Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Nghĩa vụ tuân thủ quy tắc giao thông của người đi bộ

  • Thực hiện: Loan Nguyễn
  • 06/07/2020

Câu hỏi: Tôi là người khiếm thị, cho tôi hỏi khi tham gia giao thông (đi bộ) mà không đi đúng làn đường thì có bị xử phạt hay không? Vì đôi khi tôi đi bộ nhưng không thể phân biệt rõ được phần đường của người đi bộ.

Phòng Luật Trung tâm ACDC tư vấn:

Theo quy định tại Điều 32 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người đi bộ phải tuân thủ các quy tắc giao thông, trong đó có: “1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường”.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì: “Người khiếm thị khi đi trên đường bộ phải có người dắt hoặc có công cụ để báo hiệu cho người khác nhận biết đó là người khiếm thị”.

Căn cứ các quy định trên, đối chiếu với trường hợp của anh/chị, anh/chị là người khiếm thị, khi đi trên đường bộ, anh/chị phải có người dắt hoặc có công cụ để báo hiệu cho người khác nhận biết đó là người khiếm thị, đồng thời không có ngoại lệ về tuân thủ quy tắc giao thông đường bộ cho người khiếm thị, do vậy, anh/ chị vẫn phải tuân thủ các quy tắc giao thông, trong đó có nghĩa vụ phải đi đúng phần đường dành cho người đi bộ.

Trong trường hợp anh/chị vi phạm các quy tắc giao thông đường bộ như trên, anh/chị sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể:

- Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ khi: “Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn”.

- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.