Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt

  • Thực hiện: Mỹ Hạnh
  • 06/08/2021

Câu hỏi: Tôi muốn hỏi việc xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt được quy định như thế nào? Xin cảm ơn!

Phòng Luật – ACDC tư vấn:

Căn cứ Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, điểm đ Khoản 72  Điều 1, điểm đ Khoản 73 Điều 1, điểm đ Khoản 74 Điều 1  Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 thì xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung hình phạt được quy định như sau:

1. Trong trường hợp cần xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt, người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện và phải chịu trách nhiệm về việc xác định đó.

2. Tùy theo loại tang vật, phương tiện cụ thể, việc xác định giá trị dựa trên một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây:

a) Giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hoá đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu;

b) Giá theo thông báo của cơ quan tài chính địa phương; trường hợp không có thông báo giá thì theo giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính;

c) Giá thành của tang vật, phương tiện nếu là hàng hoá chưa xuất bán;

d) Đối với tang vật, phương tiện là hàng giả thì giá của tang vật, phương tiện đó là giá thị trường của hàng hoá thật hoặc hàng hoá có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính.

3. Trường hợp không thể áp dụng được căn cứ quy định trên để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có thể ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và thành lập Hội đồng định giá. Hội đồng định giá gồm có người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan là thành viên.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện để xác định giá trị không quá 48 giờ, kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ, trong trường hợp thật cần thiết thì thời hạn có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 48 giờ. Mọi chi phí liên quan đến việc tạm giữ, định giá và thiệt hại do việc tạm giữ gây ra do cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ chi trả.

4. Căn cứ để xác định giá trị và các tài liệu liên quan đến việc xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải thể hiện trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

Như vậy, xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung hình phạt được quy định như trên.

----------------------------------------------------------------------------------------------

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng.
Người khuyết tật và người thân của người khuyết tật nếu có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi qua các kênh sau:
Hotline: 
024 6329 1019 hoặc 024 6291 0814 (vào giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).
Email: tuvan@acdc.org.vn
Fanpage: Viện ACDC
Đây là dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí dành cho người khuyết tật và người thân của người khuyết tật trên toàn quốc.