Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Trường hợp nào phải làm thủ tục cấp lại giấy xác nhận khuyết tật?

  • Thực hiện: Hương Thảo
  • 20/03/2019

Câu hỏi: Tôi có đứa con bị bệnh tim bẩm sinh sắp tới tròn 6 tuổi. Cháu đã được xác định mức độ khuyết tật và được kết luận mức độ nặng. Tôi nghe người ta nói khi 6 tuổi thì phải đi làm lại giấy chứng nhận khuyết tật. Xin hỏi như vậy có đúng không?

Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:

Căn cứ Điều 8 Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện, những trường hợp sau đây phải làm thủ tục cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật:

  • Thay đổi dạng khuyết tật hoặc mức độ khuyết tật;
  • Mất Giấy xác nhận khuyết tật;
  • Người khuyết tật từ đủ 6 tuổi trở lên trừ trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng thuộc các trường hợp:

+ Mềm nhẽo hoặc co cứng toàn thân hoặc liệt toàn thân.

+ Thiếu hai tay.

+ Mù hai mắt hoặc thiếu hai mắt.

+ Liệt hoàn toàn hai tay hoặc liệt nửa người

+ Có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên mắc một hoặc nhiều loại bệnh: bệnh bại não, não úng thủy, tâm thần phân liệt.

Như vậy, đối chiếu với thông tin mà chị cung cấp, con của chị phải làm thủ tục cấp lại giấy xác nhận khuyết tật do đã đủ 6 tuổi và thuộc trường hợp khuyết tật đặc biệt nặng được miễn cấp lại giấy xác nhận khuyết tật nói trên.

Theo Điều 9 Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH, trình tự cấp lại giấy xác nhận khuyết tật được thực hiện theo trình tự như sau:

  • Bước 1: Người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật làm đơn theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH gửi UBND cấp xã nơi người khuyết tật cư trú.
  • Bước 2: Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người đề nghị, Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm:

+ Gửi văn bản tham khảo ý kiến cơ sở giáo dục về tình trạng khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật của người được xác định mức độ khuyết tật đang đi học

+ Triệu tập các thành viên, gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ;

+ Tổ chức đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật theo phương pháp quy định tại Điều 3 Thông tư này; lập hồ sơ, biên bản kết luận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.

+ Lập biên bản họp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật.

  • Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày có kết luận của Hội đồng, Chủ tịch UBND cấp xã niêm yết, công khai kết luận và cấp giấy xác nhận khuyết tật cho người khuyết tật, đồng thời thu hồi lại Giấy xác nhận khuyết tật cũ.