Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Thủ tục đăng ký tạm trú

  • Thực hiện: Hương Thảo
  • 26/04/2019

Câu hỏi: Tôi là người khuyết tật có hộ khẩu ở Quảng Nam, nay tôi ra Huế để làm việc thì xin tạm trú có được không và thời gian tạm trú dài nhất là bao nhiêu? Tôi ra đó thời gian bao lâu thì phải làm thủ tục? Gặp ai để xin? Thủ tục cần những gì?

Phòng Luật trung tâm ACDC tư vấn:    

*Cơ sở pháp lý: Điều 30 Luật Cư trú 2006

*Nội dung:

Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.

Như vậy, trong thời gian 30 ngày kể từ ngày chuyển đến nơi ở mới, anh có trách nhiệm phải tới Công an xã, phường, thị trấn (Công an cấp xã) để làm thủ tục đăng ký tạm trú.

  • Thời hạn tạm trú

*Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 17 Thông tư 35/2014/TT-BCA.

*Nội dung:

  • Thời hạn tạm trú theo đề nghị của công dân nhưng tối đa không quá hai mươi bốn tháng. Hết thời hạn tạm trú, hộ gia đình hoặc cá nhân vẫn tiếp tục tạm trú thì đại diện hộ gia đình hoặc cá nhân đến cơ quan Công an cấp xã nơi cấp sổ tạm trú làm thủ tục gia hạn tạm trú.
  • Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày trước ngày hết thời hạn tạm trú, cá nhân, cơ quan, tổ chức đến cơ quan Công an nơi đăng ký tạm trú để làm thủ tục gia hạn tạm trú.

Lưu ý: Thời hạn tạm trú của mỗi lần gia hạn tối đa không quá thời hạn còn lại của sổ tạm trú. Trường hợp sổ tạm trú hết thời hạn sử dụng mà hộ gia đình hoặc cá nhân vẫn tiếp tục tạm trú tại đó thì đại diện hộ gia đình hoặc cá nhân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú làm thủ tục cấp lại sổ tạm trú.

Như vậy, thời hạn tạm trú tối đa tại một địa phương là 24 tháng (02 năm). Khi hết thời hạn này, anh vẫn tiếp tục có nhu cầu tạm trú thì làm thủ tục gia hạn thời gian tạm trú hoặc làm thủ tục để cấp lại sổ tạm trú.

  • Hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú

*Cơ sở pháp lý:

  • Khoản 3, khoản 4 Điều 30 Luật Cư trú 2006 sửa đổi bổ sung 2013
  • Khoản 2, 3 Điều 6 Nghị định 31/2014/NĐ-CP
  • Điều 16 Thông tư 35/2014/TT-BCA

*Nội dung:

  • Hồ sơ đăng ký tạm trú
  1. Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu (với trường hợp phải khai nhân khẩu) theo Mẫu HK01 và HK02 ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA
  2. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp), chẳng hạn như: giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy phép xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng cho thuê nhà ở, v.v…

Lưu ý:

+ Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên;

+ Trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

  • Nơi nộp hồ sơ: Người làm thủ tục đăng ký tạm trú nộp hồ sơ tại công an xã, phường, thị trấn (cấp xã) nơi tạm trú.
  • Thời hạn cấp sổ tạm trú: Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Trưởng công an xã, phường, thị trấn phải cấp Sổ tạm trú cho công dân.