hy sinh.
Bước 3: Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, UBND cấp huyện có văn bản đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cấp bản trích lục hồ sơ thương binh làm căn cứ để cấp giấy chứng nhận hy sinh.
Bước 4: Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm cấp bản trích lục hồ sơ thương binh.
Bước 5: Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận bản trích lục hồ thương binh, UBND cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, cấp giấy chứng nhận hy sinh chuyển đến Sở LĐ-TB&XH kèm theo các giấy tờ quy định tại bước 1 và 2.
Bước 6: Trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, có văn bản đề nghị kèm hồ sơ gửi UBND cấp tỉnh.
Bước 7: Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, UBND tỉnh có trách nhiệm kiểm tra và gửi văn bản kèm theo các giấy tờ theo quy định đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thẩm định.
Bước 8: Trong thời gian 40 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm thẩm định, lập tờ trình và danh sách kèm theo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”. Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận quyết định cấp bằng, có trách nhiệm in, chuyển Văn phòng Chính phủ đóng dấu Bằng “Tổ quốc ghi công” và chuyển hồ sơ kèm bản sao quyết định cấp bằng, Bằng “Tổ quốc ghi công” đến cơ quan đề nghị thẩm định để chuyển về cơ quan, đơn vị cấp giấy chứng nhận hy sinh.
Bước 9: Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận bản sao quyết định cấp bằng, Bằng “Tổ quốc ghi công” kèm hồ sơ, Cơ quan, đơn vị cấp giấy chứng nhận hy sinh có trách nhiệm:
- Thông báo cho thân nhân của liệt sĩ (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con liệt sĩ, người có công nuôi liệt sĩ) và phối hợp với UBND cấp xã nơi đại diện thân nhân liệt sĩ thường trú tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ, trao Bằng “Tổ quốc ghi công”. Trường hợp không còn thân nhân thì tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ, bàn giao Bằng “Tổ quốc ghi công” về UBND cấp xã nơi liệt sĩ thường trú trước khi hy sinh.
- Bàn giao hồ sơ kèm bản sao quyết định cấp Bằng về Sở LĐ-TB&XH nơi tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ.
----------------------------------------------------------------------------------------------
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.